Đây là quan điểm của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - khi trao đổi với PV Báo Lao động về đề án cải cách tiền lương đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận những ngày gần đây. Cũng theo ông Phúc, cốt lõi trong hệ thống thang bảng lương phải đảm bảo được sự tương quan, hợp lý chứ không thể cứ động viên tinh thần để duy trì sự bất hợp lý và khoảng cách quá lớn.
Cán bộ UBND phường Thịnh Quang (Hà Nội) làm việc tại bộ phận một cửa. Hiện tại, đội ngũ công chức vẫn chưa thể sống được bằng lương. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Xây dựng lộ trình thực hiện cải cách
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá cao việc Hội nghị Trung ương đưa ra thảo luận và thông qua những vấn đề nóng về tiền lương. Theo ông Huân, tất cả những bất cập về vấn đề tiền lương, Trung ương đã đánh giá phân tích.
“Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện lương khu vực ngoài nhà nước, trong đó tiếp tục thực hiện theo hướng thị trường có sự quản lý giám sát của Nhà nước. Riêng khu vực sự nghiệp công phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại ngân sách theo hướng đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Tức là giao quyền tự chủ các đơn vị trong vấn đề tuyển dụng, trả lương.
Các đơn vị sự nghiệp công như bệnh viện, trường học phải thực hiện quy chế tự chủ tài chính, để học sinh, bệnh nhân tự trả lương... cho cán bộ nhân viên ở khu vực này. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách” - ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, khu vực công là khu vực còn nhiều bất cập nhất, cơ chế trả lương còn chưa được đổi mới. Trung ương đã nhấn mạnh để thay đổi cần phải sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế, đánh giá cán bộ công chức, tăng nguồn, tăng ngân sách... để cải cách lương cho công nhân, viên chức. Điều này đáp ứng được đúng vấn đề mong mỏi của quần chúng nhân dân.
Vấn đề giờ thực hiện thế nào, giải pháp ra sao? Từ việc thông qua tới việc thực hiện đề án là cả một vấn đề, chính vì vậy Trung ương cần có chương trình hành động, giao cho Chính phủ để Chính phủ giao cho từng cơ quan cụ thể.
“Quan trọng nhất giờ phải rà soát lại hết chính sách pháp luật xem cái gì cần sửa đổi, cái gì cần bổ sung. Tiếp đó cần thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống, bởi bao giờ nói dễ hơn làm. Như vậy, cần xây dựng tiêu chí đánh giá, sắp xếp, người đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu ở lại, người không đáp ứng thì phải giải quyết chế độ gì cho thỏa đáng” - ông Huân nhấn mạnh.
Về mô hình mẫu, ông Huân cho rằng, ở các nước phát triển tiền lương chiếm 80 - 90% tổng thu nhập; chúng ta cố gắng thực hiện phần cứng 70% lương, 30% phụ cấp thì rất tốt. Nghĩa là thu nhập chủ yếu vẫn phải là lương, các chế độ đãi ngộ khác thì chỉ chiếm phần nhỏ.
Trả lương theo vị trí việc làm - tạo động lực phát triển
Trao đổi về thực tế tiền lương công chức hiện nay, ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) - cho biết, công chức ngoài lương còn có phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ.
Ngoài ra, những ngành nghề khác nhau, bộ ngành khác nhau lại có phụ cấp đặc thù; thống kê có tới vài chục loại phụ cấp theo đặc thù ngành nghề: Tòa án có đặc thù riêng, giao thông riêng… Tuy nhiên, dù có tới “vài chục loại phụ cấp” nhưng hiện nay, sự chênh lệch về mức lương giữa khu vực nhà nước và khối doanh nghiệp còn khoảng cách rất lớn.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết, về đề án cải cách tiền lương, dù mất thời gian để xây dựng và chi tiết hóa nhưng chắc chắn sẽ phải xây dựng theo hướng lương của lãnh đạo, quản lý riêng; nhóm chuyên môn nghiệp vụ riêng; rồi quân đội, công an, các lực lượng đặc thù riêng.
