Trong đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2019, bên cạnh các quy định về đạo đức công vụ, quan hệ đồng nghiệp, có quy định công chức viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đang tính toán để đưa một số điều của đề án này vào các dự án Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, trong đó luật hóa quy định không nịnh bợ cấp trên.
Sự quan tâm với mức độ này của cơ quan thẩm quyền cho thấy nịnh bợ đã không còn là chuyện nhỏ trong các cơ quan đơn vị mà tiếp tục là một vấn đề xã hội. Sự nịnh bợ hoành hành, tác oai tác quái, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không tốt. Nay đồng loạt nhìn ra, đặt vấn đề nhận diện, đưa sự nịnh vào tròng để trói, không cho nó gây sự nhiễu nhương.
Đây là việc nên làm, quy định cụ thể chừng nào càng giúp hạn chế chừng đó. Còn làm được tới đâu lại là chuyện khác, bởi còn con người với các thứ bậc xã hội thì còn chuyện cầu cạnh, làm thân, kéo bè kết cánh; còn có đất sống cho kẻ nịnh nọt, luồn cúi. Thiên hướng của người đời là thích được kẻ khác tâng bốc. Kẻ nịnh đa số bất tài nhưng lại là những người tinh tướng, có kỹ năng nịnh bợ hơn người để lấy đó làm phương tiện sống, luồn lọt, leo cao. Khi được lên các nấc thang danh vọng cao hơn thì kẻ nịnh càng bợ đỡ cấp trên và hống hách, coi thường người có địa vị thấp hơn mình…
Những kẻ nịnh hầu như ai cũng thấy, từ nịnh trơ trẽn đến nịnh tinh vi. Nhiều ông (bà) sếp cũng biết rõ kẻ nào quen thói nịnh trên nạt dưới, thượng đội hạ đạp, nhưng sếp thích nịnh thì sếp cứ để cho kẻ nịnh tồn tại, thậm chí cho lên chức lên lương. Nó hại người khác, làm bẩn mắt người khác mà không hại mình, không bẩn mắt mình thì cứ dùng nó để trị người khác, để tạo bè cánh. Nhưng các sếp này quên một điều là kẻ nịnh vốn bất lương. Khi họ sa cơ thất thế thì đám nịnh bợ này cũng quay ngoắt đi tìm sếp khác, thậm chí đi ngang không thèm nhìn, chào hỏi một câu cho phải phép…
Sự nịnh hoành hành làm ảnh hưởng sự phát triển của cơ quan, đơn vị, làm cho môi trường làm việc xấu đi, người có thực tài bị chèn ép, không được phát huy năng lực đành phải ra đi hoặc chịu đựng làm việc không đúng sở nguyện. Đưa vào luật các quy định để nhận diện hành vi nịnh bợ là xác đáng, tuy nhiên tính khả thi trong thực tế thì chưa ai dám chắc, bởi liệu các sếp có quyết tâm làm trong sạch bộ máy hay không. Hơn nữa, sếp có thực tài và thẳng tính, không ưa nịnh bợ thì lại không nhiều.
Một điều cực kỳ cần thiết đối với đội ngũ công chức viên chức hiện nay là phải chọn lọc đúng người đúng việc và phải sòng phẳng như lãnh đạo doanh nghiệp. Điều hành giỏi, doanh nghiệp ăn nên làm ra, cứ tiếp tục làm; ngược lại, làm ăn không hiệu quả phải thôi chức, ra đi. Trong môi trường như vậy sẽ hạn chế dần tình trạng kẻ nịnh bợ leo lên ngồi ghế cao.
Bên cạnh đó, phải quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, không làm nửa vời như lâu nay. Đội ngũ tinh gọn, giỏi chuyên môn sẽ làm cho đất của những kẻ nịnh bợ hẹp dần, không dám lộng hành như trước.
HOÀNG NAM
Có cần luật hóa một khái niệm mơ hồ: “Nịnh cấp trên”? Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là tham mưu giúp Chính phủ xây dựng bộ máy hoàn hảo, đánh giá công chức khách quan, đo ... |
Liệu có thể luật hóa quy định công chức không được nịnh bợ sếp? Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ cho hay: “Quy định công chức không được nịnh ... |
Đề xuất luật hoá quy định 'công chức không được nịnh bợ sếp' Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ban hành kế hoạch thực hiện quyết định đề án Văn hóa công vụ. |