Thực tế cho thấy, Luật Dầu khí của Việt Nam hiện chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa mở ra cho các lĩnh vực khác. Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng lúc phải thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh và một phần chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Mặt khác, chúng ta còn thiếu những định hướng, cơ chế chính sách xã hội hoá (chưa có định hướng cụ thể bằng thể chế, cơ chế để phát huy sức mạnh, thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành Dầu khí Quốc gia).
KỲ 2: MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH DẦU KHÍ
Là ngành kinh tế công nghiệp nền tảng, quan trọng hàng đầu của đất nước; đóng góp rất lớn cho NSNN; trụ cột chính trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tạo sự lan toả mạnh đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; thực hiện trực tiếp một phần nhiệm vụ về quốc phòng và ngoại giao. Công nghiệp dầu khí đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng lượng cao, công nghệ hiện đại, vốn lớn, trình độ quản lý, sản xuất tiên tiến, quan hệ quốc tế và thị trường rộng lớn… Các hoạt động dầu khí yêu cầu đảm bảo về an toàn và môi trường theo tiêu chuẩn cao, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Một số bất cập về cơ chế hoạt động
Thứ nhất: Thiếu những định hướng, cơ chế chính sách xã hội hoá (chưa có định hướng cụ thể bằng thể chế, cơ chế để phát huy sức mạnh, thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành dầu khí).
Thứ hai: Công tác quản lý nhà nước đối với ngành dầu khí còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về dầu khí còn thiếu. Luật Dầu khí chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa mở ra cho các lĩnh vực khác. PVN cùng lúc phải thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh và một phần chức năng quản lý nhà nước về dầu khí (12).
Thứ ba: Nguồn lực để lại cho PVN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đã làm giảm đáng kể nguồn lực tài chính của PVN. Trong bối cảnh đó, PVN chưa thực sự quyết liệt tìm kiếm phương án đột phá để huy động thêm vốn; hệ số nợ vốn chủ sở hữu còn ở mức an toàn khá cao.
Thứ tư: Việc kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, thiếu tập trung vào những lĩnh vực chính mà PVN có thế mạnh đã làm nguồn lực bị phân tán, dàn trải. Ngoài ra, một số dự án còn những bất cập trong quyết định chủ trương, lập dự toán và thực hiện đầu tư dẫn đến thua lỗ, hoặc hiệu quả đầu tư rất thấp.
Thứ năm: Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Với quy mô tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, phát triển nhiều công ty thành viên nhưng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra với số lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu đã không theo kịp tình hình thực tế.
Nghị quyết 41 là động lực bứt phá cho ngành Dầu khí Việt Nam
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 (13). Về tổng thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã phân tích rõ bối cảnh tình hình và nguyên nhân, các kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém trong giai đoạn 10 năm qua (2006-2015), đồng thời chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đọan đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Theo Nghị quyết số 41, mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới là "phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí; xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế".
Ngành Dầu khí cần xác định rõ lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, phải được chú trọng hàng đầu. Theo đó, cần phải tăng cường đầu tư phát triển lĩnh vực cốt lõi này không chỉ ở trong nước mà phải vươn ra nước ngoài với cơ chế linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính và năng lực quản lý đảm bảo hiệu quả kinh tế và quản trị tốt rủi ro; nhạy bén tận dụng tốt nhất các quan hệ trong chính trị, ngoại giao các cấp để tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu các cơ hội mua bán các tài sản (mỏ, cổ phần công ty khai thác…) dầu khí nước ngoài nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:
1/ Hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí.
2/ Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho PVN phát triển.
3/ Đảm bảo nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược.
4/ Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
5/ Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại.
Ngành Dầu khí Việt Nam, mà nòng cốt là PVN phải bám sát, quyết liệt triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên. Theo đó, trong thời gian tới, ngành Dầu khí Việt Nam cần chủ động rà soát kỹ, phối vối các bộ, ngành liên quan sớm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về hoàn thiện thể chế phát triển không những trong lĩnh vực thượng nguồn và cả trong các lĩnh vực trung và hạ nguồn. Quan tâm hơn nữa việc tăng cường tìm kiếm, mở rộng thăm dò các nguồn năng lượng phi truyền thống; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng Việt Nam trở thành trung tâm lọc - hoá dầu trong khu vực. Trong quá trình thực hiện cần sáng tạo đề xuất các phương án hiệu quả, kịp thời xử lý các vấn đề tồn tại, kiến nghị các cấp thẩm quyền trong những trường hợp cần thiết.
Như vậy, Nghị quyết số 41-NQ/TW có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong tương lai của ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và PVN nói riêng; mở ra một vận hội mới cho sự phát triển bứt phá của ngành Dầu khí trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay và sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ trên thế giới, đặc biệt là sự hình thành xu thế cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW đã tạo ra động lực lớn, đáp ứng niềm tin và mong ước của tập thể những người lao động Dầu khí Việt Nam.
Kỳ tới: Vai trò của ngành Dầu khí Việt Nam với quá trình phát triển đất nước
ThS. NGUYỄN NGỌC TRUNG - BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG
Ghi chú:
(12) Được giao ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng với Nhà thầu dầu khí khác (cụ thể tại các điều 14 và một số điều khác của Luật dầu khí, sửa đổi bổ sung bằng Luật số 10/2008/QH12, hiệu lực từ ngày 1/9/2009).
(13) Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 41-KL/TW ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ 1] Theo TS. Nguyễn Hồng Minh - Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam: Nói đến tính đặc thù không phải để xin đặc quyền, ... |
ONGC Videsh ký Biên bản Ghi nhớ với Iran về việc hợp tác phát triển dầu mỏ Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ (OVL) đã ký Biên bản Ghi nhớ với Công ty Phát triển Dầu Khí Gostaresh của Iran (IDRO ... |