Ông từng chọn đường tu khổ hạnh với 9 năm ròng trên núi Cấm (An Giang), 7 tháng trời sống chỉ bằng... nước lã, lại thêm những ngày bất động trên tít ngọn cây khiến bao người dân hiếu kỳ, tò mò kéo đến xem.

Ông từng chọn đường tu khổ hạnh với 9 năm ròng trên núi Cấm (An Giang), 7 tháng trời sống chỉ bằng... nước lã, lại thêm những ngày bất động trên tít ngọn cây khiến bao người dân hiếu kỳ, tò mò kéo đến xem.

Nhưng rồi sau gần hai mươi năm tu hành hạnh khổ, sau 17 năm tịnh khẩu không giao tiếp với thế gian, ông đạo Hoàng đã suýt chết.

Người dân phải dùng ròng rọc kéo chiếc lồng lên ngọn cây, khênh ông đạo cứng quèo như cái xác khô vào lồng để hạ ông xuống mặt đất mà cứu chữa.

Cái sự “giác ngộ” của ông đạo Hoàng có điều gì vừa chua xót, vừa kỳ khôi: Thấy đường tu của mình không có kết quả, ông “tái sinh” với việc tập ăn, tập đi và tập nói trở lại đúng như một đứa trẻ.

Bước ngoặt cuộc đời gắn với ông đạo Dừa cồn Phụng

Bây giờ ông đạo Hoàng đã trở thành “ông Hoàng đậu hũ”, thong dong với dăm người làm công, ngày hai đận đạp xe chở đậu hũ ra chợ cho các cháu bán. Thỉnh thoảng hứng chí ông lại nhảy lên xe khách đi khắp nơi thăm bè bạn, chơi chán thì về. Cuộc sống không điện thoại, thơ thới tự do tự tại bây giờ của ông có lẽ còn gần với “Đạo” hơn là cái quãng 17 năm tu – 17 năm hành xác kinh hoàng.

Không biết có phải là số phận đẩy đưa hay không mà bây giờ ông Nguyễn Thái Hoàng (SN 1950) sống ngay gần chùa Vĩnh Tràng nổi tiếng. Từ tổ 9 (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nơi ông sinh sống sang cồn Phụng - là chốn tu tập đầu tiên của ông, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - cũng chưa đầy 10km.

Thế nhưng sau khi trở lại cuộc đời sau gần 20 năm tu hành hạnh khổ, ông Hoàng chưa một lần trở lại cồn Phụng giữa mênh mông sóng nước, cũng chưa một ngày vào chùa Vĩnh Tràng tụng kinh, niệm Phật. Bởi quãng đường hai chục năm dằng dặc ấy là ký ức hãi hùng khiến ông không bao giờ muốn nhắc lại, dù rằng trong tâm trí, ông chẳng thể nào quên.

dao si ngoai hanh tinh va 17 nam khong noi
Cuộc sống của ông Thái Hoàng bây giờ còn gần Đạo hơn cái thời hai chục năm ròng ông tu sai pháp.

Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian vừa gợi chuyện vừa thuyết phục, ông Hoàng mới nhát gừng kể lại con đường tu hành sai lạc của mình. Cuộc đời ông vốn ba chìm bảy nổi từ tấm bé khi lưu lạc cùng bố mẹ trên đất Campuchia.

16 tuổi ông mới cùng gia đình về lại Sài Gòn. An cư chưa được bao lâu thì năm 1968 cụ thân sinh ra ông Hoàng bị gãy chân chỉ vì tên rơi đạn lạc của chiến tranh. Sau biến cố đó gia đình ông chuyển về Bến Tre sinh sống cùng những người bà con họ ngoại.

Ở Bến Tre, ông Hoàng thường theo người dì đi chùa và ghé cồn Phụng – nơi tu hành của “ông đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam. Đến tận ngày hôm nay, phái tu của ông đạo Dừa vẫn tốn nhiều công sức nghiên cứu của những người ham tìm hiểu văn hoá. Không ai hiểu vì sao với lối tu hành hà khắc có phần cực đoan đó mà đạo Dừa lại thu hút nhiều người đến vậy.

Song nhắc lại những ngày đó, trưởng ấp Mỹ An – bà Nguyễn Thị Ngọc Em, một nhà giáo hưu trí đã thẳng thắn “chiếu” cái nhìn khách quan như là một phần tất yếu của lịch sử: Khi miền Nam còn chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhiều người tìm đến cồn Phụng, theo ông đạo Dừa với mục đích trốn đi lính!

