Xác suất bị điểm 0 thi trắc nghiệm gần như không xảy ra và bị 3 điểm 0 như ở Tây Ninh càng hiếm. Nói thí sinh tô sai mã đề, nhầm số báo danh, tô mờ đáp án là chưa thuyết phục.

Từ "bất thường"trong thông báo tới bất ngờ sau phúc khảo

Một ngày sau công bố điểm thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT Tây Ninh đã báo cáo về điểm 0 "bất thường" trong bài thi trắc nghiệm của thí sinh: "Trong quá trình khai thác dữ liệu để chuẩn bị công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019, Sở GD-ĐT Tây Ninh đã phát hiện 34 trường hợp bị điểm 0 ở các bài thi/môn thi trắc nghiệm gồm: Toán 13 bài, Tiếng Anh 9 bài, tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên 4 bài, Khoa học xã hội 8 bài. Đây là điều bất thường. Sở GD-ĐT đã kịp thời báo cáo về Bộ GD-ĐT cũng như báo tới các thủ trưởng đơn vị động viên thí sinh liên quan bình tĩnh làm đơn phúc khảo theo quy định".

diem thi gan 9 thanh 0 tai thi sinh nguoi cham hay phan mem
Biếm họa: Hà Huy Phượng

Ngày 30/7, kết quả công bố điểm phúc khảo cho thấy điều "bất thường" được sáng rõ. 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 đều được tăng điểm sau phúc khảo. Bài tăng nhiều nhất sau phúc khảo từ 0 lên 8,75. Mức điểm tăng thấp nhất từ 0 lên 2. Có thí sinh là học sinh giỏi quốc gia 2 năm liền bị 3 điểm 0, nay sau phúc khảo có tổng 20,5…

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, đơn vị chủ trì chấm các môn trắc nghiệm ở Tây Ninh cho biết: Những bài thi bị điểm 0 là do phần mềm chấm thi không nhận dạng được bản scan phiếu trả lời trắc nghiệm. Bản scan rất rõ ràng, nhà trường đã kiểm tra, nhưng khi đưa vào máy thì máy chấm không nhận diện được phần trả lời của thí sinh nên đã chấm 0 điểm.

Còn phía Bộ GD-ĐT, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho hay trường hợp 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 tăng điểm sau phúc khảo ở Tây Ninh là hiện tượng cá biệt. Nguyên nhân khiến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được phát hiện là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Điểm phúc khảo ở Tây Ninh được xem là hi hữu. Thậm chí có người ví von "cười ra nước mắt" vì năm ngoái sau chấm thẩm định điểm thi ở một số địa phương từ 9-8 xuống 0, còn năm nay sau phúc khảo điểm 0 tăng lên gần 9.

Lỗi từ đâu?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chấm thi trắc nghiệm 2019 có 4 bước: Quét ảnh; Đọc ảnh; Sửa lỗi cho thí sinh; Chấm thi.

Ở bước Sửa lỗi, cán bộ chấm thi có trách nhiệm sửa các lỗi như không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được, không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cáchkhiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào; phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại…

 

Như vậy, nếu 58 bài thi trắc nghiệm ở Tây Ninh rơi vào trường hợp bị lỗi như Bộ GD-ĐT nhận định thì đơn vị chấm thi là Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai phải sửa trước khi chấm.

Trưởng phòng đào tạo một trường một ĐH ở miền Trung, cho hay cần xem xét nguồn gốc dẫn tới việc 58 bài thi trắc nghiệm ở Tây Ninh bị điểm 0, vì đây không thuần tuý là lỗi của cán bộ chấm trắc nghiệm trường đại học:

"Có thể do nhiều nguyên nhân như: Cán bộ chấm đã chủ quan bỏ qua các lỗi cảnh báo của phần mềm; Phần mềm không nhận dạng được bài thi và có bất thường. Còn nếu nhận định thí sinh tô sai mã đề, nhầm SBD là không hợp lý vì nếu có xảy ra như vậy thì bài thi vẫn có điểm và có điểm rất nhỏ chứ không thể bị điểm 0. Mặt khác, theo quy luật xác suất thí sinh đánh ngẫu nhiên trong 4 đáp án vẫn có 25% số điểm".

Vị này cho hay, vừa rồi trường ông được phân công chấm trắc nghiệm nên qua thực tiễn cho thấy không có lý gì để nói bị điểm 0 là do thí sinh tô mờ đáp án, bởi tô mờ máy chấm cũng nhận diện được.

Hiệu trưởng một đại học ở TP.HCM cũng nhìn nhận, chấm trắc nghiệm bị điểm 0 và kết quả sau phúc khảo điểm tăng nhiều trước đây đã từng có, nhưng không nhiều như năm nay.

