Điều gì khiến Mỹ và EU buộc phải “hợp sức” về thương mại?
Cụ thể, thỏa thuận sẽ hỗ trợ cả hai nền kinh tế đối phó với “thách thức chung” xuất phát từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên toàn cầu, chủ yếu do Bắc Kinh gây ra.
Thỏa thuận trên nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại gay gắt mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi vào năm 2018 bằng cách đánh thuế cao đối với thép và nhôm của EU, lấy lý do chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Mặc dù thỏa thuận hôm 30/10 đã loại bỏ các mức thuế trên, nhưng Brussels vẫn tức giận vì cơ sở pháp lý cho các nhiệm vụ của ông Donald Trump - mối đe dọa an ninh của châu Âu đối với Mỹ - vẫn được duy trì và đang được áp dụng để hạn chế các mặt hàng kim loại xuất khẩu của EU.
Nhiều năm gần đây, mâu thuẫn về các mặt hàng kim loại là một trong những vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Một trong những lý do chính để giải quyết mâu thuẫn này là nguyện vọng ngày càng phổ biến trong giới chức châu Âu và Mỹ rằng hai bên sẽ hợp tác nhằm cạnh tranh với các nhà máy thép dư thừa năng lực của Trung Quốc vốn được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn.
Thỏa thuận ngày 30/10 sẽ thiết lập một “cơ chế bền vững toàn cầu về thép và nhôm”, với sự tham gia của các nước có “cùng chí hướng”. Đó là quy tắc ngoại giao nhằm đối phó với sự dư thừa năng lực của Bắc Kinh. Brussels và Washington cũng cam kết hợp tác sản xuất thép theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh thỏa thuận lần này phù hợp với tầm nhìn của ông về một mặt trận toàn cầu chống Bắc Kinh. Ông coi thỏa thuận này là một phần của các động thái nhằm “chứng minh với thế giới rằng các nền dân chủ có thể giải quyết những vấn đề khó khăn và đưa ra giải pháp phù hợp. EU và Mỹ sẽ tiếp tục là những người bạn và đối tác thân thiết nhất”.
Tổng thống Biden nói thêm: “Những thỏa thuận này sẽ… hạn chế thép bẩn từ các nước như Trung Quốc tiếp cận thị trường của chúng tôi, đồng thời chống lại các nước bán phá giá thép vào thị trường của chúng tôi”.
Tương tự, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết kế hoạch lần này tập trung vào “cách hạn chế tiếp cận thị trường đối với các bên không tham gia nhưng không đáp ứng... các điều kiện định hướng thị trường hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn về nồng độ phát thải carbon thấp”. Bắc Kinh cũng biết rõ ông đang ám chỉ ai.
Tuy nhiên, thỏa thuận lần này cũng để lại nhiều “vị đắng” cho châu Âu. Ban đầu, EU hy vọng ông Joe Biden sẽ nới lỏng thuế quan dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời rút lại cơ sở pháp lý của cựu Tổng thống Mỹ nhằm chống lại khu vực này, được nêu trong Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.
Mục này xác định châu Âu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Mỹ đã tự nhận ra trở ngại từ nhu cầu tận dụng các khu vực sản xuất lõi thép, và thỏa thuận của Mỹ với châu Âu không phải là phản ứng mà châu Âu thực sự mong muốn. Thay vì được loại bỏ các mức thuế, thỏa thuận quy định EU có thể xuất khẩu thép với hạn ngạch 4,4 triệu tấn/năm mà không phải chịu thuế an ninh quốc gia.
Khoảng 1,1 triệu tấn trong số này bắt nguồn từ một điều khoản sẽ chỉ có hiệu lực trong 2 năm tới. Từ thời ông Trump, nếu xuất khẩu trên 4,4 triệu tấn thép, EU sẽ phải chịu mức thuế 25%. Trên thực tế, đây là một sự hỗ trợ kịp thời cho ngành thép châu Âu. Trong những năm trước căng thẳng thương mại và đại dịch COVID-19, xuất khẩu của EU nhìn chung không đạt đến mức trên.
Dữ liệu từ Eurofer, cơ quan vận động hành lang đối với mặt hàng thép của châu Âu, cho thấy sản lượng xuất khẩu của EU sang Mỹ đạt mức cao nhất là 4,1 triệu tấn trong năm 2014. (Tất nhiên, châu Âu sẽ phải trả mức thuế cao một lần nữa nếu xuất khẩu của EU vượt quá hạn ngạch trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch). Ủy ban châu Âu (EC) tỏ ra rất khó chịu khi phải chấp nhận bất kỳ mức hạn ngạch nào, vốn bị coi là phi pháp vì vẫn dựa trên quy định trong Mục 232.
Phát biểu ngày 31/10, ông Valdis Dombrovskis nói: “Đối với chúng tôi, thỏa thuận này không phải là điểm đến cuối cùng”. Ủy viên Thương mại EU nói thêm rằng: “Trên thực tế, đích đến là loại bỏ hoàn toàn các mức thuế quan theo Mục 232”. Trong một tuyên bố, Phòng Thương mại Mỹ đã nhắc lại quan điểm trên, cho rằng Washington nên từ bỏ “cáo buộc vô căn cứ rằng kim loại nhập khẩu từ Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh thân cận khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Về cơ bản, sự phản đối của EU là hoàn toàn hợp pháp vì hai bên đang bất đồng về khả năng tương thích của thỏa thuận thép với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù Mỹ không thể khiến EU rút lại hoàn toàn vụ kiện đối với việc áp thuế, nhưng Brussels đã đồng ý “đình chỉ” vụ việc này. EU cũng đưa ra một tuyên bố riêng để củng cố quan điểm rằng các biện pháp của Mỹ không phù hợp với các quy tắc toàn cầu.
Một quan chức EU lưu ý rằng tuần trước, một đại diện của EC đã mô tả thỏa thuận sắp tới với các nhà ngoại giao là một “hành động vô nghĩa dưới bất kỳ hình thức nào”. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao phương Tây khác lại bày tỏ quan điểm thực dụng hơn: “Đó là một việc làm vô nghĩa nhưng vẫn tốt hơn là một cuộc chiến gây mất tập trung. Về Mục 232, EU đã đồng ý với các hạn ngạch mà họ không hài lòng nhưng… họ đã thương lượng thành công một hạn ngạch lớn, có thể thúc đẩy tăng trưởng”.
Trước mắt, khoảng thời gian 2 năm cho ít nhất một phần của thỏa thuận đã cho thấy nguy cơ bất ổn. Hai bên sẽ cần có các cuộc đàm phán ngay sát cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Mỹ và sự kiện EC thay đổi lãnh đạo. Cả hai sự kiện này đều diễn ra trong năm 2024.
Minh Hải (theo Politico)
Sẽ mở lại các chuyến bay quốc tế vào năm 2022 |
Khách "ngại" mua sắm, cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại Hà Nội vắng tanh |
Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu được công nhận vận hành thương mại |