Ông Thái Hoàng có ý lảng tránh khi được hỏi về mục đích của việc tìm đến cồn Phụng tu theo ông đạo Dừa. Cũng có lúc ông thở dài: “Nghe nói đó là nơi an toàn nên tôi đến xin học đạo. Sau đó cả cha mẹ tôi cũng sang cồn Phụng, cả gia đình tôi cùng tu tập theo ông đạo Dừa”.

Giai đoạn đầu, rất nhiều người dân Bến Tre tìm đến và theo ông đạo Dừa học đạo. Nhưng càng về sau, đạo Dừa càng hướng đến những cách tu có phần kỳ quái (chỉ uống nước dừa, ngồi thiền trên ngọn cây, tuyệt đối không giao tiếp bằng lời...) nên các đệ tử tan rã dần.

Sau năm 1975, rất nhiều người trở lại với cuộc đời, một số tản mát đi theo những đường tu chẳng giống ai, mỗi người một phách. Riêng gia đình ba người nhà ông Thái Hoàng và một người bạn tu nữa vẫn quyết chí về núi Cấm (Châu Đốc, An Giang) để tiếp tục con đường tu hành khổ hạnh như như sư phụ Thành Nam.

dao si ngoai hanh tinh va 17 nam khong noi
Sống cách chùa Vĩnh Tràng nổi tiếng chỉ vài trăm mét nhưng từ ngày trở lại cuộc đời đến nay ông Hoàng chưa một lần lui tới chùa chiền.

Vị “đạo sĩ” kỳ dị như người ngoài hành tinh

Ông Hoàng nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến núi Cấm: Bấy giờ núi Cấm còn hoang sơ, chim kêu vượn hú đến rợn người. Gia đình ông cùng chọn núi Cấm tiếp tục học đạo, song đến đó là đường ai nấy tu. Trên đỉnh núi, ông Thái Hoàng thấy ba hòn đá dựng đứng tạo thành một cái hốc, bên trên lại có cây đa cổ thủ trùm phủ toàn bộ rễ lên.

Ông dựng một cái nền bát giác, phía trên có lọng che nắng mưa, ông còn “thiết kế” các bậc đi lên dọc thân cây đa cỡ hai chục mét. Cái lều nền bát giác phía dưới là người bạn ông ở, còn ông Hoàng ngày đêm “sống” trên cây. Phần lớn cữ thời gian ông dành cho việc ngồi thiền và tịnh khẩu, những gì cần làm, muốn làm ông đều viết vào giấy và nhờ người bạn tu làm giúp.

Vốn ăn chay trường từ những ngày theo người dì đến chùa, lại quen với việc hạnh khổ ép xác tu hành theo ông đạo Dừa nên ở núi Cấm này, ông Hoàng chỉ ăn rau quả rừng.

Theo thời gian cùng chủ trương phát triển kinh tế mới, núi Cấm dần dần đông đúc. Vị “đạo sĩ” kỳ dị tối ngày ngồi trên ngọn cây bỗng trở thành trung tâm của mọi sự hiếu kỳ. Một đồn mười, mười đồn trăm, bà con khắp nơi kéo đến xem ông đạo Hoàng ngồi bất động trên ngọn cây, kỳ quái, kỳ quặc như người ngoài hành tinh.

Cơn sóng hiếu kỳ rồi cũng qua đi, ông đạo Đọt (ông lão tu đạo trên ngọn cây) dần trở thành hình ảnh quen thuộc thường ngày của bà con nên không ai buồn ngó ngàng đến nữa. Có vài người sợ ông đạo Đọt chết, họ còn doạ nếu ông không xuống sẽ cho người đốn cây. Nhưng đã mười lăm năm – là hơn năm nghìn ngày ngồi thiền trên đó, dường như tiếng nói loài người dưới đất đã không còn lọt được đến tai ông.

Ông Thái Hoàng rùng mình nhớ lại: “Bảy tháng trước ngày chết hụt, tôi hoàn toàn chỉ uống nước mía, nước dừa, nước thốt nốt chứ không ăn uống bất cứ thứ gì khác. Ngần ấy năm ngồi thiền trên ngọn cây là ngần ấy năm tôi không tắm.

