Australia đang tích cực nỗ lực xây dựng và phát triển cấu trúc quốc phòng mạnh mẽ hơn. Quốc gia này không chỉ mạnh tay gia tăng các khoản chi tiêu cho quốc phòng, mà còn quyết tâm đầu tư cho những loại khí tài mới. Liệu thị trường xuất khẩu vũ khí vốn đã đông đúc có thực sự còn cơ hội cho Australia?
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa tiết lộ kế hoạch mang tên “Chiến lược Xuất khẩu Quốc phòng” nhằm đưa Australia trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Trọng tâm của kế hoạch là khoản tiền 3,08 tỷ USD của Chính phủ dành cho các công ty sản xuất thiết bị quốc phòng tìm kiếm các thị trường nước ngoài và thành lập một cơ quan phụ trách xuất khẩu vũ khí mới, nhằm hiện thực hóa chiến lược.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (giữa) nói về kế hoạch của nước này trong cuộc đua quốc phòng.
Hiện tại, xuất khẩu quốc phòng của Australia chiếm 0,3% trong thị trường toàn cầu – tương đương với 1,6 tỷ USD mỗi năm – giúp nước này đứng trong top 20 các quốc gia xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới. Do đó, với khoản tiền trên, Chính phủ hy vọng các doanh nghiệp vũ khí sẽ nhanh chóng tìm ra cho mình những thị trường mới, thúc đẩy thị phần của Australia trên thị trường hiện nay.
Theo đánh giá của tờ The Diplomat, dường như kế hoạch trên của Australia có phần hơi quá tham vọng, bởi một số quốc gia ở nửa cuối của top 10 các quốc gia xuất khẩu vũ khí (như Tây Ban Nha, Italy, Ukraine và Israel) mỗi nước có giá trị xuất khẩu gấp hơn 8 lần so với Australia.
Tuy nhiên, Australia dường như đã xác định được nên tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp vũ khí bởi một số ngành công nghiệp chế tạo khác của quốc gia này đang dần suy giảm và thậm chí không có khả năng tồn tại. Do đó, Australia hy vọng rằng họ có thể sẽ có những kỹ năng cần thiết để tận dụng nhu cầu thị trường hiện nay.
Bản thân Australia không có khả năng quân sự để duy trì một ngành công nghiệp trong nước, phục vụ cho mục tiêu trên. Tuy vậy, Chính phủ nước này đã chỉ ra rằng họ sẽ tập trung vào việc cung cấp khí tài cho các đối tác trong liên minh tình báo “Five Eyes” gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand, cũng như hướng tới các thị trường ở châu Á và Trung Đông.
Sự không chắc chắn do sự chuyển đổi các cấu trúc quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể là một động lực chính khiến Australia mong muốn tăng cường khả năng xuất khẩu vũ khí. Ngoài ra, những biến đổi từ chính nền kinh tế Australia cũng là một nhân tố quan trọng khiến Chính phủ nước này quyết định đẩy mạnh đầu tư vào quốc phòng.
Như đã nêu ở trên, hiện tại, bang Nam Australia đang phải vật lộn với khả năng tồn tại của một số ngành công nghiệp chế tạo. Do đó, vùng này đang tìm kiếm cơ hội trở thành trung tâm của ước mơ quốc phòng Australia nhằm hồi sinh sức sống của nền kinh tế quốc gia.
Với việc nhà máy sản xuất xe hơi cuối cùng ở Australia đóng cửa tại thủ phủ Adelaide của bang Nam Australia vào tháng Mười năm ngoái, nước này đã mất đi năng lực chế tạo chiến lược hạng nặng, do đó họ quyết định chuyển đổi từ các hoạt động sản xuất dân sự sang sản xuất quân sự quy mô lớn.
Nhóm tác chiến của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) trở về Sydney sau khi tập trận quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo The Diplomat, Chính phủ Australia dường như đang nỗ lực “xoay trục” trực tiếp từ thiệt hại dân sự nêu trên sang năng lực quốc phòng dũng mãnh hơn như một sự bù đắp xứng đáng cho nền kinh tế nước này.
Họ hy vọng những giá trị “cao cấp” của ngành công nghiệp quốc phòng sẽ mang lại những lợi ích tài chính lớn hơn cho vùng Nam Australia cũng như giúp quốc gia giành được các năng lực chiến lược trong bối cảnh diễn biến toàn cầu chứng kiến nhiều biến đổi như hiện nay.
Một câu hỏi đặt ra là các nhà thầu quốc phòng có thực sự nhận được tiền từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoạt động hay không, khi mà cơ hội tài chính ở Australia hầu như chỉ tồn tại trong các ngành tư nhân. Mặc dù Chính phủ có thể đưa ra những quyết định táo bạo nhằm khuyến khích các hãng chế tạo quốc phòng có thêm động lực nhưng vẫn có khả năng nhiều nhóm hoạt động xã hội sẽ đứng ra phản đối việc các tổ chức tài chính công cho những tập đoàn quốc phòng vay để phục vụ hoạt động sản xuất.
Hiện tại, thị trường vũ khí quy mô lớn – gồm tàu chiến, chiến đấu cơ, tàu ngầm – đang nằm trong lòng bàn tay của Mỹ, Nga và các nước châu Âu. Do đó, Australia khó có khả năng phát triển và đạt được những mục tiêu đã đặt ra chỉ trong vòng một thập kỷ. Bên cạnh đó, đạt được cạnh tranh về giá cũng là một thách thức cho Chính phủ Australia.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, ước mơ lọt top 10 của Australia nhiều khả năng sẽ khó thực hiện được trong tương lai gần do ngành công nghiệp quốc phòng đang gặp nhiều trở ngại ở cả trong và ngoài nước, khi những khó khăn về tài chính vẫn tồn tại, còn thị trường vũ khí toàn cầu lại đang bị thống lĩnh bởi các ông lớn mà Australia hầu như không có khả năng vượt qua.
Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi ASEAN mua vũ khí nước này Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính trị quân sự kêu gọi các nước Đông Nam Á giữ vững lợi ích trên Biển Đông và ... |
Mỹ nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí công nghệ cao Quy định mới cho phép các quốc gia trên thế giới mua vũ khí công nghệ cao của Mỹ dễ dàng hơn nhưng giới phân ... |
Nga tăng cường tập trận chung để bán vũ khí Trong năm 2018, Nga sẽ tập trận chung với hơn 10 quốc gia. Một trong những mục đích của các cuộc tập trận này là ... |