Quốc gia bé nhỏ Djibouti đang chứng kiến cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi.

djibouti chien dia canh tranh my trung o luc dia den

Binh sĩ trên tàu chiến Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters.

Con đường đất ở cảng container Doraleh, Cộng hòa Djibouti, dẫn tới những tòa nhà cao tầng không quá đặc biệt. Nhưng đây là nơi diễn ra một cuộc tiếp xúc quân sự giữa hai siêu cường thế giới hồi đầu năm. Phái đoàn quân sự Trung Quốc ngồi ở phía xa bên phải của bục phát biểu, nơi Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Heidi Berg tuyên bố khai mạc cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu mang tên Cutlass Express. Tổ chức các cuộc tập trận chung như Cutlass Express là cách để Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) lôi kéo và duy trì đồng minh trong khu vực.

Nhưng ở Djibouti, một quốc gia nhỏ bé với dân số vỏn vẹn 884.000 người, vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực Biển Đỏ và cả trên toàn châu Phi, Trung Quốc đang phô trương tầm ảnh hưởng và quân đội nước này đang nỗ lực cạnh tranh nhằm lôi kéo đối tác của Mỹ.

Năm 2017, quân đội Trung Quốc (PLA) khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Khu phức hợp nằm ở vị trí đắc địa, cạnh một trong những cảng biển quan trọng của Djibouti và chỉ cách căn cứ thường trực duy nhất của quân đội Mỹ trên lục địa châu Phi, Lemonnier, khoảng 15 phút lái xe.

Lemonnier có ý nghĩa chiến lược đối với các sứ mệnh quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Nó đóng vai trò như khu vực phát động các hoạt động tình báo và chống khủng bố của Mỹ ở châu Phi và cả bên ngoài lục địa này. Một quan chức giấu tên từ AFRICOM cho biết việc PLA hiện diện ở châu Phi đang trở thành mối lo ngại chiến lược lâu dài đối với Mỹ.

"Họ (Trung Quốc) rõ ràng đã nâng tầm cuộc chơi và rốt cục, họ đang cung cấp những thứ mà các đối tác của chúng tôi muốn", quan chức từ AFRICOM nói. "Có những nơi ở châu Phi, chúng tôi lo ngại sẽ bị Trung Quốc vượt mặt".

Tuy nhiên, tại nơi chuẩn bị diễn ra cuộc tập trận, hai bên đều dành cho nhau sự tôn trọng ngoại giao. Đêm trước khi tiến hành cuộc tập trận Cutlass Express, các quan chức quân đội Trung Quốc đã mời Chuẩn đô đốc Berg và phái đoàn của bà lên một tàu khu trục Trung Quốc neo ở cảng gần đó. Đây cũng là lần đầu tiên Berg chào đón chỉ huy căn cứ PLA ở Djibout Lương Dương đến dự lễ khai mạc cuộc tập trận Cutlass Express.

"Chúng tôi không bị bó hẹp trong quan điểm rằng châu Phi là một sân khấu và là đấu trường để chúng tôi giành điểm với Trung Quốc. Chúng tôi đang đầu tư ở đây và trọng tâm của chúng tôi là xây dựng sức mạnh cho các đối tác châu Phi", Berg nói.

djibouti chien dia canh tranh my trung o luc dia den

Cảng container Doraleh của Cộng hòa Djibouti. Ảnh: CNN.

Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh rằng ông đang theo đuổi "mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện" với châu Phi và sẽ cấp 60 tỷ USD viện trợ, đầu tư và các khoản vay cho châu Phi.

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã mở rộng các mối quan hệ hợp tác quân sự ở châu Phi thông qua những sứ mệnh gìn giữ hòa bình, đào tạo quân nhân chuyên nghiệp cùng diễn đàn Sáng kiến An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi. Năm 2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti là một phần trong nỗ lực nhằm giúp mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực.

"Hoàn tất và vận hành căn cứ này sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của mình... Điều đó cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở Djibouti," người phát ngôn nói.