"Có nhiều nguyên nhân nhưng nói lỗi do mình thí sinh thì chưa thuyết phục. Xác suất bị điểm 0 ở bài thi trắc nghiệm đã khó, nhưng bị 3 điểm 0 một lúc là rất hy hữu. Tôi không hiểu phần mềm chấm trắc nghiệm năm nay được xây dựng như thế nào chứ qua công tác chấm thi tôi thấy rất khó lý giải. Nhiều bài thi rất rõ ràng nhưng khi đưa vào máy quét lại không nhận dạng" - ông nói.

Tương tự, phụ trách tuyển sinh một đại học cho rằng, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm tất cả những lỗi như tô sai, tô mờ phần mềm chấm thi đều có công cụ thực hiện kiểm dò. Vì vậy những sai sót đó sẽ rất hãn hữu nếu như bộ phận thực hiện thao tác chấm có kinh nghiệm và kỹ càng trong khâu xử lý chấm.

"Trong quá trình chấm thi vừa rồi, phần mềm được cập nhật thường xuyên. Khi phát sinh lỗi do yếu tố khách quan nào đó thì Bộ sẽ cập nhật bản vá lỗi ngay. Vậy, vấn đề đặt ra đối với khâu kỹ thuật chấm, người thực hiện đó có cập nhật những bản vá lỗi hay thực hiện việc đối sánh, kiểm dò trước khi hoàn tất công tác chấm?".

Một chuyên gia tuyển sinh khác khẳng định hện tượng điểm 0 trong chấm thi trắc nghiệm có thể xảy ra nếu phiếu trả lời trắc nghiệm được in ấn không chuẩn, lệch góc. Khi chấm tuy hình rất rõ nhưng do giấy không ngay ngắn, không đúng tọa độ, máy chỉ đọc ký hiệu ở tọa độ xác định trước nên cho 0 điểm ngay. Vì vậy, tổ chấm thi trắc nghiệm phải theo dõi kết quả, có bất thường phải rà lại. Dù trục trặc thí sinh hay máy móc, phiếu trả lời, thậm chí tổ chấm có thể tô phiếu cho tốt (và lập biên bản) rồi chấm lại.

"Nhưng nếu thí sinh tô mờ đáp án và máy cho 0 điểm thì tổ chấm phải quan sát các bài mờ. Tổ chấm không thể mặc kệ thí sinh. Còn tô nhầm mã đề, số báo danh thì không ảnh hưởng tới điểm thi mà chỉ nhầm thí sinh"- ông khẳng định.

Theo ông, trong trường hợp này có thể do phần mềm, cũng lỗi cũng có thể do trường đại học chưa đủ năng lực và trách nhiệm. Nhưng cũng không loại trừ phần mềm, vì hôm chấm thi phần mềm đã có trục trặc vừa chấm vừa sửa 3 lần.

"0 điểm thi trắc nghiệm gần như không xảy ra và nếu có xác suất như đạt điểm tối đa. Tất nhiên trên lý thuyết vẫn có thể 0 điểm nhưng nếu tô hú họa cũng không thể 0 điểm. Trường hợp ở Tây Ninh mờ đáp án thì tôi có thể chấp nhận bởi máy không nhận dang được, còn nói tô sai số báo dánh, mã đề là vô lý"- ông nói.

Không nên đổ lỗi cho thí sinh

Việc phát hiện 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh diễn ra trước khi công bố điểm thi. Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tây Ninh, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai đã nắm sự việc nhưng chỉ ở mức " động viên thí sinh và người nhà phúc khảo theo quy định".

Các chuyên gia tuyể sinh nhìn nhận với những trường hợp bất thường như vậy, lúc ráp điểm, trước khi công bố có thể cần tìm hiểu vấn đề và kiểm tra, tiến hành rà soát. Tổ chấm trắc nghiệm phải luôn theo dõi kết quả chấm, nếu bất thường phải rà lại ngay. Đã đến lúc các bên liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận sai sót và cầu thị chứ không đổ lỗi. Phía thiệt thòi nhất trong sự việc này là 34 thí sinh và gia đình. 15 ngày qua các em và gia đình chắc đã sống trong tâm trạng nặng nề, vì vậy cần một lời xin mỗi chứ không phải đổ lỗi.

Sẽ còn bao nhiêu thí sinh chịu “may rủi” vì sự vô cảm của “hệ thống”?
Thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học vào ba ngày cuối
Sau phúc khảo, bài thi của thí sinh nhiều tỉnh thay đổi điểm

/ vietnamnet.vn