Nhiều huyện của thành phố Hồ Chí Minh hiện có tốc độ đô thị hóa cao và thành phố đã có lộ trình đưa các huyện này lên quận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc phát triển đô thị không chỉ là nâng cấp cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất là xây dựng “Con người đô thị”, thích ứng với tình hình mới.
- Hà Nội: Sắp giới thiệu Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc để xúc tiến đầu tư
- Càng đô thị hóa, con người càng dễ bị ung thư
Huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) triển khai nhiều chính sách đồng bộ để thích ứng với tốc độ đô thị hóa cao, bao gồm cả phát triển “Con người đô thị”.
Môi trường mới, con người mới
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 5 huyện gồm: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ. Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng dân số ở 5 huyện này đang rất nhanh (đạt bình quân trên 3,84%/năm trong giai đoạn 2016-2020), dẫn đến diện tích đất ở tại khu vực nông thôn tăng nhanh (đất ở nông thôn tăng bình quân trên 3,04%/năm; đất ở đô thị tại các huyện tăng 1,56%/năm). Việc này dẫn đến hạ tầng quá tải, do không còn trong quy chuẩn nông thôn; bộ máy hành chính quản lý địa bàn cũng không còn phù hợp.
Ông Vũ Đăng Khánh ngụ tại khu căn hộ Sunrise Riverside (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), chia sẻ: “Khu căn hộ Sunrise Riverside có quy mô không kém gì những khu chung cư lớn ở nội thành nhưng vẫn đang được quản lý, vận hành như một thôn của xã, nên nhiều vấn đề không phù hợp thực tế”. Tương tự, bà Võ Thúy Ái ngụ tại khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) nhận xét: “Trên thực tế, khu dân cư Trung Sơn là khu đô thị hoàn chỉnh, nhưng nhiều người dân vẫn đang giữ nếp sinh hoạt trước đây, như đổ rác không đúng chỗ; gây tiếng ồn nơi công cộng…”.
Cũng theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu ngẫu nhiên với 800 hộ gia đình tại 5 huyện cho thấy, tính “thích ứng” trong sinh kế, thay đổi việc làm của người dân trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh còn khá thấp. Trong đó, chỉ số hài lòng về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thu gom rác là thấp nhất.
Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi từ huyện lên quận, thay đổi môi trường sống từ nông thôn sang thành thị, con người phải đối mặt với các rủi ro lớn, như: Tỷ lệ hộ nghèo đô thị tăng; tình hình vi phạm hành chính, tai nạn giao thông có thể gia tăng; tình trạng “bần cùng hóa” sau khi nhận bồi thường từ thu hồi đất, một số hộ dân không tiết kiệm, tiêu xài lãng phí. Người dân còn phải đối mặt với rủi ro về tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra nhiều hơn. Không kể, giá đất tăng, gây xáo trộn cuộc sống người dân. Rồi khó khăn về thủ tục hành chính, do thay đổi địa danh. Tiếp đến là thay đổi sinh kế, nghề nghiệp, cần đào tạo lại, nâng cao trình độ; sự thay đổi nếp sống hằng ngày ở nông thôn.
Tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, nếu không đầu tư xây dựng “Con người đô thị”, cho dù các huyện có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện “rào cản” rất lớn, do không có sự tương đồng giữa một xã hội tương đối hiện đại với những con người phù hợp môi trường đó.
Chuyển hóa song song 5 vấn đề
Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi huyện lên quận cần tiến hành chuyển hóa song song 5 vấn đề, gồm: Kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị, con người đô thị và quản lý nhà nước. Trong đó, yếu tố “Con người đô thị” có ý nghĩa quan trọng và phải tương thích với quá trình phát triển của 4 vấn đề còn lại, để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của các mô hình quản lý đô thị, kinh tế đô thị và cơ sở hạ tầng đô thị.
Cụ thể, người dân cần có thời gian, lộ trình và điều kiện thích ứng với môi trường sống mới. Đơn cử, cần tăng cường khả năng thích ứng về sinh kế, bằng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bao gồm cả việc tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp đô thị; phát triển các ngành nghề dịch vụ và doanh nghiệp… để tạo thêm việc làm cho người dân.
“Quan trọng, lâu dài và hiệu quả nhất vẫn là đầu tư về chính sách giáo dục, để người dân được đào tạo, nâng nhận thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. Điển hình là việc cùng với tăng cường cơ sở vật chất, y tế tại những nơi sắp lên quận, người dân cần được tăng cường khả năng tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn lớn có được sau đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế bền vững”, Tiến sĩ Dư Phước Tân nhận định.
Trên thực tế, một số huyện của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các phần việc nêu trên, điển hình là huyện Nhà Bè. Trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện đã phê duyệt và đang thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của huyện trong nhiệm vụ đầu tư và xây dựng hình thành nên "Con người đô thị" ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy tiến độ chuyển huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước nhấn mạnh.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1052781/do-thi-hoa-can-con-nguoi-do-thi