Mỹ trong khi đó xem căn cứ PLA lập nên như một cái gai vì nó nằm gần căn cứ Lemonnier và cảng container chính của Djibouti, cầu nối cho nguồn tiếp tế chủ yếu, giúp duy trì lực lượng khoảng 4.000 binh sĩ Mỹ ở căn cứ Lemonnier.

"Một thực tế không có gì bí mật là khoảng 98% hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ Mỹ ở Djibouti, cũng như Somalia và Đông Phi, đi qua cảng đó", tướng Thomas Waldhauser, tư lệnh AFRICOM, cho hay. "Nó là một trong 5 thực thể trong toàn bộ cảng Djibouti, vì vậy, việc tiếp cận cảng này với chúng tôi là điều cần thiết và bắt buộc".

Mất quyền tiếp cập cảng container sẽ là một đòn giáng nặng nề đối với lợi ích và hoạt động của Mỹ trong khu vực. Kịch bản trên có thể xảy ra nếu Trung Quốc giành quyền kiểm soát các cảng của Djibouti bằng thỏa thuận xóa nợ. Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 80% tổng nợ của Djibouti.

Lina Benabdallah, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung Quốc - châu Phi thuộc Đại học Wake Forest, Mỹ, cho rằng dù Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đều có căn cứ trong khu vực, căn cứ do Bắc Kinh thiết lập ở Djibouti dường như "trêu ngươi" Washington trong bối cảnh nỗi lo về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Mỹ ngày càng gia tăng.

Trung Quốc gần đây đẩy mạnh củng cố mối quan hệ quân sự đã tồn tại trong nhiều thập kỷ với các nước châu Phi bằng cách mở rộng các chương trình huấn luyện và tăng doanh số bán vũ khí cho họ. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc giờ đây là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho khu vực Hạ Sahara, chỉ đứng sau Nga và nước này cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Bắc Phi, sau Nga và Mỹ.

Nhưng điều khiến Mỹ lo ngại hơn cả là hoạt động cho vay của Trung Quốc ở châu Phi. Từ năm 2000, các nước châu Phi đã vay khoảng 130 tỷ USD từ Trung Quốc, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Số lượng các khoản vay đã tăng gấp ba kể từ năm 2012, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

"Đây là một tiền đề cho chiến lược của Trung Quốc. Lịch sử cho thấy nếu bạn chủ động định hình môi trường, định hình chiến trường tiềm tàng, kẻ thù sẽ không dám bước ra khiêu chiến. Các khoản cho vay thực sự có khả năng giúp Trung Quốc làm được điều đó", Gabriel Collins, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu China SignPost, nhận xét.

Năm ngoái, trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc "Trung Quốc sử dụng tiền hối lộ, các thỏa thuận hợp tác mờ ám và những khoản cho vay chiến lược để khống chế các quốc gia châu Phi làm theo yêu cầu từ Bắc Kinh".

Việc Mỹ lo ngại mất quyền tiếp cận cảng container ở Djibouti có thể bắt nguồn từ tiền lệ ở Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka đã giao quyền kiểm soát một cảng biển lớn cho Trung Quốc sau khi mất khả năng thanh toán khoản vay lớn từ Bắc Kinh.

Chính phủ Sri Lanka đã vay 1,5 tỷ USD của Trung Quốc để phát triển cảng Hambantota nhưng dự án này lại thất bại về mặt kinh tế vì không thu hút được các tàu ghé vào. Để giảm bớt gánh nặng nợ nần, Sri Lanka đồng ý bàn giao quyền kiểm soát cảng cho Trung Quốc theo một hợp đồng cho thuê trong 99 năm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi không kèm theo bất kỳ ràng buộc chính trị nào và cũng không ít lần bác bỏ cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng một chiến lược được gọi là "ngoại giao bẫy nợ".

