Nếu thông tin về người mua điểm bị che giấu và họ không bị xử lý sẽ tạo nên bài học sai lệch về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, các đại học đã rà soát, buộc thôi học khoảng 60 thí sinh có điểm chấm thẩm định không đủ trúng tuyển. Công an ba tỉnh đã khởi tố, bắt giam 16 cán bộ giáo dục, công an liên quan. Tuy nhiên, phụ huynh, người thân của thí sinh - những người dùng quyền, dùng tiền để nâng điểm cho con em lại chưa bị xử lý.
Trao đổi với VnExpress ngày 16/4, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng dùng tiền để mua điểm, mua cơ hội cho con em là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thu thập bằng chứng để xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.
Ông Nghĩa phân tích, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Bất kể anh là ai, giàu có, quyền chức thế nào, nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý như nhau, "không thể vì anh nhiều tiền, nhiều quyền hơn mà được đặc cách không bị xử lý". Vụ án phải được xét xử công khai và mọi thông tin liên quan cần minh bạch, nếu không có thể dẫn đến xử lý không công bằng giữa những người cùng vi phạm.
"Tôi đề nghị có hình thức xử lý thích đáng phụ huynh có chứng cứ là đã trả tiền để được nâng điểm cho con em. Cán bộ, công chức thì xử lý trong cơ quan, đơn vị công tác, dân thường thì xử lý ở nơi cư trú, nếu đến mức nghiêm trọng thì xử lý bởi tòa án", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, tùy theo mức độ vi phạm và phạm vi công khai phù hợp, không thể viện cớ nào đó để "ém nhẹm" thông tin.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Đại biểu Nghĩa cho rằng phải công bằng với những ông bố, bà mẹ đi nhặt ve chai, buôn gánh bán bưng để nuôi con ăn học, những học sinh phải làm thuê để có tiền đi học, nhưng bị cướp mất cơ hội vào đại học vì số em được nâng điểm bằng tiền, bằng quyền. Mặt khác, nếu thông tin về những người mua điểm bị che giấu và họ không bị xử lý sẽ tạo nên bài học sai lệch về chuẩn mực đạo đức và giá trị xã hội. Giới trẻ có thể nghĩ "nỗ lực làm gì, bởi dùng tiền có thể mua được cơ hội và khi bị phát hiện thì có thể tránh né được trách nhiệm".
"Điều này còn tác hại ghê gớm hơn nhiều việc nâng điểm thi", luật sư Nghĩa nói và cho rằng nếu xử lý đúng thì sự việc vừa qua là cơ hội để lành mạnh hóa quan hệ trong gia đình. Nếu con đòi mua điểm thì bố mẹ phải biết giảng giải đó là sai trái, còn nếu bố mẹ đặt vấn đề mua điểm thì con cái phải từ chối vì đó là việc làm trái đạo đức, trái pháp luật và sẽ bị xử lý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đồng tình với đề nghị xử lý phụ huynh liên quan tới vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng nâng điểm thi về một số tội danh cụ thể theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Chẳng hạn, một số người bị khởi tố tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356.
Tương tự đối với phụ huynh, người thân của các thí sinh, bà Hoa cho rằng nếu là người đưa tiền để các đối tượng sửa điểm thì sẽ bị xử lý về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015; còn nếu không dùng tiền mà dùng ảnh hưởng, chức quyền thì sẽ có tội danh tương ứng. "Hành vi can thiệp dưới bất cứ hình thức nào để điều chỉnh điểm thi đều có tính chất tham nhũng, hối lộ, nhất là việc sửa điểm để đủ điều kiện xét tuyển vào khối công an, quân đội - những ngành tuyển sinh đồng thời tuyển dụng", bà Hoa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đồng ý không công khai tên tuổi thí sinh, nhưng bà Hoa cho rằng phải công khai danh tính phụ huynh vì họ trực tiếp vi phạm. Việc này phải được làm càng sớm càng tốt. Bởi chỉ có công khai, minh bạch mới ngăn chặn tiêu cực; ngược lại sẽ là đồng nghĩa với việc bao che cái xấu.
"Đã là sai phạm thì phải được điều tra tới nơi, dù họ là ai, có tiền hay có quyền, từ đó xem xét, quy kết tội danh một cách minh bạch, đúng người đúng tội. Có như vậy người dân mới thấy pháp luật nghiêm minh, không dung túng, bao che cho những sai phạm, khuất tất", bà Hoa nói và đề nghị tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ tiêu cực trong thi cử.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng hành vi gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua cần bị xử lý nghiêm khắc vì ảnh hưởng nhiều đến những thí sinh trung thực, đến trật tự quản lý nhà nước, niềm tin của xã hội. Ông đề nghị cơ quan chức năng sớm xác định vi phạm của các đối tượng liên quan được cho là mua điểm để có cơ sở để xử lý.
"Nếu có hành vi đưa nhận hối lộ thì cơ quan điều tra phải chứng minh để xử lý hình sự. Việc này phải bảo đảm công khai để nhân dân biết", ông Cường nói.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh Hòa Bình và 44 thí sinh Sơn La được nâng điểm. Rất nhiều trong số này đã nhập học tại các trường công an, quân đội, y khoa. Bộ Công an trả về Hòa Bình, Sơn La 53 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia. Một số trường như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Điện lực, Đại học Ngoại thương đã xóa tên nhiều thí sinh do điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. 16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam. |
Điểm danh những 'thủ khoa rởm' đến từ Hòa Bình, Sơn La Những thí sinh từng được mọi người xuýt xoa vì đỗ thủ khoa các trường đại học danh tiếng trong nước, nhưng vừa bị phát ... |
Tại sao không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm thi đại học? Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng hiện không có quy định cụ thể về việc phải công bố hay không công bố danh tính ... |