Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phân công công tác cho sinh viên sư phạm, đi đôi với thắt chặt đầu vào.
Phát biểu tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Giáo dục sửa đổi chiều 21/2, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng giáo viên như cái khuôn, khuôn nào thì sản phẩm đó. "Giáo viên mà thi đầu vào chỉ được 3 điểm mỗi môn thì làm sao đào tạo ra sản phẩm tốt được. Vì vậy, ngành giáo dục phải nghiên cứu việc tuyển dụng cũng như đào tạo giáo viên", ông nói.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ góp ý, để đảm bảo chất lượng, ngành sư phạm cần được thi tuyển như lực lượng vũ trang, nhu cầu của xã hội bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu. Từ đó, sinh viên ra trường được phân công công việc, tránh tình trạng phải đi thi công chức, tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn không có việc làm.
Tuy nhiên, ông Tỵ cũng nhấn mạnh quá trình thi tuyển, đào tạo phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, đặt chất lượng lên hàng đầu. Nếu đi học sư phạm là có việc làm thì sẽ thu hút được học sinh giỏi, nâng cao chất lượng nhà giáo.
"Như bây giờ rất gay, nơi thừa, nơi thiếu", Tướng Tỵ nói và cho rằng phải có chế độ phù hợp để giáo viên không nghĩ đến "chân trong chân ngoài, chân ngoài dài hơn chân trong" và hết lòng với công việc.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: Ngọc Thắng |
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm nhưng phải thay đổi đầu vào. "Tất cả sinh viên sư phạm đều được bố trí công việc, nơi nào có nhu cầu thì sẽ điều động về đó. Như vậy sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng nhà giáo, cũng là cơ sở để học sinh phải mơ ước được vào sư phạm", ông Hiển nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tuyển dụng đặc thù sẽ phá vỡ quy định về tuyển dụng trong Luật viên chức. Tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên có thể điều hòa. "Nếu ra chế độ tuyển dụng riêng cho ngành giáo dục, mai mốt có ngành đề nghị tuyển dụng riêng thì sao? Đề nghị nghiên cứu thêm để đảm bảo tuyển dụng theo Luật viên chức vì luật quy định không có tuyển dụng đặc thù riêng cho ngành nào", bà Ngân nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng góp ý, Luật viên chức đang được nghiên cứu sửa đổi nên việc tuyển dụng đặc thù cần nghiên cứu để quy định cho khớp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã bàn kỹ các phương án, lý tưởng nhất là thi tuyển, phân công công việc cho sinh viên sư phạm như Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ đề xuất. Theo đó, phải quản chặt đầu vào, thống kê biên chế giáo viên trường công và nhu cầu giáo viên trường tư để có số lượng đào tạo phù hợp.
Trước đó, báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đã nhận được hai loại ý kiến. Trong đó, đa số cho rằng phải có quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên cơ sở giáo dục công lập nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay là không thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm; tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ Giáo dục không có thẩm quyền giải quyết...
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị trong bối cảnh chưa sửa được Luật viên chức thì để thu hút sinh viên giỏi học ngành sư phạm cần sửa đổi quy định về lương và phụ cấp giáo viên cho phù hợp.
"Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của nhân dân nêu trên, sẽ bổ sung một khoản hoặc một điều trong dự thảo luật quy định về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên từ các trường sư phạm vào cơ sở giáo dục công lập", ông Nhạ nói.
Luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận ở hai kỳ họp, dự kiến được thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019.
Tuyển sinh ngành sư phạm: Vẫn loay hoay, trăm bề khó Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, bài toán tìm đầu ra cho sinh viên sư phạm vẫn đang loay hoay, lùm ... |