Thân hình vạm vỡ, uyển chuyển lượn sóng với bộ lông vằn vện và bước chân uy song cùng phẩm chất siêu phàm, hổ là sức mạnh, sự oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm.

Đó là con hổ trong đời sống sinh học nơi đại ngàn thâm phiêu. Còn trong đời sống tinh thần, văn hóa thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ bốn phương, chống lại tà ma khi đi vào các truyền thuyết khôi vĩ hay các loại hình nghệ thuật truyền thống. Hoặc, có khi là biểu tượng của sức mạnh quân sự, các lực lượng vũ trang, tỷ như “Những con hổ giải phóng Tamil”.

Trong tín ngưỡng, hổ trở thành hình tượng “ông ba mươi” trong tranh thờ làng Sình theo tập tục totem đã đi vào tiềm thức dân gian của nhiều dân tộc, nhất là những cộng đồng người nơi rừng sâu núi thẳm. Thần hổ trong truyền thuyết Việt là vị tướng họ Hùng có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra mà cho đến tận ngày nay vẫn được hương khói phụng thờ khắp bốn mùa tại đền Trình ở danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội cũng thuộc về tín ngưỡng. Giờ đây, bên thềm xuân Nhâm Dần, chúng ta thử cùng nhau đi tìm những chú hổ trong đạo Phật, nghe tiếng hổ gầm qua các trang kinh. Hình tượng hổ phiêu vọng vào các điển tích Phật giáo, ngàn luân...

Đi tìm những con hổ trong phật giáo -0

La hán Phục Hổ.

Đàn hổ chịu ơn cứu mạng của tiền thân đức Phật

Truy tìm trong “khu rừng” Phật điển (kinh “Lục độ tập”, kinh “Tiền thế tam chuyển”, kinh “Hiền ngu”, kinh “Kim quang minh”), ta sẽ thấy một câu chuyện: Ở một kiếp nọ, tiền thân đức Phật là một vị thái tử. Ngài có một tình thương lớn với mọi loài chúng sinh và đặc biệt rất quan tâm đến việc sẻ chia tài vật với những người khốn khó. Nhân một lần du ngoạn chốn sơn lâm, ngài thấy hổ mẹ vừa sinh nằm thoi thóp trong khe núi, đói lả do vừa sinh con nên không thể tự kiếm thức ăn. Đàn hổ con vừa sinh có nguy cơ chết yểu vì không có sữa để uống hoặc có thể bị chính hổ mẹ ăn thịt. Cảm thương trước hiện cảnh đó, thái tử đã tự mình trích huyết và hy sinh tính mạng để cứu đàn hổ đói.

Trong Phật thoại trên, tiền thân Phật là tấm gương về việc xả thân cứu độ loài vật. Tiền thân Phật đã hy sinh thân mạng mình để cứu sống đàn cọp bị mắc kẹt trong tuyết, ngài đã thực hành hạnh bố thí trác tuyệt, ở một kiếp xưa xa của mình.

Giờ, không biết đàn hổ kia đã qua bao lần hóa kiếp chuyển sinh nhưng sự kiện trên vẫn được lưu dấu bằng di tích tháp Mankiala ở Gandhara (nay thuộc quận Rawalpindi, tỉnh Punjab, Pakistan), được nhiều nguồn tư liệu của các bậc cao tăng ghi nhận, rồi được khai quật và xác tín bởi những nhà khảo cổ. Vì sau khi nghe tin thái tử bố thí thân mình, vương hậu đã gạt lệ thương tâm, lệnh cho chôn cất những gì còn lại, lập tháp phụng thờ. Và, ngôi bảo tháp giờ đây được xem như một thánh địa.

