Dấu "mật" bản danh sách các thí sinh nâng điểm của Bộ GD&DT khiến người dân càng nghi ngờ có sự can thiệp của những người có chức quyền.
Ngày 14/4/2019, ĐBQH Khóa XIII Bùi Thị An bày tỏ với Đất Việt sự không đồng tình với việc đóng dấu "mật" vào bản danh sách các thí sinh có bài thi bị can thiệp, nâng điểm khi gửi về các Sở GD&ĐT. Việc này sẽ hạn chế số người tiếp cận được bản danh sách này mà chỉ những người giữ vị trí Ban Giám đốc mới biết được thí sinh nào được nâng điểm, phụ huynh của các thí sinh đó là ai.
Bà An đề nghị cần công khai bản danh sách học sinh, phụ huynh này. Đây không phải là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội. Cần lưu ý, rất khó tin nếu tự nhiên mà các đối tượng đi can thiệp, sửa điểm cho các thí sinh này. Không loại trừ có sự "nhờ vả" đằng sau việc này, còn ai nhờ vả thì đó là điều cơ quan điều tra cần làm rõ.
"Nói việc công khai danh sách sợ làm ảnh hưởng tới các em học sinh thì cũng không phải. Các em cũng đều 18 tuổi, có đầy đủ quyền công dân, đủ ý thức để nhận biết được trách nhiệm thế nào. Ở độ tuổi 18, nhiều em đã đủ mạnh mẽ để khởi nghiệp... cho nên việc công khai cũng không sợ làm mất đi tính nhân văn" - bà An nói.
Theo bà An, việc công bố công khai danh sách thí sinh có bài thi bị can thiệp sẽ được nhiều hơn mất. Lợi ích của việc công khai bản danh sách này sẽ giúp các em không tiếp tục mắc sai lầm. Các em phải vươn lên bằng nội lực của bản thân chứ không phải dựa dẫm.
Việc không công khai, sẽ khiến cho các em có tâm lý như cái sai của mình đang được bảo vệ và tiếp tục dựa dẫm. Nếu giữ tâm lý đó thì khó có thể trở thành người có ích cho xã hội. Nhất là những thí sinh sau đó theo học ngành Y, Dược, Tư pháp, Giáo viên....
"Công khai danh tính là cứu các em một cách thực sự chứ không phải đóng dấu "mật" là để che giấu lỗi lầm để các em vươn lên. Đừng ngụy biện để bao che cho sai phạm, để các em phát triển trên nền giáo dục khập khiễng. Đất nước chúng ta cần những lứa măng non biết nhìn thẳng vào thực tế, biết sai lầm để vươn lên chứ không cần thế hệ luồn lách, dựa dẫm và ỉ lại" - bà An nói thẳng.
Bàn về vấn đề này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ sự khó hiểu với việc danh sách thí sinh có bài thi THPT Quốc gia 2018 bị can thiệp được đóng dấu "mật".
Ông Nhĩ cho rằng, rõ ràng có tình trạng "con ông cháu cha" trong vấn đề sửa điểm thi ở một số tỉnh. Khó tin rằng có ai làm không công. Dư luận nghi ngờ, những đối tượng trực tiếp can thiệp sẽ được đổi lại một điều tương xứng cho hành vi vi phạm của mình nếu như không được phát hiện ra.
"Tôi cho rằng cần phải công khai, minh bạch. Có như thế mới xử lý triệt để, không xảy ra những vụ việc đau lòng như thế này trong tương lai. Đứng trước pháp luật, ai làm sai cũng phải chịu xử lý như nhau, không phân biệt đó là con cái hay cán bộ đương chức nào..." - ông Nhĩ nói.
42 trong tổng số 64 thí sinh giận lân thi ở Hòa Bình được nâng từ 10 điểm trở lên Trong danh sách 64 thí sinh Hòa Bình được nâng điểm có 3 thí sinh được nâng từ 20 điểm trở lên, 39 thí sinh ... |
Thí sinh Hòa Bình được nâng điểm đang học trường tư Một thí sinh ở Hòa Bình được xác định liên quan gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, đang học ĐH FPT. Điểm chấm ... |