Đại dịch thúc đẩy bất động sản chuyển đổi từ chu kỳ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng chậm và nhiều thách thức khác. 

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2020 của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, Covid-19 có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến các quyết định của doanh nghiệp trong năm 2020, thậm chí lâu hơn. Một số phân khúc thị trường có dấu hiệu chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng chậm và đối mặt với nhiều thách thức. Với đầu tư bất động sản, xu hướng thận trọng cũng được ưu tiên lên hàng đầu trong mùa dịch.

Đơn vị này phân tích, bất động sản xếp thứ hai trong 6 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 12%. Chỉ tính riêng các sàn giao dịch bất động sản, trong 2 tháng đầu năm, dưới tác động của Covid-19 và sự chậm trễ trong vấn đề pháp lý, 500 sàn (trong tổng số 1.000 sàn) trên cả nước phải đóng cửa một phần, hoặc toàn phần.

JLL dự báo kể từ trung tuần tháng 3, trong 1-4 tuần, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào kế hoạch duy trì bộ máy trong mùa dịch. Tuy nhiên trong giai đoạn trên dưới 3 tháng trở đi, các doanh nghiệp sẽ thêm thận trọng khi ra quyết định đầu tư mua bán bất động sản và giảm tương tác trực tiếp với khách hàng.

dia oc doi mat voi kich ban mau xam vi covid 19
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng bị trì hoãn do yêu cầu cách ly trong giai đoạn dịch phức tạp, dẫn đến lượng hàng bán có thể thấp hơn so với dự báo trước đây. JLL cho rằng tác động của Covid-19 lên giá bất động sản có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý đầu năm nhưng nếu tình hình tồi tệ hơn, các chính sách về giá bán hoặc kích cầu cần được xem xét.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, bất động sản nằm trong nhóm ngành kinh tế chịu tác động lớn của Covid-19, các ảnh hưởng tiêu cực tích tụ và thấm dần theo thời gian.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn đang phát triển (thi công) lập tức lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhóm nhà đầu tư đã mua bất động sản thuộc phân khúc này lâm vào tình thế khó thoát ra khỏi khoản đầu tư hiện tại, đồng thời gặp trở ngại trong việc chuyển hướng đầu tư, khó khai thác tài sản.

Những khách thuê mặt bằng kinh doanh buộc hủy hợp đồng thuê, mất chi phí đặt cọc. Các khách sạn cũng đang gồng mình chịu tác động tiêu cực khi người dân ngày một hạn chế việc di chuyển và sử dụng các dịch vụ công cộng.

Với bất động sản nhà ở, vốn là nhu cầu muôn thuở của người dân tại các đô thị lớn nhất nước, đại dịch xuất hiện đẩy thị trường chuyển sang giai đoạn thử thách ngắn hạn nhưng cam go. Khó khăn nếu có phát sinh sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn.

Ông Khương cho hay, trên thực tế, thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm lượng giao dịch và các chủ đầu tư buộc phải cân nhắc dừng mở bán thêm dự án mới trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Song một điều chắc chắn là nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, CBRE xác nhận thị trường bất động sản Việt Nam thấm đòn đại dịch chỉ sau một vài tháng Covid-19 bùng phát. Các tài sản thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, công nghiệp kho vận đến nhà ở đều đã chịu sức ép lớn, thanh khoản kém, giảm doanh thu mạnh mẽ. Đơn vị này nhận định Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó khiến thị trường bất động sản chuyển sang bức tranh ảm đạm, đầy thách thức trong ngắn hạn.

Trung Tín

dia oc doi mat voi kich ban mau xam vi covid 19 Kịch bản nào cho kinh tế thế giới

Nền kinh tế phục hồi nhanh như mô hình chữ V hay đi lên rồi lại đi xuống như chữ W, tuỳ vào việc phải kéo ...

dia oc doi mat voi kich ban mau xam vi covid 19 Những thách thức của thị trường địa ốc năm 2020

Niềm tin của nhà đầu tư, nguồn cung và thanh khoản sụt giảm, tín dụng bị siết là những thách thức của thị trường trong ...

/ vnexpress.net