Trong một hội thảo lớn của riêng của các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, có một giáo sư nổi tiếng từ Đài Loan tham dự.
Liên quan đến vụ công nhân đập phá nhà xưởng một số doanh nghiệp Đài Loan trong vụ biểu tình chống Trung Quốc tháng 5/2014, thay vì trách móc nước sở tại như tôi hình dung, vị giáo sư này lại đặt hàng loạt câu hỏi. Hàng trăm nhà đầu tư Đài Loan ngồi nghe, yên phăng phắc.
Ông hỏi: Tại sao doanh nghiệp Đài Loan đầu tư lâu ở Việt Nam rồi mà chưa làm cho người Việt phân biệt được người Đài Loan và nhà đầu tư khác? Tại sao doanh nghiệp, cơ quan nhà nước Đài Loan chưa làm cho người Việt Nam hiểu rằng đầu tư của Đài Loan là có ích, là tích cực, là vô hại và an toàn? Điều này phải chăng thể hiện rằng doanh nghiệp Đài Loan chưa làm hết trách nhiệm?
Dịp xảy ra sự cố, tôi tận mắt nhìn thấy hàng trăm nhà đầu tư Đài Loan từ khắp các tỉnh thành của Việt Nam đổ ngay về Bình Dương để cùng nắm chặt tay chia sẻ và hô vang khẩu hiệu đoàn kết. Thế nhưng cả vị giáo sư này và nhiều doanh nghiệp của họ đều tự trách rằng sự liên kết của doanh nghiệp Đài Loan chưa được tốt.
Điều này khiến tôi chạnh lòng khi nhìn lại chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều năm trở lại nay, nhiều hãng tàu biển nước ngoài dù cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường nhưng lại dễ dàng liên kết lại để cùng thu vô tội vạ các khoản phụ phí vận tải vô lý (như phí THC) lên các hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chi phí tăng, thiệt hại rất lớn, suy giảm tính cạnh tranh nhưng rất trớ trêu các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam không thể ngồi với nhau lại được, không tài nào liên kết chặt chẽ được để đàm phán, tạo sức ép với các hãng tàu. Đành chấp nhận, tặc lưỡi, nghiến răng nộp.
Khi làm ăn thì bài học đầu tiên là luôn liên kết, cùng hợp tác, sẵn sàng ủng hộ nhau. Nếu đi đầu tư, đi khai mở thị trường thì doanh nghiệp lớn đi trước kéo doanh nghiệp bé đi sau. Đại sứ một nước tại Hà Nội hẹn gặp tôi chỉ để hỏi về thủ tục mở hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam. Dù nước họ có vỏn vẹn chưa đến 10 doanh nghiệp đang làm ăn tại đây.
Với doanh nghiệp Việt Nam thì khác, tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh để giành khách lại quá phổ biến. Đối tác nước ngoài dễ dàng chia rẽ, ép giá, o ép nhiều bề trên thị trường của ta cũng vì điểm yếu chết người này. Không hiếm trường hợp một số nước cạnh tranh với Việt Nam chủ động đề nghị một số doanh nghiệp hám lợi cung cấp hàng kém phẩm chất rồi sau đó tạo ra hình ảnh méo mó về hàng hoá từ Việt Nam, giảm tính cạnh tranh của ngành hàng và là cái cớ để họ dựng nên các hàng rào kỹ thuật ngăn cản cả một ngành hàng xuất khẩu…
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan có lần phát biểu tại một diễn đàn VCCI rằng ông quan sát thấy hai điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là liên kết kém và chữ tín yếu. Khi giao hàng cho đối tác, vài lô hàng đầu tiên đảm bảo được chất lượng như cam kết, nhưng những lô tiếp theo thì sẵn sàng vi phạm thỏa thuận, thậm chí bỏ cả cam kết lâu dài vì những mối lợi trước mắt.
Người tiên phong gây dựng thương hiệu quốc gia quan trọng nhất không ai khác chính là các doanh nghiệp. Không thể không lo ngại về hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Không chỉ các cá nhân tạo ra hình ảnh người Việt “xấu xí” ở nước ngoài, mà một số doanh nghiệp cũng vậy. Một số sản phẩm của Việt Nam xuất sang các nước bị tố cáo không đảm bảo an toàn, nhiều doanh nghiệp Việt bị tố cáo lừa đảo, làm ăn chụp giật. Một số dự án đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam cũng bị chỉ trích về tác động tiêu cực tới người dân và môi trường tại các nước.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, những hoạt động xã hội, từ thiện của doanh nghiệp cũng rất quan trọng để tăng cường hình ảnh của một quốc gia cũng như tạo ra dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng.
Một nghiên cứu về đóng góp từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam do VCCI và Quỹ Châu Á thực hiện cách đây không lâu cho thấy hầu hết các hoạt động từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện chủ yếu là những hoạt động truyền thống, theo vụ việc ngắn hạn (như trợ giúp người dân khi thiên tai, hoạn nạn…). Trong một chuyến bay từ Seoul, Hàn Quốc về Hà Nội, một cô dâu Việt ngồi cạnh tôi đã xúc động và hào hứng kể cho tôi nghe về những điều quỹ từ thiện ở Hàn Quốc sẵn sàng trợ giúp họ. Ngoài những vấn đề pháp lý trong hôn nhân, các quỹ này còn quan tâm đến nỗi nhớ nhà của các cô dâu. Nếu cô dâu Việt Nam nào ở vùng đó sang lấy chồng ở Hàn Quốc mà hai năm sau khi cưới không có điều kiện về thăm quê sẽ được tài trợ vé máy bay khứ hồi, thậm chí có cả tiền tiêu vặt trong thời gian ở quê nhà. Tất cả những khoản kinh phí này đều do các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp.
Nhiều doanh nghiệp nước ta hình như chỉ đang tập trung xây chùa, đúc tượng… hiếm hoi doanh nghiệp đóng góp vào những hoạt động xã hội có tính chiến lược và dài hạn, có khả năng tạo ra những lợi ích lớn cho cả cộng đồng, dài hạn và bền vững đến người dân.
Chắc nhiều người như tôi, vẫn trông chờ để được tự hào về những doanh nhân Việt, những sản phẩm Việt, giá trị Việt sẽ đi khắp năm châu, tạo dựng nên một thương hiệu tự hào Việt Nam.
Gần 100% xăng dầu nhập khẩu Hàn Quốc: Nỗi lo độc quyền Doanh nghiệp Việt nhập gần 100% lượng xăng từ Hàn Quốc sau khi thuế suất giảm còn 10%. Trong khi đó, lượng xăng nhập từ ... |
Bẫy giá trị thấp: Nếu doanh nghiệp còn bị ru ngủ... \'\'Nếu tiếp tục ru ngủ các doanh nghiệp bằng thành tích sẽ không tạo ra được động lực cho doanh nghiệp thay đổi, phát triển\'\'. |
Doanh nghiệp Việt đáp trả khi bị chê thua Lào, Campuchia Khoảng 23% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/diem-yeu-cua-doanh-nghiep-viet-3655039.html