Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội ngày 5/7, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) Bùi Duy Cường cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Sở TN&MT Hà Nội đề nghị có chế tài xử lý các trường hợp gây nhiễu loạn đấu giá thị trường bất động sản, đấu giá với giá trúng cao nhiều so với giá thị trường, sau đó không thực hiện các kết quả đấu giá.
- Hà Nội: Tiến độ thực hiện đấu giá đất chậm
- Xử lý nghiêm tiêu cực, thổi giá, dìm giá trong đấu giá đất
- Cục trưởng Cục thuế TP.HCM: TP đang chịu áp lực lớn từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm
Ngày 5/7, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường đã báo cáo tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất trên địa bàn TP. Theo ông Cường, các đơn vị đã tổ chức đấu giá QSD đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha, số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955 tỷ đồng; đã thu được 3.106 tỷ đồng (đạt 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022), trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn TP có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích 87,6ha đã đủ điều kiện giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng; hiện các quận, huyện đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện đấu giá. Phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong công tác này, ông Bùi Duy Cường chia sẻ, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá QSD đất còn chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Từ cuối năm 2021 đến nay phát sinh các thủ tục hành chính trong công tác đấu giá như: Quyết định số 31 phát sinh thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi đấu giá; Nghị định 49/2022/NĐ-CP quy định phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với những dự án quy mô trên 2ha… Cùng với đó, công tác xác định giá khởi điểm còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc trong chính sách giá khởi điểm, như phải xác định giá cụ thể (với các phương pháp trực tiếp, so sánh, chiết trừ, thặng dư) gặp rất nhiều khó khăn khi xác định.
Trong báo cáo, Giám đốc Sở TN&MT cũng chỉ ra những hạn chế như: các đơn vị được giao chủ đầu tư còn thiếu tính chủ động trong thực hiện các quy trình thủ tục liên quan đấu giá, các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại do sợ vi phạm các quy định dẫn đến chậm thực hiện các thủ tục. Việc tăng nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất chưa được thực hiện; công tác tuyên truyền về đấu giá trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã còn có những hạn chế; quá trình tổ chức đấu giá QSD đất có sai sót…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, theo Giám đốc Sở TN&MT, khách quan trước hết do pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; một số quy định mới của Chính phủ (Nghị định 31/2021/NĐ-CP, số 49/2021/NĐ-CP...) dẫn đến phải điều chỉnh thủ tục, trong khi các thủ tục đã được thực hiện từ trước khi có các nghị định. Đồng thời, hiện các công ty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá khởi điểm; phương pháp xác định giá cụ thể (giá khởi điểm đấu giá) phải thu thập nhiều thông tin tài sản so sánh. Nguyên nhân chủ quan, là công tác kiểm tra, giám sát từ khâu thiết lập hồ sơ, thủ tục đấu giá còn chậm; TP chưa chủ động trong đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất; việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, xác định giá khởi điểm, thực hiện các thủ tục hành chính còn chậm theo yêu cầu; các công ty thẩm định giá gặp vướng mắc, khó khăn.
Nêu các giải pháp trọng tâm TP tập trung trong thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành về công tác đấu giá QSD đất. Các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện các thủ tục về đấu giá QSD đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng QSD đất. Đồng thời, đôn đốc các quận, huyện, thị xã hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm theo phân cấp, ủy quyền; thực hiện các quy trình thủ tục đấu giá đảm bảo công khai, minh bạch. TP cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các thủ tục tổ chức đấu giá; đôn đốc các địa phương khẩn trương thu nghĩa vụ tài chính, thu tiền sau khi trúng đấu giá để kịp thời nộp ngân sách theo tiến độ.
Đặc biệt, Giám đốc Sở TN&MT kiến nghị HĐND TP giao UBND TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định; cho phép thực hiện thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất và không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, sau khi trúng thầu xong thì nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận giải phóng mặt bằng. UBND TP tiếp tục đề xuất các cơ quan Trung ương sửa đổi Luật Đất đai quy định rõ các dự án thu hồi đất giải phóng mặt bằng không đầu tư hạ tầng thực hiện đấu giá dùng vốn thông qua quỹ phát triển đất với dự án đấu giá QSD đất. Cho phép UBND TP thực hiện phát triển nhà ở xã hội tập trung thay bằng các quỹ đất 20% hiện nay đang nhỏ lẻ tại các dự án… Đáng chú ý, cần đề nghị có chế tài xử lý các trường hợp gây nhiễu loạn đấu giá thị trường bất động sản, đấu giá với giá trúng cao nhiều so với giá thị trường sau đó không thực hiện các kết quả đấu giá.
Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, 6 tháng đầu năm, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ với nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt (quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)…
Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển đô thị được đẩy mạnh. TP đã hoàn thiện, trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô và đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. TP đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 của 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì); thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 (lũy kế 5 tháng đầu năm đã hoàn thành trên 410.000m2 sàn nhà ở, gần 3.900 căn nhà); triển khai trồng nhiều cây bóng mát, cây bụi và mảng thảm cỏ trên địa bàn. (NY)