Mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại quấy nhiễu hàng triệu người với hàng triệu cuộc gọi “rác” giới thiệu, quảng cáo sản phẩm dịch vụ và mời mua bảo hiểm nhân thọ, căn hộ, suất du lịch nghỉ dưỡng.v.v… khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi. Không thể bỏ số thuê bao đang dùng, vậy bạn cần làm gì để không bị cuộc gọi “rác” làm phiền?

(Ảnh minh họa/nguồn: thegioididong.com)

Mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại quấy nhiễu hàng triệu người với hàng triệu cuộc gọi “rác” giới thiệu, quảng cáo sản phẩm dịch vụ và mời mua bảo hiểm nhân thọ, căn hộ, suất du lịch nghỉ dưỡng.v.v… khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi. Không thể bỏ số thuê bao đang dùng, vậy bạn cần làm gì để không bị cuộc gọi “rác” làm phiền?

Trên thế giới, điển hình tại Mỹ, các nhà mạng đã được Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) cho phép triển khai các công cụ tự động chặn cuộc gọi “rác”.

Còn tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại cuộc họp Quốc hội sáng ngày 8.11, từ nay đến cuối năm 2019 các nhà mạng sẽ thí điểm triển khai các công cụ chặn cuộc gọi “rác”.

Tuy nhiên, thực tế trên thế giới hiện nay, xác suất tối đa chặn cuộc gọi rác thành công cũng chỉ ở mức khoảng từ 70-80% chứ không thể triệt để. Như vậy nghĩa là, còn khoảng 20-30% cuộc gọi “rác” vẫn quấy nhiễu người dùng điện thoại hàng ngày.

Chính vì thế, cách tối ưu nhất hiện nay vẫn là “tự cứu mình”.

Cách thứ nhất, thường với smartphone, người dùng có thể vào cài đặt, tìm chức năng chặn quấy rối đối với các số điện thoại thường gửi đến tin nhắn “rác” hay thực hiện cuộc gọi “rác”. Ở cách này, người dùng có thể lập “Black list” (danh sách đen) để chặn tin nhắn hay cuộc gọi từ các số điện thoại nằm trong danh sách.

Trong trường hợp muốn chặn ở mức cao hơn, người dùng có thể cài đặt chế độ chặn tất cả các số lạ không có trong danh bạ. Tuy nhiên, cách chặn này nhiều khi chặn luôn cả số lạ nhưng gọi đến không nhằm mục đích quảng cáo mà vì công việc, khiến chúng ta mất đi kết nối thông tin cần thiết.

Trường hợp người dùng vẫn muốn nhận thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… của những số nhất định, có thể đưa vào “White list” (danh sách trắng) để cho phép họ gọi đến hoặc gửi tin nhắn.

Ngoài việc tự chặn, người dùng cũng có thể tham khảo các dịch vụ chặn cuộc gọi từ các nhà mạng như Call Barring của MobiFone (không nhận cuộc gọi đến từ một hay nhiều thuê bao cố định hoặc di động); Call Blocking của VinaPhone hay Viettel. Tuy nhiên, những dịch vụ này ngày nay ít người dùng vì đa phần người sử dụng smartphone đã có sẵn các tính năng chặn cuộc gọi và tin nhắn ngay trong thiết bị.

Tháng 8.2019 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang xây dựng tổng đài 456 giao cho Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) quản lí, vận hành. Đầu số 456 kết nối các nhà mạng tại Việt Nam, sẽ tiếp nhận đăng kí của các thuê bao không muốn tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo.  Và theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại đã đăng ký này.

Ngày nay, cuộc gọi “rác” và tin nhắn “rác” không chỉ được thực hiện bằng dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống từ mạng di động mà tỉ lệ các tin nhắn “rác” và cuộc gọi “rác” từ các ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí trên Internet (ứng dụng OTT) cũng rất lớn. Để ngăn chặn, không thể sử dụng tính năng lập “danh sách đen” trong cài đặt của thiết bị, mà cần phải tải về các phần mềm/ứng dụng chặn tin nhắn và cuộc gọi “rác” cho các hệ điều hành Android và iOS. Đơn cử ứng dụng TrueCaller, có tính năng chặn cuộc gọi và chặn cả ID, và có thể từ số điện thoại lần ra danh tính của thuê bao.

Hay một số ứng dụng khác có tính năng tương tự như Mr.Number, Caller ID & Call Blocker Free, Block SMS and Call, blackList…

 

Thế Lâm

Thời gian vàng để có một giấc ngủ trưa "nói không với mệt mỏi"

Ngủ trưa là một giấc ngủ ngắn cung cấp cho chúng ta một nguồn năng lượng cho phép con người tiếp tục một ngày học ...

Khi nào công chức mới hết mệt mỏi “chạy đua” gom đủ bằng cấp?

Với việc chuẩn hóa cán bộ như hiện nay, nhiều người đến tuổi về hưu vẫn phải “chạy đua” với thời gian, tham gia các ...

Mệt mỏi vì phải sống “ảo” hạnh phúc

Tôi thực sự cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đóng vai người vợ hạnh phúc dù cuộc sống của tôi đầy mâu thuẫn và ...

 

 

/ laodong.vn