Đến một ngày bất chợt có người ngước nhìn từ dưới đất lên, thấy tôi ngồi im phăng phắc như một pho tượng bèn tò mò trèo lên xem thì thấy tôi gần như không còn biết gì nữa, tay chân đã cứng đơ. Mọi người hô hoán làm ròng rọc kéo cái lồng lên, khênh tôi vào lồng rồi hạ xuống đất để cứu chữa.

Cũng nhờ bà con xứ núi giúp đỡ, chăm sóc, lo cho tôi ăn uống mà sức khỏe của tôi phục hồi dần. Khi tỉnh dậy nhìn vào gương, tôi như thấy một người hoàn toàn xa lạ - một ông già lọm khọm, hom hem da bọc xương, hai hốc mắt sâu hoăm hoắm.

Lúc đã khoẻ mạnh trở lại, tôi tự hỏi hành đạo rồi mình sẽ được gì mà phải hành hạ bản thân đến như vậy? Lúc bà con hạ tôi xuống đất, tôi tưởng mình đã chết rồi. Khi tỉnh lại, tôi thấy cha mẹ già bên cạnh. Nhìn họ già nua, ốm yếu, tôi đã rơi nước mắt nghĩ mình phải sống cho ra sống để báo đáp ơn nghĩa sinh thành”.

dao si ngoai hanh tinh va 17 nam khong noi
Ngõ nhỏ vào nhà ông Thái Hoàng ở tổ 9 ấp Mỹ An - xã Mỹ Phong - TP. Mỹ Tho.

Tập ăn, tập nói, tập đi ở tuổi 40

Năm 1990, ông Thái Hoàng cùng người bạn tu rời núi Cấm. Người bạn về lại quê nhà Bến Tre, ông Hoàng cùng cha mẹ già rơi vào cảnh bơ vơ không nhà không cửa, họ dạt về ấp Mỹ An, được bà con cho mượn mảnh đất nhỏ rồi người cho cây, người cho lá để gia đình ông dựng cái chòi tạm bợ. Lúc mới được bà con cứu chữa ở núi Cấm, ông Hoàng phải tập ăn từng chút như đứa trẻ, từ cháo loãng đến cháo đặc, rồi mới đến từng thìa cơm.

Mười lăm năm khoanh chân ngồi thiền bất động cũng khiến chân ông cứng quèo như que củi, người bạn tu và cha mẹ già phải thay nhau dìu ông từng bước tập đi.

Ông Hoàng bảo khổ nhất là khi quyết định nói trở lại sau 17 năm ròng không nói nửa câu: “Lưỡi tôi cứng đơ không phát âm được. Tôi nghe và hiểu mọi người nói, nhưng lại thấy rất khó khi phải tìm từ ngữ để nói lại với mọi người. Tôi đã mất một thời gian dài để học nói trở lại, và mất thêm chừng đó thời gian để thêm một lần ghi nhớ tiếng nói... loài người”.

Nhận ra mình tu sai pháp suốt hai chục năm ròng, lối giải thoát, dẫn tới niết bàn đâu chẳng thấy, ông Thái Hoàng thú nhận khi “giác ngộ” trở về với cuộc đời, ông đã mất một thời gian khá dài mới vơi đi được cảm giác xấu hổ.

Ông học làm đậu hũ (đậu phụ) để bán kiếm sống và phụng dưỡng cha mẹ già. Sau khi cha mẹ mất đi, ông cũng không xây dựng gia đình.

Lâu nay ông sống cùng mấy người cháu từ Bến Tre sang, họ vừa phụ ông làm đậu hũ, vừa trông nom ông lúc tuổi già. Bây giờ không còn ai nhớ đến ông đạo Hoàng năm nào nữa, ông Thái Hoàng trong tâm trí bà con từ lâu đã là “ông Hoàng đậu hũ” ngon nhất nhì chợ Mỹ Phong.

dao si ngoai hanh tinh va 17 nam khong noi Chính con người mới là loài đến Trái đất từ hành tinh khác?

So với những loài khác, điều đáng ngạc nhiên là con người dễ bị môi trường của Trái đất gây tổn thương nhất.

dao si ngoai hanh tinh va 17 nam khong noi Ý nghĩa Phật xuất gia, thành đạo

Ý nghĩa xuất gia, thành đạo và thuyết pháp giáo hóa của Đức Phật là ba vấn đề chính mà quý thầy cô cần suy ...

/ https://laodong.vn