Hôm nay (15-1), thị trấn Davos (Thụy Sỹ) bắt đầu đón chào các nhà lãnh đạo toàn cầu tới tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”. Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng, xung đột, nội dung của hội nghị lần này sẽ tập trung vào những vấn đề chính gồm: An ninh toàn cầu, tạo việc làm, chống biến đổi khí hậu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

thuy-si.jpg
Thị trấn Davos (Thụy Sỹ) sẵn sàng cho WEF 2024.

Hơn 100 quan chức cấp cao đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác của WEF sẽ tham dự hội nghị (diễn ra từ ngày 15 đến 19-1) cùng các chuyên gia và giới truyền thông. Về phía Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân sẽ tham dự hội nghị.

Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, các nhà lãnh đạo WEF thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại sự tín nhiệm giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và rủi ro có thể gây ra bởi công nghệ AI. Trên cơ sở đó, chương trình nghị sự của WEF 2024 xoay quanh 4 nội dung quan trọng. Thứ nhất, các đại biểu tập trung trao đổi, tìm kiếm giải pháp để bảo đảm an ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt. Để làm được điều này, thế giới phải giải quyết các cuộc khủng hoảng trước mắt như xung đột Israel - Hamas, Nga - Ukraine, đồng thời xóa bỏ các lực lượng có nguy cơ gây chia cắt.

Thứ hai là tạo việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới. Theo đó, hội nghị sẽ xem xét lại các khuôn khổ kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, lưu ý cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong một thập kỷ có khả năng tăng trưởng thấp. Nội dung thứ ba nhấn mạnh AI là động lực cho nền kinh tế và xã hội. Trong đó, các quốc gia tận dụng AI vì lợi ích xã hội, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác như 5/6G và điện toán lượng tử. Thứ tư là xây dựng chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng. Hội nghị sẽ làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát triển các phương pháp tiếp cận có hệ thống vì một thế giới không có carbon và hướng tới môi trường thiên nhiên tích cực vào năm 2050, đồng thời, cân bằng các giá trị để đạt được sự đồng thuận xã hội.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, WEF 2024 sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo xung đột tại Trung Đông đang lan rộng, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có tín hiệu sẽ kết thúc. Đây là những “biến số” đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 khi những hậu quả của đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất cao vẫn để lại không ít hệ lụy nặng nề cho nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, WEF 2024 cũng có thể là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những sáng kiến, biện pháp mang đến sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý tại WEF 2024 là đề xuất thành lập Liên minh quản trị AI bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms. Mục đích hoạt động của liên minh này là hướng tới định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những cam kết đối với các hệ thống AI một cách minh bạch, toàn diện cũng như cách tiếp cận mang tới những tác động tích cực cho xã hội. Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết: "Chúng ta phải nhìn nhận một cách sáng suốt về cả triển vọng lẫn mối nguy hiểm của thế hệ Al và cùng nhau hợp tác để bảo đảm Al luôn phục vụ nhân loại".

Nhiều nhà bình luận cho rằng, việc thành lập Liên minh quản trị AI sẽ mang lại những kết quả khả quan, tương tự như Liên minh Người dẫn đầu (FMC) ra đời cách đây 2 năm nhằm tìm ra biện pháp giảm khí phát thải carbon thông qua khu vực tư nhân. Từ 35 thành viên lúc mới thành lập, FMC đã phát triển lên 96 thành viên, thực hiện 120 cam kết về phát triển, ứng dụng công nghệ mới cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải.

Thông qua WEF 2024, những bộ óc có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ cùng đương đầu với nhiều thách thức cấp bách mang tính toàn cầu để hướng tới một tương lai tích cực. Đây không chỉ là các cuộc thảo luận chia sẻ tầm nhìn chung mà còn tạo ra tác động hữu hình, biến ý tưởng thành hành động dứt khoát và hiện thực hóa các giải pháp thay đổi thế giới một cách ổn định và bền vững.

https://hanoimoi.vn/dien-dan-kinh-te-the-gioi-wef-2024-su-menh-xay-dung-lai-niem-tin-655865.html

Quỳnh Dương / HNM