Chiều 13/7 (giờ địa phương), 8 ứng viên đủ điều kiện tham gia cuộc đua cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh nhằm thay thế ông Boris Johnson chính thức bước vào vòng bỏ phiếu đầu tiên. Theo giới chuyên gia, danh sách tranh cử được đánh giá là rất đa dạng thành phần và làm tăng triển vọng về một Thủ tướng Anh da màu đầu tiên trong lịch sử "xứ sở sương mù".

Bước nhảy vọt về bình đẳng chủng tộc

Đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh chiều 12/7 (giờ địa phương) đã công bố danh sách các ứng viên đủ điều kiện tham gia cuộc đua cho vị trí lãnh đạo đảng để trở thành Thủ tướng Anh.

Theo đó, 8/11 chính trị gia hội tụ đủ điều kiện để tranh cử gồm: ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính; bà Liz Truss, đương kim Ngoại trưởng; ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Anh; ông Nadhim Zahawi, đương kim Bộ trưởng Tài chính; bà Penny Mordaunt, Bộ trưởng Thương mại; bà Suella Braverman, Tổng chưởng lý Anh và ba cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt, Kemi Badenoch và Suella Braverman.

2-1657704252211
Danh sách ứng viên tranh cử của đảng Bảo thủ. Ảnh: AJLabs.

Trong số 8 ứng viên nêu trên thì tỉ lệ nam - nữ được chia đều, đặc biệt, 4 người không theo học các trường đại học danh giá như Oxford hay Cambridge và 4 người có nguồn gốc dân tộc thiểu số. Theo giới chuyên gia, đây là kết quả của việc thúc đẩy sự tham gia của các tài năng người dân tộc thiểu số, những người gốc Á, gốc Phi trong nội bộ đảng Bảo thủ dưới thời ông David Cameron hồi năm 2005.

Rob Ford, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Manchester nhận định: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà câu chuyện về người nhập cư là một phần không thể tách rời trong chính trị ở mọi quốc gia Tây Âu. Một danh sách tranh cử đa thành phần sẽ làm tăng triển vọng về một Thủ tướng Anh da màu đầu tiên trong lịch sử nước này”.

Giới phân tích chính trị thế giới cũng cho rằng, nếu người kế nhiệm ông Boris Johnson là một người da màu thì đây sẽ là bước nhảy vọt về bình đẳng chủng tộc ở Anh, mang tính biểu tượng mạnh mẽ không chỉ ở “xứ sở sương mù” nói riêng mà còn ở khu vực Tây Âu nói chung.

Được biết, đảng Bảo thủ có “truyền thống phá vỡ các rào cản” trong việc bổ nhiệm lãnh đạo. Cựu Thủ tướng Anh gốc dân tộc thiểu số Do Thái duy nhất cho đến nay là ông Benjamin Disraeli thuộc đảng Bảo thủ. Và việc bổ nhiệm bà Margaret Thatcher trở thành nữ Thủ tướng Anh đầu tiên cũng được đánh giá là bước đi lịch sử.

Các ứng viên sáng giá

Theo truyền thông Anh, trong số 8 ứng viên này, những cái tên đứng đầu danh sách ủng hộ của các cuộc thăm dò gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Thương mại Penny Mordaunt.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do hãng Opinium thực hiện với các đảng viên đảng Bảo thủ cho thấy, hiện cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất, với 28%. Vị trí thứ hai thuộc về Ngoại trưởng Liz Truss với 20% và đứng thứ ba là Bộ trưởng Thương mại Penny Mordaunt với 14%.

123-1657704469913
Các ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Anh. Ảnh: Getty

Được biết, nhiều chuyên trang phân tích đánh giá rất cao ông Rishi Sunak. Ông sinh ra ở Southampton và có cha mẹ là người Ấn Độ nhập cư. Ông là 1 trong 2 Bộ trưởng Nội các đầu tiên từ chức để phản đối việc ông Boris Johnson tiếp tục tại vị sau hàng loạt bê bối.

Ông cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều chính trị gia tên tuổi trong đảng Bảo thủ, như ông Dominic Raab, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Anh. Ông Dominic Raab kêu gọi cử tri đảng Bảo thủ ủng hộ Rishi Sunak vì cho rằng đây là tinh hoa duy nhất của đảng có thể chiến thắng Công đảng bằng khả năng chèo lái nền kinh tế rất linh hoạt và theo đường lối độc lập với châu Âu.

Về phía Ngoại trưởng Liz Truss, bà tự tin “bản thân có tố chất trở thành Thủ tướng”. Hôm 11/7, bà khẳng định: “Tôi tự ứng cử bản thân vì tôi có thể lãnh đạo và đưa ra những quyết định cứng rắn. Tôi có tầm nhìn rõ ràng về tương lai và với kinh nghiệm chính trị. Tôi quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Giới chuyên gia đánh giá, bà Liz Truss là một chính trị gia trung thành và khá được lòng các thành viên của đảng Bảo thủ. Bà được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng hồi tháng 9/2021 và là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử Anh giữ vai trò quan trọng này. Chính Liz Truss là đầu tàu cho một học thuyết chính sách đối ngoại mới “Ý thức hệ; xuất phát từ châu Âu; tìm kiếm các liên minh ngoài nước Mỹ; thẳng tay chống Trung Quốc và Nga”.

Đối với Quốc vụ khanh Chính sách Thương mại, Bộ Thương mại Anh Penny Mordaunt, trong một thông báo trên Twitter, bà nhấn mạnh: “Bộ máy lãnh đạo của chúng ta phải thay đổi. Cần tập trung ít hơn vào người lãnh đạo và chú ý nhiều hơn nữa vào cả bộ máy”.

Khi được hỏi sẽ tập trung vào điều gì nếu trở thành Thủ tướng, bà Penny Mordaunt nhấn mạnh sẽ tập trung trước hết vào phúc lợi xã hội cho các hộ gia đình và sửa đổi hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn thuế. Thay vào đó, bà sẽ xây dựng một hệ thống ngân sách cá nhân hóa mới, cho phép mọi trẻ em được hưởng quyền chăm sóc trẻ em được trợ cấp vào thời điểm phù hợp nhất với nhu cầu của gia đình.

Chiều 13/7 (giờ địa phương), 8 ứng viên nêu trên tham gia vòng bỏ phiếu sơ loại đầu tiên. Cụ thể, 358 nghị sĩ của đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu cho 8 ứng viên và người nào có số phiếu ít nhất hoặc có ít hơn 30 phiếu sẽ bị loại.

Kết quả của vòng bỏ phiếu đầu tiên này sẽ được công bố sau đó vài giờ. Các vòng bỏ phiếu tiếp theo dự kiến diễn ra từ ngày 14-21/7 cho đến khi chỉ còn lại 2 ứng viên tiềm năng nhất. Tiếp theo, 180.000 nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu vòng cuối cùng và tân Thủ tướng Anh sẽ được công bố vào ngày 5/9.

Linh Đan / CAND