“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất mới, vùng đất bồi nhưng đang bị tác động dẫn tới sạt lở nghiêm trọng. Một số nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL”, đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - nêu ra tại hội nghị chuyên đề Tổng quan về thách thức và cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.

de dbscl khong bien mat khoi ban do Bàn kế sách ứng phó với nước biển dâng
de dbscl khong bien mat khoi ban do Giải pháp tổng thể
de dbscl khong bien mat khoi ban do
Đồng ruộng của tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn, cạn khô mấy tháng trời năm 2016. Ảnh: Vietnamnet.

Nguy cơ này là có thật, không phải chuyện khoa học viễn tưởng. Tình trạng sạt lở ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay cho thấy rõ một tương lai quá u ám. Và muốn để cho ĐBSCL khỏi biến mất khỏi bản đồ, thì phải hành động ngay từ bây giờ.

Nếu như 100 năm nữa ĐBSCL bị biến mất, không có nghĩa đúng chừng đó năm thì có ai như Tôn Ngộ Không “hô biến”, mà theo năm tháng, đất đai sẽ chìm dần trong nước, tình trạng sạt lở kéo xuống biển dần từng mảnh đất, nước biển dâng và bão lũ sẽ trôi dần từng cụm rừng.

Trong từng năm tới, diện tích đất bị nhiễm mặn càng rộng, dân sẽ mất dần cách kiếm ăn. Trong vài chục năm tới, người dân ĐBSCL đã phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai, còn 100 năm sau chỉ là ngày cáo chung. Nói không phải để sợ hãi, để bi quan, mà để hành động. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy, từ năm 1991-2016, cũng đã chứng minh, toàn vùng ĐBSCL bị lún 18cm, có nơi lún 53cm. Với đà này, nhiều vùng đất của ĐBSCL sẽ chìm dần, người dân sẽ mất dần sinh kế, vựa lúa lớn nhất nước bị đe dọa, không chỉ là chuyện xuất khẩu gạo, mà quan trọng là an ninh lương thực.

Trong khi nước biển dâng, đất đai bị mất đi hoặc bị nhiễm mặn, thì thượng nguồn sông Mekong bị nhiều công trình thủy lợi làm ngăn dòng chảy, nước lũ về ít hơn, lượng phù sa ngày càng thấp hơn. Đất không được phù sa bù đắp như trước, đồng ruộng không đủ nước ngọt thau chua rửa mặn, ĐBSCL đang trong thế “lưỡng đầu thọ địch”.

Nhưng không chỉ duy nhất Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhiều nước đã và đang phải đối phó với thiên tai, họ chủ động để hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân. Việt Nam cũng phải làm được.

Đất đai bị sạt lở mà vẫn để cho bọn cát tặc ngày đêm hút cát ở các con sông thì lỗi tại con người, đâu phải lỗi tại thiên nhiên! Đất bị lún mà người dân vẫn tiếp tục khoan giếng hút nước ngầm thì lỗi tại quản lý kém, không cung cấp đủ nước sạch cho người dân sử dụng.

Trong khi chờ đợi các giải pháp khoa học cao siêu cứu ĐBSCL khỏi biến mất, thì hãy làm tốt những việc quản lý nguồn nước, rừng và đất đai.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-dbscl-khong-bien-mat-khoi-ban-do-566780.ldo

/ Lê Thanh Phong/Báo Lao động