Nhà chức trách Djibouti nhấn mạnh họ sẽ duy trì quyền kiểm soát các cảng của đất nước và đến nay, chính phủ đã bảo đảm tốt việc trả những khoản vay.

"Nguồn vốn vay chủ yếu đến từ Trung Quốc nhưng chúng tôi sở hữu các khoản đầu tư, chúng tôi sở hữu tài sản, bao gồm một cảng biển, một tuyến đường sắt, một khu vực thương mại tự do. Chúng tôi sở hữu hai phần ba các khoản đầu tư của mình", Aboubaker Omar Hadi, chủ tịch Cơ quan Quản lý các Khu vực Thương mại Tự do và Cảng biển Djibouti, cho biết.

Song Hadi cũng nhận thức rõ những rủi ro khi phụ thuộc vào Trung Quốc. "Chúng tôi không muốn chỉ phụ thuộc vào một bên, một lục địa, một quốc gia", Hadi nói sau chuyến công du châu Á và châu Âu để kêu gọi đầu tư.

Hadi giận dữ với ý kiến cho rằng Djibouti và những nước khác ở châu Phi đang mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh giằng co giữa các siêu cường. "Thế giới, dù là phương Đông, phương Tây, phương Bắc hay phương Nam, cần hiểu rằng chúng tôi sẽ tự quyết định vận mệnh của mình và mọi người đều được chào đón", ông nói.

Lập trường chính phủ Djibouti đưa ra không thể giúp trấn an những người hoài nghi cho rằng chương trình đầu tư của Trung Quốc là bình phong cho một động cơ thâm sâu hơn nhằm thiết lập hiện diện quân sự trên toàn thế giới.

"Về lý thuyết, nếu Trung Quốc tiếp tục tự do bành trướng cả về quân sự và kinh tế, trong khi chúng tôi không cạnh tranh để bảo vệ tầm ảnh hưởng của mình, hậu quả có thể là chúng tôi bị gạt ra khỏi những khu vực đó và mất khả năng giải quyết những gì chúng tôi xem là các lợi ích quốc gia liên quan đến chống khủng bố ở châu Phi", quan chức giấu tên từ AFRICOM cho hay.

"Trung Quốc đã hiện diện (ở châu Phi) hơn hai thập kỷ qua và họ hoạt động một cách rất khôn khéo, với các mạng lưới và mối quan hệ thực sự gần gũi được thiết lập qua nhiều năm", phó giáo sư Benabdallah nhận xét.

Gabriel Collins, đồng sáng lập China SignPost, nhận định quyền lực mềm từ lâu đã là một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mỹ và chính quyền hiện tại cần có cách tiếp cận đa phương đối với các mối quan hệ ở châu Phi.

"Với chi phí tương đương số tiền mua một máy bay không người lái hoặc một chiến đấu cơ, bạn có thể thành lập nhiều trường đại học và vẫn sẽ còn tiền để hỗ trợ các cơ sở này trong dài hạn", ông nói. "Nó không tạo ra thành quả tức thì đối với những người thiếu kiên nhẫn hay một số lãnh đạo nóng vội trong chính quyền hiện tại của chúng ta, nhưng nếu thực hiện chiến lược tập trung vào gốc rễ, trong 10 năm tới, chúng ta sẽ nhận được các khoản lợi khổng lồ từ đó".

djibouti chien dia canh tranh my trung o luc dia den

Vị trí Cộng hòa Djibouti. Đồ họa: CNN.

djibouti chien dia canh tranh my trung o luc dia den Lầu Năm Góc: Trung Quốc quân sự hóa biển Đông quá mức

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cáo buộc hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc đã diễn ra “quá mức ...

djibouti chien dia canh tranh my trung o luc dia den “Máy bay ngày tận thế” của Mỹ và Nga

Mỹ gọi máy bay Boeing E-4B "Nightwatch" là “máy bay ngày tận thế”, giống như một Lầu Năm Góc dự phòng; trong khi Nga cũng ...

/ https://vnexpress.net