Ở Hà Nội, những quán nước chè mang một phong vị rất khác. Nó đã từng giống như những đầu mối giao cảm của tâm hồn thành phố...
Quán nước chè ở Hà Nội bây giờ rất khác ngày xưa…
Tôi với bạn vốn không thân thiết. Quen nhau năm 12 tuổi, tập chung với nhau một võ đường ở quận Hai Bà Trưng. Nhà bạn ở làng Khâm Thiên, nhà tôi Nam Đồng, tối khuya tập xong đạp xe về cùng đường, thường dừng ở quán nước trên đường Nguyễn Du, cạnh ngã tư Quang Trung, bên trong cái hàng rào sắt của một cơ quan, chỗ bây giờ là trụ sở Công an phường, mỗi thằng ăn đôi cái kẹo lạc, uống chén trà nóng, hóng chuyện người già, rồi về. Hơn năm như thế, rồi không học nữa, mấy chục năm không còn gặp nhau, cho đến khi nhận ra nhau ở mãi một phương trời xa tít tắp, thế nào mà những câu chuyện vu vơ bên quán trà niên thiếu ùn ùn kéo về đủ đầy từng chi tiết.
Tôi bảo bạn: “Mày nhớ quán nước chè của ông cụ trên đường Nguyễn Du phải không? Đã lâu không còn”. Bạn: “Ừ, thực ra thì tao với mày có ký ức gì về nhau ngoài quán nước ấy đâu. Mà tao xa Hà Nội gần 30 năm, không hiểu sao những ký ức rõ ràng nhất lại là những quán chè “trà” chén? Còn những thứ khác, thực ra cũng chẳng khác bất cứ nơi nào tao đã qua”.
Tôi không tin những quán nước chè là một đặc sản văn hóa của Hà Nội ngày xưa. Những quán nước gốc đa bên đường cái quan, bên cạnh cổng làng, đi khắp các miền quê Bắc bộ nơi nào cũng có. Song ở Hà Nội, những quán nước chè mang một phong vị rất khác. Nó đã từng giống như những đầu mối giao cảm của tâm hồn thành phố. 30 năm trước, khi chúng tôi còn là những đứa trẻ, những quán nước chè là một phần thiết chế văn hóa của Hà Nội. Bất cứ khu dân cư nào, từ làng phố, đến khu tập thể, đến những con phố nhỏ, những cổng trường, trụ sở, cơ quan… luôn có những quán nước chè, như một điểm dừng chân, một chốn hẹn hò, một nơi gặp gỡ.
Những quán nước chè Hà Nội xưa rất khác bây giờ. Quán xưa, dù nhỏ, dù to thì trà vẫn là trà, những ấm trà được chuyên, ủ một cách kỹ lưỡng, với ý thức để người uống trà, dù chỉ bằng tiền lẻ nhưng cũng có được cái cảm giác thưởng trà, thưởng thức một thói quen, chứ không phải gọi một chén nước để có chỗ nghỉ chân. Bởi thế, khi tôi nhớ những quán nước chè, là nhớ cả người chủ quán, cả những thân phận khách quen, chứ không phải vị trí mà cái quán ấy nó từng hiện diện.
Bạn tôi, sau 30 năm vẫn nhớ nôn nao cái quán nước chè trên phố Nguyễn Du là bởi nhớ vị ngọt hậu những tối mùa đông, nhớ ông cụ chủ quán áo nâu hay kể những câu chuyện cũ, nhớ những khách quen như người đàn ông bị vợ bỏ tối nào cũng ra ngồi uống chén rượu trắng, ngắm sương buông hồ. Đó là bởi những quán nước chè không chỉ đơn thuần là phương thức mưu sinh, mà còn là lối sống, là một công việc nghiêm túc của mỗi người chủ quán.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến
Quán nước chè ở Hà Nội bây giờ rất khác. Nó trở nên tạm bợ hết khả năng có thể, để cơ động hơn, để linh hoạt hơn và để tối đa hoá lợi nhuận khi tiếp cận những nhu cầu vãng lai. Bởi thế mà người chủ quán không cần người ta nhớ đến chén nước mình chuyên, nhớ đến sự tồn tại của mình như một địa chỉ của ký ức.
Bạn tôi đã không tìm được phần ký ức thân quen của mình nơi thành phố ấu thơ. Điều đó cũng bình thường như tuổi thơ của mỗi người rồi cũng sẽ bỏ đi. Những quán nước chè trong thành phố cũng đến lúc không còn như xưa nữa khi quy mô của thành phố đã lớn thêm rất nhiều, khi thị dân không còn là những con người cũ, họ có những thói quen mới, những địa chỉ ký ức mới của thời đại mình.
Bây giờ là mùa đông. Buổi tối hôm qua, tôi lên dốc Hàng Than, chỗ cổng chùa Hòe Nhai có một quán nước chè, bình thường vẫn là một ông lão ngồi bán. Nước trà của ông nhiều năm nay vẫn nguyên vị Tân Cương, thanh và ngọt hậu. Tối hôm qua, chủ quán là một phụ nữ trẻ. Cô nói: “Chỗ bán hàng này bây giờ luân phiên”.
“Tôi không tin những quán nước chè là một đặc sản văn hóa của Hà Nội ngày xưa. Những quán nước gốc đa bên đường cái quan, bên cạnh cổng làng, đi khắp các miền quê Bắc bộ nơi nào cũng có. Song ở Hà Nội, những quán nước chè mang một phong vị rất khác. Nó đã từng giống như những đầu mối giao cảm của tâm hồn thành phố” |
Người Hà Nội gốc - căn cứ vào đâu? Bàn về Hà Nội, thế nào là một người Hà Nội gốc cũng là để bàn về việc mỗi người đã có văn hóa làm ... |
“Mỗi góc phố một người đang sống”: Cũng là vì yêu thôi - Hà Nội! "Mỗi góc phố một người đang sống" là tập tản văn mới nhất của Nguyễn Trương Quý sau những tản văn "Ăn phở rất khó ... |
Những ngõ phố độc đáo của Hà Nội Phố ngắn nhất hay chỉ có một số nhà là nơi không chỉ hấp dẫn du khách mà cả người dân Hà Nội. |
http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/dia-chi-cua-ky-uc/749009.antd