Dịp Tết Nguyên đán, người dân đi lễ đền chùa đầu năm và đến các khu vui chơi tại Thủ đô tăng mạnh, một số điểm trông giữ xe gần khu vực di tích, đền chùa đã “tát nước theo mưa”, tự ý tăng giá “cắt cổ”, kể cả những bãi trông giữ xe được cấp phép.
Bãi gửi xe trên phố Hồ Giám (Hà Nội) thu phí 20.000 đồng/xe máy.Ảnh: P.V
Trả phí gửi xe “tùy tâm”
Theo khảo sát của phóng viên, bãi gửi xe tại khu vực đường Thanh Niên - nơi có chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên và chùa Quán Thánh; phố Hồ Giám (Văn Miếu Quốc Tử Giám); xung quanh Hồ Gươm... đều thu mức phí gửi xe cao hơn quy định của thành phố.
Mùng 5 tết là ngày nghỉ lễ cuối cùng nên người dân đi du xuân đến những nơi như đền chùa và khu vui chơi ngày càng đông. Ở những khu vực này, hầu hết các bãi gửi xe đều xếp chật như nêm, rất nhiều khách hàng phải mướt mải mới tìm được chỗ gửi xe.
Ngoài ra, nắm bắt tâm lý chung của nhiều người dân khi đi du xuân, lễ chùa, mua bán không muốn mặc cả, để tránh cãi cọ, đen đủi trong năm mới nên nhiều điểm gửi xe đưa ra đủ “mánh khóe” tăng giá. Tại điểm gửi xe máy trên phố Đinh Tiên Hoàng, khách hàng dắt xe vào bãi, ghi vé và phải trả tiền mặt ngay. Khi phóng viên hỏi phí gửi xe hết bao nhiêu, người soát vé bình thản trả lời “tùy tâm”, tuy nhiên vẫn thu của khách hàng 10.000 đồng/lượt xe máy.
Đang loay hoay lấy xe khỏi khu vực này, chị Nguyễn Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng con gái lên Hồ Gươm vui chơi ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, chị than: “Ở đây thu giá vé xe máy 10.000 đồng/lượt cũng khá lâu rồi. Không muốn gửi ở điểm xa, dù đắt hơn quy định nên phải chấp nhận. Hơn nữa, thời điểm này hầu như bãi gửi xe nào cũng chật cứng”.
Ngoài ra, tại khu vực gửi xe ở Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), hàng trăm khách hàng ngậm đắng nuốt cay gửi xe với giá tăng gấp đôi so với ngày thường. Với hàng trăm lượt xe gửi mỗi ngày, số tiền thu cao hơn sẽ là con số không nhỏ, vậy nó vào túi ai?
Bãi gửi xe trái phép công khai
Bên cạnh các bãi gửi xe được cấp phép đã có sự buông lỏng trong việc kiểm soát thu phí, đáng nói hơn, vỉa hè, lòng đường tại một số con phố gần khu vui chơi, di tích, đền chùa nhan nhản mọc lên các bãi gửi xe không phép.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực vỉa hè, một phần lòng phố Hồ Giám (phường Văn Miếu) được biến thành nơi gửi xe. Ngay từ đầu con phố, 1 tấm biển kích cỡ lớn, đề dòng chữ “bãi gửi xe Văn Miếu” và vô tư niêm yết phí gửi 20.000 đồng/xe công khai.
Anh Nguyễn Tuấn (phố Đặng Tiến Đông, Đống Đa) cùng vợ và con đi xin chữ ở Văn Miếu cho biết: “Quan sát bãi gửi xe trong khu vực Văn Miếu chật ních ôtô, xe máy, để tiện lợi cho việc gửi xe, tôi đã gửi ở đây. Phí gửi gấp 4 lần so với quy định của thành phố, nhưng rộng rãi hơn nên vẫn hút người dân đến gửi. Nhiều khi, đầu năm, mọi người phóng khoáng hơn, không so đo, tránh phiền phức với các bãi gửi xe không phép này”.
Ngoài ra, mùng 5 Tết Nguyên Đán khai hội Gò Đống Đa. Hàng nghìn du khách đổ về lễ hội, ban tổ chức chuẩn bị khu vực gửi xe miễn phí. Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra cả ngày, với nhiều phần lễ, hội và trò chơi hấp dẫn. Tuy nhiên, gửi xe đến 13h trong ngày, du khách cũng mất phí 10.000 đồng/xe máy tại khu vực gửi xe có biển miễn phí. Không ít người thắc mắc, Ban tổ chức khẳng định, chỉ thu vé miễn phí đến 11h, sau đó là giờ bảo vệ phải trông xe thêm nên mất phí.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trông xe trái phép tràn lan, thu quá giá quy định là do quá thiếu các điểm đỗ, gửi phương tiện xung quanh các điểm di tích, tham quan. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng một số nơi “đến hẹn lại lên” phát sinh bãi giữ xe trái phép.
TP.Hồ Chí Minh: Ngang nhiên “chặt chém” trông giữ xe tại nội đô Sau khi có chỉ đạo dừng hoạt động các bãi xe do các phòng, ban UBND quận 1 quản lý trên vỉa hè các tuyến ... |
Tăng phí trông xe, ai được lợi? Từ đầu tháng 1 năm 2018 này, giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tăng gấp 3 lần. Theo ... |