Tiết giảm chi tiêu là một trong những giải pháp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh giá điện, giá xăng, lương thực, thực phẩm đều tăng giá. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong những tháng qua đã khiến nhiều người lao động khó tăng thêm thu nhập, chưa kể số khác còn mất việc làm.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%, làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại: Thu eo hẹp, chi gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống. Trong bối cảnh này, sự điều tiết tăng giá hợp lý, linh hoạt của các mặt hàng là rất cần thiết để người dân bớt khó khăn.
Cùng với đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-5-2023 dù có tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 4,8%. Cũng theo cơ quan thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, số vốn đăng ký thành lập mới cho doanh nghiệp thấp hơn giai đoạn trước dịch. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao, không có sự chênh lệch nhiều so với số doanh nghiệp thành lập mới. Những thống kê vĩ mô này cho thấy những khó khăn lớn của nền kinh tế hiện đại. Người lao động trong bối cảnh này cũng khó mà tăng thêm thu nhập, chưa kể một số khác mất việc làm.
Chị Nguyễn Thu Hường - công nhân công ty may quy mô vừa tại Hà Nội cho biết: “Nhiều tháng nay, công nhân chúng tôi chỉ làm đến 17h là được về, nghỉ 2 ngày cuối tuần. Trước đó đơn hàng nhiều, tuần chỉ được nghỉ 1 ngày, buổi tối có thể tăng ca. Hiện tại nhiều người cũng đã bỏ công ty, về tự kinh doanh hoặc tìm công việc khác”. Theo chị Hường, vì công việc giảm sút nên thu nhập của chị giảm sút. Từ mức lương trung bình gần 9 triệu đồng/tháng, chị Hường hiện chỉ còn lĩnh hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, mà nhu cầu mua sắm của gia đình chị Hường phải tiết giảm hẳn, chi tiêu phải thắt chặt.
Là một đầu mối bán buôn quần áo online, anh Tùng Lâm (Hà Đông - Hà Nội) cũng than thở: “Hàng rất ế, đăng bài lên nhưng lượng tương tác ít, khách mua cũng ít và giảm về số lượng. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu”. Theo anh Tùng Lâm, sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm đã tăng trong những tháng qua, khiến chi tiêu của nhiều người dân càng eo hẹp. “Như nhà tôi buôn bán, hàng không bán được nên cũng không có tiền. Giá điện tăng, xăng tăng, cả gia đình phải thường xuyên nhắc nhở nhau tiết kiệm, tiêu dùng vừa đủ để không bị thâm hụt chi tiêu” - anh Lâm nói.
Chị Thúy Hiệp (Long Biên - Hà Nội) cũng trong tình cảnh phải tính toán chi ly các khoản chi cho gia đình. “Các con nghỉ hè nhưng vẫn phải chuẩn bị cho năm học mới. Tiền học phí, đồng phục, xây dựng trường lớp… đều phải tiết kiệm từ bây giờ để vào năm học có mà đóng. Tôi làm cơ quan Nhà nước, lương chưa đến kỳ tăng nhưng giá điện, xăng dầu, thịt lợn và gạo đều tăng cao” - chị Thúy Hiệp chia sẻ.
Cần điều tiết tăng giá hợp lý, linh hoạt các mặt hàng
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng qua, chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9-2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,62% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,25 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,03% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,18 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,8%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI tăng 0,81 điểm phần trăm; Giá điện sinh hoạt tăng 2,59% do nhu cầu sử dụng điện tăng, tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm; Giá gạo trong nước tăng 2,37% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm. Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay số lần tăng nhiều hơn số lần giảm và giữ nguyên giá bán. Tất cả những khoản chi này đều “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng.
Chị Thúy Hiệp cho rằng, giá xăng dầu giờ tăng giảm 3 lần mỗi tháng nên người dân đã quen, không còn sốc vì mỗi lần tăng giá. Tuy nhiên, xu hướng giá xăng tăng là chủ yếu tác động lên giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác khiến người tiêu dùng cảm nhận rõ hơn và lo ngại hơn sau mỗi lần giá tăng. Còn đối với giá điện, dù gần 4 năm qua mới được tăng, và việc ngành điện khó khăn về tài chính, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy, lưới điện truyền tải, làm nảy sinh nguy cơ thiếu điện trong những ngày nắng nóng khiến người dân lo ngại nhưng tăng giá điện vẫn là áp lực với người dân.
“Mùa hè năm nay nắng nóng kéo dài, giá điện tăng đúng mùa hè khiến các gia đình phải tiết kiệm điện. Bậc thang giá điện khiến tiêu dùng nhiều tăng tiền điện nhiều” - chị Hiệp nói. Tương tự, với lương thực, thực phẩm, giá tăng sẽ giúp người nông dân bớt khó khăn, góp phần dần ổn định thị trường nhưng trước mắt, tăng giá gây nên áp lực với người tiêu dùng.
Tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại: thu eo hẹp, chi gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống. Trong bối cảnh này, sự điều tiết tăng giá hợp lý, linh hoạt của các mặt hàng là rất cần thiết để người dân bớt khó khăn.
Mặc dù khó khăn chưa qua nhưng những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế dã xuất hiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 13,6% và luân chuyển hành khách tăng 21,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 20,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 15,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 21,2% và luân chuyển tăng 41,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 18% và luân chuyển tăng 17,9%. Tín hiệu tốt từ thị trường cho thấy tiêu dùng đã dần ổn định, người tiêu dùng đã thích nghi được với mặt bằng giá mới và đã xuất hiện tín hiệu sản xuất tích cực hơn.