Bộ Tài chính đã cách chức, cảnh cáo và kiểm điểm nhiều cán bộ lãnh đạo do liên quan đến trách nhiệm ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ, để nghẽn mạng thông tin gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư…
- Bộ trưởng tài chính: Thanh tra công ty chứng khoán chuyển cơ quan điều tra 34 vụ vi phạm, phạt trên 29 tỷ đồng
- Quốc hội sẽ đánh giá bất ổn của thị trường chứng khoán, bất động sản
Đó là câu trả lởi của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 8/6 khi các đại biểu đặt câu hỏi về sai phạm trong quản lý thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính làm gì trước diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán?
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nêu câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong điều hành đối với một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, để điều hành, ổn định thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực ngăn chặn và xử lý một số sai phạm để thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trả lời trên các báo, đài để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán. "Ngày 1/9/2021, chúng tôi đã ra công điện yêu cầu ủy ban chứng khoán và cơ quan tiến hành thanh tra; đến ngày 3/12/2021, chúng tôi tăng cường thanh tra để phát hiện sai phạm để xử lý; đến ngày 1/4/2022, Bộ Tài chính cũng đã cho thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với công ty chứng khoán" - Bộ trưởng cho biết.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm và chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền hơn 29 tỷ đồng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề liên quan đến công tác quản lý cán bộ, nên Bộ Tài chính đã cách chức, cảnh cáo và kiểm điểm nhiều cán bộ lãnh đạo do liên quan đến trách nhiệm ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ, để nghẽn mạng thông tin gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư…
Xử lý “bong bóng” chứng khoán
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, thị trường chứng khoán đang có phát triển đáng kể nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ “bong bóng” của thị trường này, Bộ Tài chính có những công cụ để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ “bong bóng” của thị trường chứng khoán, có giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.