Trả lời câu hỏi việc xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm có tốt không, ông Phúc khẳng định đương nhiên sẽ tốt hơn, tạo động lực hơn cách trả lương bình quân. “Trả lương đúng cho lao động là đầu tư cho phát triển. Nhưng đúng là như thế nào, anh trả đúng đóng góp theo vị trí, sự phức tạp công việc của họ đảm nhận” - ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, vị trí việc làm - cái gốc của vấn đề - phải xác định cơ cấu của cơ quan, tổ chức như thế nào là hợp lý; từ đó định vị với vị trí đó cần trình độ năng lực như thế nào, cần cấp chuyên viên hay chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp đảm nhận. Càng xác định rõ vị trí việc làm càng xác định được người chính xác. Muốn làm được việc này phải có nghiên cứu độc lập, khách quan, từ các nhà khoa học, nhà quản lý kinh nghiệm lâu năm.
Về việc xác định vị trí việc làm thì lấy căn cứ nào đảm bảo mức sống, ông Phúc cho rằng, phải đảm bảo tiền lương khu vực công chức tương đương với doanh nghiệp, hoặc mức trung bình của doanh nghiệp chứ hiện doanh nghiệp và cơ quan hành chính khoảng cách quá xa.
“Trên thực tế cán bộ công chức là người quyết định chính sách pháp luật quốc gia, là người kiểm soát xã hội, là người thực thi công vụ nhưng lại được trả lương thấp nhất trong hệ thống, vậy sao không sinh sự? Cứ động viên, khuyên bảo thì không phải, thực sự đây là động lực, công cụ kiểm soát việc thực hiện năng lực, chức trách có đúng hay không. Và họ có quyền được hưởng những đóng góp, đầu ra, sản phẩm của họ”- ông Phúc bày tỏ.
Được hỏi mức lương hưu hiện tại có đủ sống không, ông Phúc cho hay, lương hưu của thứ trưởng không bằng mức lương của một trung tá. “Đây là cái bất hợp lý, không tương quan. Trong hệ thống lương, đảm bảo sự tương quan là cực kỳ quan trọng. Có thể có lực lượng đặc biệt được hưởng lương đặc biệt khi họ có thể đánh đổi bằng tính mạng thì xứng đáng hưởng lương đặc biệt, hưởng lương cao không ai tị được. Nhưng tổng thể phải đảm bảo cái tương quan”- ông Phúc cho hay.
Tiền lương phải đảm bảo mức sống cho người lao động Theo Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) - Lê Đình Quảng, hiện có 2 khu vực chính hưởng lương ngân sách Nhà nước là khu vực công và khu vực doanh nghiệp, tiền lương là nguồn thu nhập chính của NLĐ tại đây. Do vậy phải luật hoá tiền lương CBCC-VC và lực lượng vũ trang và NLĐ làm sao để họ sống được bằng lương. Hiện nay chúng ta tính lương bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ bản và các loại phụ cấp. Trong khi đó hiện chúng ta có 21 thang bảng lương và hơn 20 khoản phụ cấp. Nếu dẹp bỏ phụ cấp sẽ công khai minh bạch mức lương sẽ giúp NLĐ phấn đấu nâng cao NSLĐ. Cũng theo ông Quảng, cải cách tiền lương phải xuất phát từ thực trạng tiền lương, đối với CBCC-VC và lực lượng vũ trang và NLĐ cơ cấu tiền lương cần được sửa lại mức lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% và tiền thưởng khoảng 10%. Trên thực tế hiện nay mức phụ cấp rất nhiều và phức tạp chiếm khoảng 40%. Do vậy, xây dựng ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm chức danh và chức vụ lãnh đạo mức lương mới đảm bảo không thấp hơn mức tiền lương hiện hưởng, cắt các phụ cấp thì phải nâng lương. |
Giảm cồng kềnh bộ máy là cách ngắn nhất để tăng lương Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), dự kiến ... |
Lương bộ trưởng sẽ tăng bứt phá hơn 33 triệu đồng: \'Quá đột biến\' Nguyên Thứ trưởng LĐ-TB-XH cho rằng, việc điều chỉnh mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số 10 (tương đương với lương ... |
Tăng lương cho cán bộ, công chức: Rất nhiều người phải ra khỏi bộ máy? Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng rất kém chưa tương xứng với tiền ... |