Ngôi tháp này rất linh hiển trong việc cầu y, trị bệnh nên được dân chúng kính ngưỡng, giữ gìn đến nay. Tác phẩm “Đại Đường Tây Vực ký” của pháp sư Huyền Trang chép lại rằng: “Từ đây trở về phía Bắc nước Đát-xoa-thủy-la, vượt qua sông Tín-độ, đi khoảng 200 dặm về hướng Đông Nam, ngang qua cổng đá lớn, là chốn xưa kia vương tử Ma-ha-tát-đỏa đã hiến mình cho hổ đói, khoảng 140 đến 150 bộ về hướng Nam có một tháp đá, là nơi Ma-ha-tát-đỏa thương cảm loài thú đói không còn sức lực nên đã đến đó bẻ tre khô tự cắt thân mình, lấy máu mớm cho hổ đói, nhờ vậy mãnh thú gượng dậy mà ăn thịt thái tử. Đất đai nơi đây cho đến cỏ cây đều ẩn tàng một màu đỏ thẫm giống như bị thấm máu vậy. Hành trạng của thái tử cũng như phong thổ nơi đây nếu ghi lại thì người đời sẽ tin tưởng không nghi, nghe qua không ai không thương cảm”.

Con hổ linh thú của Bồ tát

Trong các kinh “Đại Thừa”, Văn Thù Sư Lợi thường ngồi trên sư tử xanh, biểu thị cho uy lực của trí tuệ, vì sư tử vốn là chúa tể rừng xanh, có sức mạnh và uy hùng hơn tất cả các loài thú khác. Tuy nhiên, ở một số phiên bản khác, ta lại thấy hình tượng Bồ tát Văn Thù cưỡi trên lưng hổ để tượng trưng cho sự diệt trừ được tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành quả Phật. Bởi trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu là ba linh vật biểu tượng cho sự tu tập khỏi tạp niệm. Và, cũng trong Phật giáo, hổ biểu hiện cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng.

Vậy là, con hổ hay sư tử xanh mới là vật cưỡi của Văn Thù Bồ tát đây? Liệu con hổ mới là chính bản hay chỉ là dị bản trong quá trình tiếp biến văn hóa nói chung, truyền bá tôn giáo nói riêng? Dù hổ và sư tử đều thuộc họ mèo lớn nhưng trong tâm thức Việt, ngôi vị chúa sơn lâm từ ngàn xưa đã chỉ duy nhất thuộc về loài hổ mà thôi.

Quái hổ bị La hán hàng phục

“Các vị La hán chùa Tây Phương” là bài thơ trong sách giáo khoa in sâu vào tâm trí học trò. Không biết Huy Cận có rõ danh tự, phẩm hạnh, hình tượng và kinh điển Phật giáo về từng vị La hán không nhưng chắc chắn rằng con hổ mà chúng ta đang tìm kiếm bị thâu phục bởi vị La hán thứ 18.

Ngài là Đạtmađala, trú ở núi Hạ Lan, tỉnh Cam Túc. Truyền thuyết về ngài kể rằng: Thuở nhỏ, Đạtmađala siêng năng kính lễ, linh thức cậu có một cảm ứng bật phiêu với 16 vị La hán trong điện thờ. Rồi ngài được một vị La hán truyền thụ tu tập, chỉ dạy cách tọa thiền, học kinh sách, làm việc thiện. Ngài phát tâm tu hành nên sớm chứng quả thành một Alahán. Trong hành trình vân du nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, cứu nạn chúng sinh, tôn giả đã 3 lần thuần phục một con hổ dữ rồi đem nó về núi cho tu và đi đâu cũng dẫn theo, như một thú cưng.

Lần đầu, trên đường du hóa, ngài ghé vào một gia đình nọ định xin nước uống thì thấy họ khóc lóc thảm thiết. Hỏi ra mới biết gần đây xuất hiện một con hổ dữ ăn thịt người, anh em của họ đều bị nó ăn thịt hết rồi. Nghe xong, ngài an ủi gia đình rồi hứa sẽ thu phục con hổ. Trên con đường nhỏ hổ thường ẩn hiện qua lại, tôn giả cho đào một cái bẫy sâu, phía trên phủ kín cỏ. Gần tối, con hổ dữ quả nhiên lại xuống núi rồi bị sa bẫy. Nó gầm rống, vùng vẫy suốt hai ngày đêm, tiếng gầm mỗi lúc càng nhỏ, khi đã sức cùng lực kiệt, ngài mới đến bên bẫy bảo: Nếu ngươi đồng ý không hại người nữa, ta sẽ cho ngươi con đường sống. Hổ gục đầu không nói, có vẻ ăn năn nên ngài thả nó ra.

