Việc tăng số lượng chữ cái, thay thế cách biểu đạt một số chữ ghép xa rời hệ Latin gốc sẽ càng gây khó khăn cho người đọc.
Tác giả Nguyễn Châu tiếp tục có bài phân tích về bản đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền.
PGS Bùi Hiền mới công bố bản nghiên cứu hoàn chỉnh về cải tiến chữ quốc ngữ. Giống như ở bài trước “Năm câu hỏi bỏ ngỏ trước đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ”, tôi cho rằng đề xuất của ông là một ý tưởng khoa học và đáng trân trọng. Song có lẽ mục tiêu không rõ ràng, phương pháp nghiên cứu chưa phù hợp dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Tác giả cũng chưa xem xét kỹ về ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu.
Thứ nhất, mục tiêu nghiên cứu không rõ ràng. Tác giả cho rằng, các chữ cái quốc ngữ hiện nay nhiều và nhiều chữ biểu đạt cho một âm vị. Tôi cho rằng điều này chưa chính xác. Thực chất bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay ít hơn lượng chữ cái mà PGS Hiền đề xuất. Những chữ ông cho là chữ cái của bảng chữ chuẩn (nh, tr, th, ng...) chỉ là chữ ghép, được phát triển từ chữ cơ bản.
Theo đề xuất của ông thì cần thêm các chữ F, W, J, và chữ ? (định thay cho chữ NH). Sự biểu đạt nhiều chữ cho một âm vị, ông cũng đã nhầm về ý nghĩa của tiếng Việt. Phát âm thì giống nhau nhưng nghĩa của những âm, tiếng được hình thành lại rất khác nhau (ví dụ: TRE - CHE, CHÂU - TRÂU...). Hơn nữa sự phát âm giống nhau này là tự ông cho rằng giống nhau, thực chất là rất khác nhau.
Bảng chữ cái tiếng Việt mới do PGS Bùi Hiền biên soạn.
Ông đặt mục tiêu đề xuất cải tiến để dễ học, dễ nhớ không chỉ với người Việt và cả với người nước ngoài, đồng thời giảm lỗi chính tả. Tôi cho điều này cũng là không đúng. Số lượng chữ nhiều hơn thì không thể nói là dễ nhớ hơn được. Đối với người nước ngoài học tiếng Việt, khi học viết theo kiểu chữ của ông thì quả là khó khăn (với nhóm nước cùng hệ chữ Latin).
Vì chữ X biểu đạt cho KH; Q biểu đạt cho TH; W biểu đạt cho NG, NGH; - ? biểu đạt cho NH thì đúng là đau đầu người học và cũng chẳng có sự liên hệ nào với chữ Latin gốc và tương đồng với chữ viết của các ngôn ngữ khác.
Ở chiều ngược lại, nếu thế hệ người Việt học theo cải tiến của ông sau này học ngoại ngữ (Anh, Pháp...) sẽ thấy khó khăn rất nhiều vì chẳng giống ai. Đặc biệt là đề xuất chữ NH sẽ thay bằng ? vậy thì khi cần sử dụng dấu “?” tác giả sẽ thay bằng cái gì. Hơn nữa dấu “?” là ký tự đã được quốc tế hóa không thể thay thế.
Đồng nhất hóa một số chữ S-X, TR-CH, R-D-GI là một điểm rất khó hiểu của mục tiêu nghiên cứu này. Tôi không nghĩ đề xuất này sẽ giúp chúng ta dễ hội nhập hơn mà ngược lại rất khó hội nhập.
Thứ hai, phương pháp nghiên cứu của PGS Hiền không phù hợp, thực chất là sai. Để tránh các lỗi chính tả và lỗi phát âm, ông lại sử dụng chính các lỗi đó làm chuẩn để sửa chữ quốc ngữ thì thực sự không khoa học. Hoặc ông lấy đặc điểm phát âm của một vùng, miền làm đại điện cho tiếng Việt để sửa đổi thì quả là sai.
Một nghiên cứu khoa học quan trọng nhất là mục tiêu và phương pháp nghiên cứu. Vậy mà hai điều này không rõ ràng và chuẩn mực thì khó lòng có được kết quả như mong muốn. Về ý nghĩa thực tiễn, chính vì tác giả Bùi Hiền đã không chỉ ra được các nhược điểm bắt buộc phải thay đổi chữ quốc ngữ nên khi thực hiện nghiên cứu cũng không theo hướng giải quyết được thực tiễn quá trình sử dụng chữ quốc ngữ để biểu đạt sự phong phú, uyển chuyển của tiếng Việt.
Nếu PGS Bùi Hiền vẫn còn tâm huyết thì tôi nghĩ rằng ông nên tìm cách đặt vẫn đề theo hướng khác với mục tiêu rõ ràng hơn, phương pháp tiếp cận khoa học với ý nghĩa thực tiễn tốt hơn. Chúc ông mạnh khỏe và thành công.
PGS Bùi Hiền đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ. Video: Quỳnh Trang.
Trung tuần tháng 12, PGS Nga ngữ Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) công bố bản hoàn chỉnh công trình nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, gồm cả phần phụ âm và nguyên âm. Bảng mới gồm 33 chữ cái đơn, tương ứng với 33 âm vị. So với bảng hiện hành có 33 âm vị cơ bản được biểu đạt bằng 38 chữ cái đơn và tổ hợp 2-3 chữ cái, bảng mới đáp ứng được nguyên tắc mỗi âm vị một chữ cái và ngược lại. Các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph) được loại bỏ. Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a-b-c và tự dạng của các con chữ hiện nay, nhưng giá trị âm vị của một số chữ cái được hoán đổi. |
Cải tiến "Tiếw Việt": Đừng gây sốc cho cộng đồng Trước "cơn bão" dư luận về đề xuất cải tiến "Tiếw Việt" trong thời gian qua, các chuyên gia ngôn ngữ, giáo dục tiếp tục ... |
Phần 2 đề xuất “Tiếng Việt” thành “Tiếw Việt”: Thắng lợi tưởng tượng Sau khi những chỉ trích và ồn ào tạm lắng, ông Bùi Hiền tiếp tục khuấy động dư luận với việc công bố phần 2 ... |