Theo một thành viên của Ủy ban Nobel năm 1973, đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lê Đức Thọ được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Tờ Guardian dẫn lại một bức thư đề cử của học giả người Na Uy John Sanness - một trong những người tham gia đề cử cho giải Nobel năm 1973 nói, chỉ hai ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), ông Sanness và nhiều học giả khác đã đề cử giải Nobel Hòa bình cho ông Lê Đức Thọ.

Cũng trong bức thư trên, ông Sanness cho rằng ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đều xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình bởi Hiệp định Paris sẽ giúp chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đề xuất trao Nobel Hòa bình cho ông Lê Đức Thọ chỉ 2 ngày sau Hiệp định Paris - 1

Chân dung của những người đoạt giải Nobel Hòa bình, trong đó có ông Henry Kissinger, hàng đầu thứ hai bên trái, tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo. (Ảnh: Reuters)

“Lý do của tôi khi đưa ra đề xuất này là thúc đẩy những điều tích cực rằng Hiệp định sẽ chấm dứt Chiến tranh Việt Nam”, ông Sanness viết trong lá thư của mình.

Dù vậy, ở thời điểm đó, ông Sanness cũng đưa ra nhận định rằng chỉ có thời gian mới có thể trả lời Hiệp định Paris có thực thi và mang đến hòa bình cho Việt Nam hay không.

Cũng theo Guardian, đề cử cho giải Nobel Hòa bình hàng năm được bình chọn bởi nhiều cá nhân, bao gồm các nhà học giả, những người từng đoạt giải Nobel và cả nguyên thủ một số quốc gia. Các đề cử thường phải được đệ trình lên ủy ban Nobel vào đầu tháng 2 của năm trao giải. Các đề cử của các thành viên ủy ban có thể được đệ trình cho đến ngày diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ủy ban sau thời hạn này.

Ủy ban Nobel 1973, dựa trên các đề cử đã cân nhắc trao giải thưởng cho ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger.

 

Lá thư đề cử của ông Sanness và các báo cáo được chuẩn bị về ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger trong những cuộc thảo luận của Ủy ban Nobel sau đó cho thấy các thành viên ủy ban này hiểu rõ Hiệp định Paris chưa thể mang lại một “hòa bình thực sự” cho Việt Nam.

Giải Nobel Hòa bình 1973 cũng gây sốc cho giới học giả vào thời điểm đó vì ông Kissinger, lúc đó là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và là Ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam.

Hai trong số năm thành viên của Ủy ban Nobel 1973 (tất cả hiện đã qua đời) đã từ chức để phản đối các đề cử dành cho ông Kissinger giải Nobel Hòa bình năm đó.

Cuối cùng, vào tháng 10/1973, hội đồng chuyên gia của giải thưởng danh giá nhất thế giới này đã chọn cả hai. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận đồng giải Nobel Hòa bình năm 1973 cùng với ông Kissinger. Đây là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.

Đề xuất trao Nobel Hòa bình cho ông Lê Đức Thọ chỉ 2 ngày sau Hiệp định Paris - 2

Ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger, chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. (Ảnh: TTXVN)

Trả lời phỏng vấn báo chí khi từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình, ông Lên Đức Thọ nói: “Hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Vì thế, tôi không thể nhận giải thưởng này và người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam”.

“Tôi chỉ có thể ‘xem xét’ nhận giải thưởng khi Hiệp định Paris được tôn trọng, chiến tranh ngừng lại và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam"New York Times dẫn lời ông Lê Đức Thọ.

Tuy nhiên, sau đó, ông Lê Đức Thọ đã viết một bức thư giải thích về quyết định của mình gửi cho bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy năm đó. Trong bức thư không hề nhắc tới người đồng giải thưởng Nobel năm đó với ông Lê Đức Thọ là Kissinger.

Hành động của ông Lê Đức Thọ cho thấy quan điểm đanh thép của Việt Nam, cùng một lập trường nhất quán rằng Hiệp định Paris không phải một thỏa hiệp giữa hai bên mà là một chiến thắng trước Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam không thể hài lòng khi đứng chung bậc cùng với người đại diện cho phe mà họ đã đánh bại - Henrry Kissinger.

 https://vtc.vn/de-xuat-trao-nobel-hoa-binh-cho-ong-le-duc-tho-chi-2-ngay-sau-hiep-dinh-paris-ar736512.html

Trà Khánh / VTC News