Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10/2019 đã giảm 9,9% so với một năm trước đó, và đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2011.
Những tác động tiêu cực từ thương chiến tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc, khi số liệu về lợi nhuận công nghiệp của ‘quốc gia tỷ dân’ được công bố hồi hôm 27/11. Tuy nhiên, số liệu trên cũng nói về khả năng lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc được phục hồi, trong trường hợp các mức áp thuế của Mỹ được dỡ bỏ như một phần thỏa thuận thương mại ‘bước 1’.
Bản thỏa thuận được cho là sẽ ‘làm dịu’ những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tới rất gần, khi một quan chức cấp cao Mỹ trả lời Politico rằng ‘chỉ còn vài milimét’ ngăn cách Mỹ-Trung đạt được bản thỏa thuận.
Và dù chưa rõ sẽ có bao nhiêu mức thuế được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận ‘bước 1’, song điều này sẽ dẫn tới việc Mỹ ngừng áp mức thuế 15% lên lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc có trị giá 156 tỷ USD, trong đó có nhiều sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh hay máy tính xách tay, dự kiến sẽ có hiệu lực trong ngày 15/12 tới.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 27/11 cho thấy, lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10/2019 đã giảm 9,9% so với một năm về trước, và đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được công bố trong năm 2011.
Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc |
Những ngành công nghiệp như hóa chất, giấy, hay linh kiện xe hơi đều giảm lợi nhuận ở mức 2 con số trong tháng 10/2019. Trong khi đó, các ngành công nghiệp thiên về xây dựng cơ sở hạ tầng, như kim loại hay các hoạt động khai thác mỏ, cung cấp thiết bị đường sắt, tàu thủy… lại có lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Các ngành công nghiệp chủ yếu phục vụ cho kinh tế nội địa Trung Quốc như đồ uống, thể thao, giải trí, và dược phẩm lại có sự tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, điều này phản ánh bước tiến ‘chậm mà chắc’ của vấn đề chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc.
“Sự phân chia về lợi nhuận giữa các ngành công nghiệp khác nhau sẽ vẫn tồn tại, cho tới khi các cuộc đàm phán thương mại đạt được sự cải thiện lớn. Và chúng ta sẽ đánh giá điều này khi các mức áp thuế được hủy bỏ”, SCMP trích lời nhà kinh tế Iris Pang thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính ING nói.
“Nếu các mức áp thuế chính được dỡ bỏ, thì ngành xuất khẩu sẽ được khôi phục, và bức tranh kinh tế cũng như lợi nhuận sẽ có sự thay đổi đột ngột. Nhưng hiện chúng tôi vẫn hoài nghi về triển vọng đáng kể của việc dỡ bỏ thuế”, bà Pang nói thêm.
Cho đến lúc đó, các ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về các mức thuế tăng cao, và điều này sẽ khiến tình hình thương chiến trở nên tệ hơn.
Nhiều ngành công nghiệp TQ đang phải đối mặt với các thách thức nan giải. Ảnh: Reuters |
“Tình hình hiện nay giống với năm 2015, khi thị trường chứng khoán đi xuống, nhưng bức tranh toàn cảnh có vẻ ảm đạm hơn. Doanh thu của các tập đoàn đi xuống, trong khi nạn đầu cơ tiếp tục tăng lên tại Trung Quốc, và điều này làm các chính sách của chính phủ khó có thể điều phối”, chuyên gia Alicia Garcia-Herrero thuộc ngân hàng doanh nghiệp Natixis nói.
“Những chính sách của chính phủ Trung Quốc không giúp các tập đoàn tư nhân kiếm lợi nhuận. Các tập đoàn tư nhân vốn chịu gánh nặng từ các khoản trả lãi, cũng như nạn đầu cơ tăng lên đã làm doanh thu của những tập đoàn này đi xuống”, bà Alicia nói thêm.
“Lợi nhuận công nghiệp của các tỉnh thành Trung Quốc vốn tập trung vào tốc độ và quy mô đều giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều nơi đang có những nỗ lực nhằm tái cơ cấu và điều chỉnh chất lượng, cũng như hiệu quả để đạt tạo ra ‘sức đề kháng’ với sự suy giảm lợi nhuận”, nhà nghiên cứu Zhang Yansheng thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế Quốc tế Trung Quốc nói.
“Trung Quốc nên biến những khuyết điểm thành ưu điểm, duy trì sự điềm tĩnh trong chiến lược của nước này. Nền kinh tế càng suy giảm, thì nước này càng cần nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả hơn nữa. Tiếp tục như vậy trong 3-5 năm, thì chúng ta sẽ thấy tính hiệu quả và chất lượng của các tập đoàn nhằm tiến tới những giai đoạn mới, và sau đó chúng ta sẽ không cần sợ nhũng tác động từ trong và ngoài Trung Quốc nữa”, ông Zhang kết luận.
Tuấn Trần
Sản xuất Trung Quốc đi xuống 6 tháng liên tiếp Số liệu chính thức công bố sáng nay (31/10) cho thấy chỉ số sản xuất (PMI) của Trung Quốc chỉ là 49,3 trong tháng 10. |
Donald Trump phủ đám mây đen, đe doạ niềm tự hào của Trung Quốc Sau hơn 70 năm tăng trưởng nhanh, nền công nghiệp đầy tự hào của Trung Quốc đang chững lại và được dự báo sẽ còn ... |
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6% trong Quý III/2019 Đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu chững lại khi tăng trưởng kinh tế Quý III/2019 chỉ tăng 6% - ... |