Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa căng mình trải qua kỳ xâm nhập mặn nặng nề nhất trong lịch sử với nhiều thiệt hại. Từ đây, vấn đề “sống chung với xâm nhập mặn” lại được đặt ra cho ĐBSCL.
Đợt tổng diễn tập phòng chống xâm nhập mặn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nguồn nước theo dòng Mê Kông về vùng ĐBSCL mùa khô 2019-2020 thấp hơn nhiều so với những năm gần đây do những thay đổi bất lợi ở thượng nguồn. Trong khi đó, mực nước thủy triều lại cao hơn trung bình nhiều năm do biến đổi khí hậu. Đó đã là nguyên nhân làm cho xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 nghiêm trọng nhất trong lịch sử ghi nhận được ở vùng ĐBSCL. Trước đó 4 năm, mùa khô 2015-2016 cũng đã xảy ra đợt xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL, để lại hậu quả rất nặng nề với khoảng 400.000ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng đời sống.
Khác với mùa khô 2015-2016, kỳ xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 không đến bất ngờ, đã được các ngành chức năng dự báo chính xác. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với nhận thức ngày càng được nâng cao của người dân về nguy cơ, diễn biến xâm nhập mặn đã làm giảm hậu quả của hạn mặn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL.
Tổng hợp sau kỳ hạn mặn này, chỉ có khoảng 66.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, trong đó khoảng một nửa thiệt hại trên 70%, thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại mùa khô 2015-2016. Những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp thiệt hại nhiều là Trà Vinh (gần 22.000ha), Cà Mau (hơn 19.000ha), Tiền Giang (trên 11.000ha), Long An (trên 5.000ha)…
Long An là 1 trong những địa phương chịu thiệt hại nhẹ nhất trong đợt hạn mặn vừa qua, mặc dù mùa khô 2015-2016 từng bị thiệt hại nặng nề. Ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, tỉnh Long An đã chủ động rà soát, tổng hợp các danh mục ưu tiên, cấp bách để đầu tư nạo vét, tu bổ các công trình chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chuẩn bị mùa khô 2019-2020, tỉnh Long An đã triển khai đắp nhiều đê quây kết hợp ngăn mặn, đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh, kịp thời ngăn mặn cho 62.000ha vùng canh tác lúa dễ bị tổn thương.
Đồng thời, tỉnh đã đặt hàng trăm máy bơm tại 32 đập tạm trên các kênh nội đồng và tổ chức bơm nước nhiều cấp chống hạn… Nhờ đó, đợt hạn mặn vừa qua, tỉnh này bị thiệt hại không đáng kể. Kinh nghiệm từ Long An cho thấy, dù hạn mặn ngày càng gay gắt, nhưng nếu có sự ứng phó tốt, người dân ĐBSCL hoàn toàn có thể hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất từ xâm nhập mặn.
Sống chung với xâm nhập mặn
Cách đây khoảng 20 năm, mùa lũ hàng năm còn gây thiệt hại nặng nề cho vùng ĐBSCL, như lời 1 bài hát: “Nước lũ dâng cao, dâng theo bao nỗi buồn đau. Nước tràn bờ đê, tang thương cả 1 vùng quê!”. Đó cũng là lúc ĐBSCL chuyển tư duy từ “phòng chống lũ”, “né lũ” sang “sống chung với lũ”, biến nước lũ thành tài nguyên. Bây giờ ở ĐBSCL, không còn ai sợ lũ. Người dân mong cho lũ về để có thêm sinh kế, để bồi bổ phù sa cho ruộng đồng…
Từ những bài học rút ra trong đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, ĐBSCL đã rút kinh nghiệm, đề ra nhiều giải pháp ngắn và dài hạn để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện hạn mặn ngày càng gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực thủy lợi, lựa chọn giống cây trồng, thủy sản phù hợp, trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, hoạt động liên kết vùng… Nhưng quan trọng hơn cả là chuyển đổi tư duy từ phòng chống xâm nhập mặn sang sống chung với hạn mặn, xem nước mặn là tài nguyên, như từng thành công trước đây với nước lũ.
Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu, coi nước mặn là nguồn tài nguyên; thay đổi tư duy an ninh lương thực, xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… Sản xuất lúa vốn cần nhiều nước ngọt sẽ không còn ưu tiên trong cơ cấu sản xuất vùng ĐBSCL, thay vào đó sản xuất thủy sản sẽ được đưa lên hàng đầu theo hướng tận dụng cả nước ngọt lẫn nước mặn, biến nước mặn thành tài nguyên.
Kỳ Quan
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, các địa phương trước ... |
Hạn mặn khốc liệt: "Chìa khóa" là thuận theo tự nhiên Theo chuyên gia, thay vì loay hoay hết chống lũ rồi quay sang chống hạn mặn, dân ĐBSCL nên thích ứng với tự nhiên, nhưng ... |