Việc ghi nhầm công tơ điện là có thể xảy ra. Vì thế, người dùng cần lưu ý một số điểm để có thể kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường liên quan hóa đơn tiền điện.

Giám đốc bị kiểm điểm vì ghi nhầm hóa đơn điện

Công ty Điện lực Quảng Ninh chiều 22/6 đã yêu cầu Điện lực Vân Đồn tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn do liên quan đến hóa đơn tiền điện tháng 6 của một gia đình vọt lên gần 90 triệu.

Một khách hàng tại tỉnh Quảng Bình bị ghi nhầm chỉ số điện gấp hàng chục lần, dẫn tới số tiền phải trả vọt lên 58 triệu đồng. Phía Điện lực thừa nhận có sai sót trong việc ghi chỉ số điện của khách hàng này.

Ngay sau khi báo chí phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh,... Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các tổng công ty điện lực nghiêm túc kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số; kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí kết quả kiểm tra, xử lý các ý kiến phản ánh sai chỉ số công tơ.

Hóa đơn điện thường tăng cao vào những tháng nắng nóng.

EVN cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua email, Zalo, hoặc ứng dụng (App) Chăm sóc khách hàng để khách hàng chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Các cách kiểm soát hóa đơn tiền điện

Với lượng khách hàng lên đến hàng chục triệu, việc ghi nhầm công tơ điện là có thể xảy ra. Vậy người dùng có thể áp dụng những cách thức nào để kiểm tra, kiểm soát lượng điện tiêu dùng hàng tháng?

Cài đặt ứng dụng của ngành điện

Hiện nay, các tổng công ty điện lực đã cung cấp những ứng dụng để người dùng có thể kiểm tra được lượng điện tiêu thụ của gia đình.

Ví dụ, tất cả khách hàng đang sử dụng điện của EVN Hà Nội có thể tải ứng dụng “EVNHANOI CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Ứng dụng này giúp khách hàng chủ động tra cứu các thông tin nhanh chóng và chính xác về chỉ số điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện, lịch ghi chỉ số công tơ, biểu đồ lịch sử tình hình tiêu thụ điện từng tháng, lịch tạm ngừng cung cấp điện...

Lắp công tơ đối chứng

Trường hợp khách hàng có nghi ngờ công tơ hoạt động không chính xác có thể yêu cầu Điện lực kiểm tra lại để đảm bảo công bằng trong việc mua bán điện. Hoặc khách hàng có thể lắp thêm công tơ đối chứng với công tơ điện do ngành điện quản lý.

Tuy nhiên, cần lưu ý: Căn cứ Hợp đồng mua bán điện giữa bên mua và bên bán điện, chỉ xác nhận chỉ số và tính hóa đơn tại công tơ do ngành điện quản lý. Trường hợp khách hàng có lắp công tơ đối chứng thì việc chênh lệch sản lượng giữa hai công tơ, ngành điện không giải quyết vì liên quan đến nhiều yếu tố dẫn đến công tơ khách hàng lắp sản lượng không trùng khớp với công tơ của ngành điện (thời gian chốt chỉ số, sai số công tơ, tổn thất trên đường dây,... ).

Tách hộ khẩu, lắp thêm công tơ

Giá điện sinh hoạt hiện nay tính theo bậc thang gồm 6 bậc, dùng càng nhiều giá càng đắt. Khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá đắt hơn tới 1,7 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất. Cho nên, nếu gia đình có nhiều hộ sống chung, người dân có thể tách hộ khẩu để lắp công tơ riêng cho mỗi hộ.

Nhiều trường hợp một gia đình sống chung nhiều thế hệ đã tách hộ khẩu ra làm nhiều hộ, như vậy có thể được lắp nhiều đồng hồ để giảm tiền điện. Việc này nếu so sánh với trường hợp gia đình đông người (7-8 người) mà chỉ có 1 hộ khẩu và lắp 1 công tơ điện, dù lượng điện sử dụng không kém gì thì có lợi hơn đáng kể.

Một điều cần lưu ý, trường hợp khách hàng muốn lắp thêm công tơ điện, cần đáp ứng điều kiện là hệ thống điện sử dụng của hộ gia đình mới cần độc lập với hệ thống điện với hộ gia đình cũ. Để đảm bảo về mặt kỹ thuật và sử dụng điện an toàn, Công ty điện lực sở tại sẽ đến khảo sát hệ thống điện của khách hàng và trao đổi cụ thể với khách hàng có lắp được thêm công tơ hay không.

Thay đổi thói quen xấu gây tốn điện

Các hộ gia đình nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao, càng tiết kiệm điện); tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt. Điều hòa là thiết bị “ngốn” điện trong những ngày  nắng nóng, cho nên sử dụng điều hòa nhiệt độ có biến tần, đặt nhiệt độ ở 25-26 độ C (ban ngày) và 27-28 độ C (ban đêm) để đạt hiệu quả tốt nhất và giảm thiểu tốn điện.

Sử dụng giải pháp theo dõi điện năng

Hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các thiết bị theo dõi điện năng sử dụng cho công trình văn phòng, nhà ở,... Người dân có thể tìm mua các thiết bị này để biết mức tiêu thụ năng lượng và tiền điện phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng các thiết bị đảm bảo chất lượng, an toàn để không ảnh hưởng đến hệ thống điện của gia đình.

Vụ nhầm số điện: Đình chỉ công tác 2 lãnh đạo tại Cty Điện lực Quảng Bình
Hai khách hàng bị ghi sai tiền điện gần 148 triệu đồng
Thực dùng 370 nghìn, Điện lực Quảng Ninh phát hóa đơn gần 90 triệu

/ vietnamnet.vn