“Hết xăng” - một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển báo. Một số doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối than vãn về tình trạng “hạn ngạch” trong nhập xăng dầu hiện nay. Trong khi đó, đại diện Petrolimex khẳng định, vẫn cung ứng đủ xăng cho các đại lý. Trao đổi với Lao Động, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho hay, đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (nếu có). 

dau co xang dau phai xu ly nghiem

Ngày 26.5, tại Hà Nội, một số cửa hàng xăng dầu đã treo biển hết xăng. Ảnh: Cường Ngô

“Chưa khi nào mua xăng dầu khó như hiện nay”

Chiều 26.5, ông Quang, chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở đường Lê Trọng Tấn (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) yêu cầu nhân viên treo biển “hết xăng” trước cửa hàng. Ông cho biết “cực chẳng đã” mới phải làm như vậy. Bởi, hai ngày nay, cửa hàng của ông không nhập được giọt xăng nào. Hiện chỉ còn một ít dầu để bán nốt, nếu không cũng đóng cửa cho nhân viên nghỉ.

Ông Quang cho hay, tình hình khó khăn trong việc nhập xăng dầu diễn ra nhiều ngày trở lại đây. Không chỉ cửa hàng của ông, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng “kêu ầm” lên về việc này. Có những cửa hàng không mua được xăng dầu, treo biển hết xăng từ 2-3 ngày nay. Người dân đến đổ xăng phải ngậm ngùi quay xe ra về.

“Trước đây chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe chở tới. Giờ muốn mua phải đăng ký trước, mỗi lần giao thì số lượng nhỏ giọt. Trong 10 năm qua, chưa khi nào chúng tôi mua xăng mà khó như vậy”, chủ đại lý xăng dầu cho hay.

Cũng theo ông Quang, đại lý bán lẻ xăng dầu muốn mua xăng dầu về bán phải qua một thương nhân phân phối (hiện thương nhân phân phối của ông Quang là Công ty Cổ phần xăng dầu HFC) - đơn vị này là đại lý cho Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hiện, công ty này cũng “lực bất tòng tâm” vì số lượng mua xăng dầu rất nhỏ giọt.

Theo ông Quang, trong thời điểm khó khăn như vậy, ông muốn mua xăng dầu từ một nguồn khác cũng không được, vì Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập một nguồn, từ một thương nhân phân phối, muốn nhập xăng dầu từ nguồn khác thì phải thanh lý nguồn ban đầu.

Không chỉ khó mua xăng dầu, mà chiết khấu (hoa hồng) cũng bị cắt giảm “không thương tiếc”. Ông Nguyễn Đăng Điều, chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, hiện nay, chiết khấu cũng bị doanh nghiệp đầu mối giảm từ 500-1.000đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít. Tức là sau khi trừ chi phí vận chuyển xăng về đến cửa hàng, ông Điều đã chịu lỗ 100 đồng/lít.

“Công ty đã nhận được thông báo kể từ hôm nay ngày 26.5, chiết khấu về mức 0 đồng. Tức là sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp sẽ lỗ. Mặc dù chiết khấu xuống 0 đồng, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận, cốt là có xăng để phục vụ người dân. Cửa hàng mà đóng cửa nhiều quá chúng tôi mất khách, mấy uy tín”, ông Điều cho hay.

Petrolimex cam kết “cung ứng đủ hàng cho các đại lý”

Trước phản ánh của đại lý xăng dầu, trao đổi với PV Lao Động, đại diện Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC cho biết, thực tế đang có rất nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn cố gắng đáp ứng đủ đối với các cửa hàng thuộc hệ thống của HFC. Đối với các đại lý, HFC vẫn cung ứng theo sản lượng trung bình trước đây của họ. Một số nơi muốn mua thêm, mua tăng đột biến thì không thể đáp ứng được.

“Bản thân doanh nghiệp phân phối như chúng tôi cũng đang rất khó khăn trong việc nhập hàng, không phải muốn nhập bao nhiêu là nhập được”, đại diện HFC cho biết. Trước câu hỏi về khả năng “găm hàng”, đại diện HFC khẳng định: “Chúng tôi là thương nhân phân phối, có muốn cũng không có chỗ mà tích trữ. Ở thời điểm này, có tiền chưa chắc mua được hàng. Nhiều đầu mối đã dừng cung cấp cho chúng tôi”.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, vẫn cam kết cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex và các doanh nghiệp khác đã ký hợp đồng kinh doanh. Tuy nhiên với số lượng tăng đột biến, phát sinh từ một số đơn vị thì chúng tôi phải cân đối nguồn hàng.

Lý giải về phản ánh của các đại lý bán lẻ xăng dầu, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng mua bán với một đầu mối nhằm đảm bảo vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, vừa qua vẫn có tình trạng rất phổ biến là các đại lý cùng một lúc lấy hàng của nhiều đầu mối khác nhau.

“Trong bối cảnh xăng dầu đang lên giá, nhiều đại lý không mua được hàng từ các đầu mối nên quay sang mua của PVOIL. Trước tình trạng này, chúng tôi không thể nào đáp ứng được đủ số lượng để “bù” cho các đầu mối khác được”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, đây là thời điểm khá đặc biệt đối với thị trường xăng dầu, khi vừa qua, xăng dầu giảm liên tiếp nhiều phiên trước tác động của COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng liên tiếp. Do vậy, một số doanh nghiệp đã tranh thủ tích trữ, giảm mạnh chiết khấu, tăng tồn kho, đợi đợt tăng giá mới trong nước sẽ “bung” ra để bán. Trong bối cảnh đó, PVOIL - với tư cách là một thương hiệu lớn vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu của đại lý, đặc biệt không có chuyện “găm hàng” để chờ giá xăng dầu lên rồi bán.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện, nguồn cung tổng thể vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hôm 22.5, Vụ thị trường trong nước cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

CƯỜNG NGÔ

dau co xang dau phai xu ly nghiem Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu để cung cấp cho tiêu dùng cũng như cho sản xuất là đầy đủ.

dau co xang dau phai xu ly nghiem Đắk Lắk: Lập đoàn kiểm tra các cây xăng dầu tạm ngừng hoạt động

Lực lượng chức năng ở Đắk Lắk vừa lập đoàn kiểm tra để xác minh, làm rõ nguyên nhân một số doanh nghiệp bán ...

/ laodong.vn