Đi tìm những con hổ trong phật giáo -0

Hổ trong tranh Phật giáo Mật tông.

Lần khác, con hổ phát hiện thấy ngài từ xa, đợi ngài đến gần một tảng đá rồi bất thình lình xông ra. Tuy lách người qua được nhưng ngài bị trượt ngã. Hổ tiếp tục quay đầu tấn công. Thấy hổ vồ tới mà chưa kịp đứng dậy, ngài vội ném bình bát ra. Chiếc bát lập tức phát hào quang biến to ra, hổ vừa nhảy tới thì rơi gọn vào trong bát. Liền khi ấy, bình bát từ từ thu nhỏ lại. Này nghiệt súc! Đây là lần cuối cùng ta tha cho ngươi, lần sau nếu còn tiếp tục hại người nữa thì đừng trách ta. Nói xong, ngài thả hổ ra và niệm mấy câu thần chú để nó trở lại nguyên hình. Dường như trong tâm có vẻ vẫn chưa phục, nó liếc nhìn ngài một cái rồi uể oải bước đi.

Ba ngày sau, gia đình nọ lại báo tin hổ hại người. Vì vậy, ngài lại phải ra tay một phen nữa. Nhưng, lần này quái hổ gọi thêm cả đàn hổ đến. Khi ngài vừa tới lưng chừng núi thì bị đàn hổ bao vây, con nào cũng nhe nanh múa vuốt nhìn ngài với ánh mắt hung tợn. Bỗng con quái hổ giận dữ rống lên, lát sau cả đàn hổ cũng đồng thanh tương ứng. Tiếng gầm chấn động cả núi rừng, đá trên núi lăn xuống ầm ập. Ngài vẫn không một chút hoang mang, thản nhiên ngồi xuống tọa thiền, miệng niệm thần chú. Một vòng lửa đỏ rực xuất hiện chung quanh ngài, như một kết giới. Hổ vốn sợ lửa nên những con nhát gan chạy trước, rồi từng con đuối sức lần lượt bỏ chạy theo, cuối cùng chỉ còn lại mình con quái hổ. Thấy không làm gì được ngài nên nó cũng chạy nốt, song bị túm đuôi rồi khóa chặt, cố sức giãy giụa đủ cách nhưng không sao thoát ra được. Đợi nó ngoan ngoãn, ngài vỗ đầu từ ái bảo: Ăn thịt người là không tốt, đời đời kiếp kiếp về sau sẽ không được đầu thai làm người. Ngươi nên cải tà quy chính, theo ta về núi tu hành làm thị giả, giúp ta hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh. Hổ gật đầu đồng ý, vui vẻ đi theo ngài. Ngài thành danh La hán Phục Hổ từ đó.

Ở Tây Tạng, sự hiện diện của tứ linh trên lá cờ Lungta là để bảo hộ nguồn năng lượng gia trì của chư Phật, Bồ tát bốn phương. Trong đó, hổ vàng tượng trưng cho niềm kiêu hãnh, sự tỉnh thức và lòng khiêm hạ. Hổ an trụ trong thần thái thư giãn tự nhiên của sự hài lòng và viên mãn mọi tâm nguyện. Thế đứng hổ là nét phiêu mãnh, bộ lông hổ là cái phiêu mỹ, dáng đi hổ là vẻ phiêu uy, đôi mắt hổ là sự phiêu hùng, tiếng hổ gầm tột bậc phiêu dũng của đại ngàn hằng luân...

Con hổ trong quan niệm của người châu Á Con hổ trong quan niệm của người châu Á

Năm 2022, theo cách gọi của người châu Á là năm Nhâm Dần. Với thân hình to khỏe, dũng mãnh, uy nghiêm và những vạch ...

“Ông Cả Hổ” trong tín ngưỡng Nam Bộ “Ông Cả Hổ” trong tín ngưỡng Nam Bộ

Từ thuở lập ấp xây làng, mở mang bờ cõi, lưu dân Việt ở Nam Bộ đã phái đối đầu với nhiều hiểm họa từ ...

/ antgct.cand.com.vn