Vụ việc một người nghi là du học sinh vẽ bậy lên di tích quốc gia ở Nhật Bản được liên tưởng đến hành vi thiếu văn hóa vốn xảy ra nhiều ở Việt Nam.
Trên thực tế, rất nhiều di tích như Tháp Bút, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đền, chùa, thậm chí như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), bãi đá cổ ở Lào Cai… đều chịu cảnh bị những người thiếu ý thức viết, vẽ bậy. Hành vi này đã và đang khiến nhiều di sản văn hóa bị hủy hoại, làm mất đi vẻ đẹp cũng như tính nguyên vẹn của nó.
Không chỉ viết, nhiều người còn khắc chữ lên mai rùa bằng đá ở cố đô Huế - Ảnh: phunuonline.com
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng sở dĩ có tình trạng người Việt đi đâu cũng thích viết, vẽ bậy là do ý thức giữ gìn nơi công cộng rất kém. "Tôi không thấy lạ khi có những ông bố bà mẹ còn cõng con lên để đứa bé nguệch ngoạc viết lên Tháp Bút mơ ước học giỏi của mình. Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người trẻ có những suy nghĩ buồn cười là khi viết ước mong của mình lên chốn linh thiêng thì tin sẽ thành hiện thực. Nhiều người vì muốn thể hiện cái tôi của bản thân nên sẵn sàng bất chấp quy định. Đó là hậu quả của văn hóa tiểu nông, đi đâu cũng thích "khắc dấu". Không ít người Việt rất vô ý thức nơi công cộng, luôn nghĩ mọi thứ là "của chung", mà của chung thì không là của ai nên cứ vô tư viết vẽ bậy" - ông Bùi Trọng Hiền nói.
Năm 2017, Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP với quy định cấm viết bậy, vẽ bậy lên di tích, xâm hại di tích. Nhờ vậy, Chuông nhà Thái Học đã không còn bị viết bậy, bởi ngay cạnh hiện vật này đã có biển cấm viết bậy.
Tuy nhiên, đối với các di tích có không gian mở nơi công cộng như tháp Hòa Phong, Tháp Bút ở Hồ Gươm, tượng đài Thánh Gióng… thì những hành vi xấu xí vẫn cứ xảy ra. Thực tế là sau khi Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội xóa các dấu vết phá hoại trên tháp Hòa Phong, chỉ vài ngày sau lại có dòng chữ khác xuất hiện trong lòng tháp. Khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Nam Nho, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Gióng (Sóc Sơn), lực lượng bảo vệ không thể canh giữ 24/24 giờ, quan trọng là phải tuyên truyền cho thấm vào ý thức người dân.
Một tiến sĩ luật của Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội cho rằng rất nhiều nước trên thế giới đã có quy định xử phạt hành vi viết, vẽ bậy tại các di tích, thậm chí là cả nơi công cộng. Trong khi đó, hình thức xử phạt phổ biến đối với hành vi này ở Việt Nam chỉ là nhắc nhở. Những quy định của pháp luật đối với lĩnh vực này chưa nghiêm, mức xử phạt đối với hành vi xâm hại di tích lịch sử còn thấp. Thậm chí, có những đối tượng có hành vi vi phạm nếu bị cơ quan quản lý phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Chính điều này khiến người ta không sợ.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói thêm bên cạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, các nhà làm luật cũng cần nâng mức chế tài xử phạt nặng hơn đối với những hành vi vi phạm. Đối với những di tích bị biến dạng thì đối tượng vi phạm cần phải bị khởi tố để có tác dụng răn đe.
Người Nhật, người Nga dọn rác, còn nhiều người Việt nên biết "xấu hổ" Việc xả rác là một điểm trừ của nhiều người Việt, trong khi lại có những “ông Tây” từ xa xôi đến Việt Nam tình ... |
Người Việt ở Nga kiếm bộn nhờ cơn sốt tiền lưu niệm World Cup Nhiều khách "sộp" sẵn sàng trả tiền triệu cho Đại Việt, một sinh viên ở Nga, để mua những tờ 100 rúp kỷ niệm World ... |