Hành vi đổ xăng nhưng chưa kịp đốt nhà có phạm tội không?

Phạm Quỳnh A. (SN 1986) và Hoàng Quốc Q. (SN 1981) lập gia đình và đã có 2 người con. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, Q. và A. luôn xảy ra mâu thuẫn do Hoàng Quốc Q. thường xuyên bỏ bê công việc, gia đình để tụ tập, uống bia rượu với bạn bè. Do mâu thuẫn không thể hòa giải nên Phạm Quỳnh A. đã chủ động ly hôn với Hoàng Quốc Q.

Cho rằng anh Phạm Văn T. (anh trai của Phạm Quỳnh A.) đã xúi bẩy em gái ly hôn mình, khoảng 3h sáng 5-7, Hoàng Quốc Q. đã thuê Trương Anh H. mang xăng đến đốt nhà anh T. Tuy nhiên, Trương Anh H. mới chỉ đổ xăng quanh nhà anh Phạm Văn T., chưa kịp đốt thì bị lực lượng dân phòng phát hiện và bắt giữ. Vấn đề đặt ra là hành vi đổ xăng nhưng chưa kịp đốt nhà của Trương Anh H. có phạm tội không?

do xang nhung chua kip dot nha co pham toi khong

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Trong vụ việc này có thể thấy rõ rằng, khi thực hiện hành vi đổ xăng quanh nhà anh Phạm Văn T. để đốt, Hoàng Quốc Q. và Trương Anh H. đã nhận thức rõ hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người. Việc Q. và H. chọn thời điểm và cách thức thực hiện tội phạm đã thể hiện rõ điều đó. Q. đã bàn bạc với H. mang xăng đến đốt nhà anh H. vào lúc 3h sáng, vào thời điểm này, hầu như mọi người đang ngủ, rơi vào trạng thái không thể nhận thức được. Mặt khác, đây lại là hành vi đốt nhà bằng xăng nên sẽ làm hỏa hoạn xảy ra nhanh và mạnh hơn, hành vi mang tính nguy hiểm rất cao, nếu gia đình anh H đang ngủ thì nạn nhân sẽ khó mà thoát thân được. Do đó, khó có thể tránh khỏi hậu quả là nguy hiểm đến tính mạng. Q. và H. hoàn toàn có thể nhận thức được điều này nhưng vẫn cố tình thực hiện. Mặc dù chưa kịp thực hiện hành vi này thì đã bị dân phòng phát hiện nhưng theo tôi, vẫn phải xử lý Q. và H. về tội giết người.

Vũ Anh Tuấn (Đại Từ - Thái Nguyên)

Hành vi hủy hoại tài sản

Trong tình huống này, Hoàng Quốc Q. đã có hành vi thuê Trương Anh H. mang xăng đến đốt nhà anh Phạm Văn T. Nếu Q. và H. thực hiện trót lọt được hành vi của mình, có thể sẽ gây ra hậu quả cháy nhà. Mặc dù H. mới chỉ tưới xăng quanh nhà anh T. và chưa kịp châm lửa đốt, nhưng đây rõ ràng là hành vi hủy hoại tài sản. T. đã thực hiện hành vi đốt nhà với lỗi cố ý trực tiếp. Bởi khi được Q. thuê đốt nhà, T. hoàn toàn ý thức được hành vi của mình gây ra là rất nguy hiểm, có thể biết được hậu quả sẽ xảy ra là rất nghiêm trọng nhưng vẫn nhận lời và thực hiện, mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích đốt nhà của H. với động cơ là vì tiền. Dù chưa thực hiện được ý định của mình nhưng H. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Thúy Quỳnh (Đông Anh - Hà Nội)

Không phạm tội

Trong vụ việc này cả Hoàng Quốc Q. và Trương Anh H. đều không phạm tội. Mặc dù H. được Q. thuê để đổ xăng đốt nhà anh Phạm Văn T., nhưng khi H. thực hiện ý định của mình thì đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Hơn nữa, trong vụ việc này hành vi của H. chưa xảy ra hậu quả thiệt hại về người cũng như tài sản nên Hoàng Quốc Q. và Trương Anh H. không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy Q. và H. chỉ phải bị xử phạt hành chính.

Nguyễn Văn Hùng (Mộc Châu - Sơn La)

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này, Trương Anh H. chưa kịp đốt nhà anh Phạm Văn T. thì đã bị bắt nên chưa có hậu quả đối với tính mạng, sức khỏe của gia đình anh T. nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm về tội giết người. Căn cứ theo nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định, hành vi của Trương Anh H. dừng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành đối với tội hủy hoại tài sản.

Điều 18, Bộ luật Hình sự có quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Theo quy định của pháp luật, điều kiện của phạm tội chưa đạt là:

Thứ nhất về thời điểm: Thời điểm bắt đầu của giai đoạn phạm tội chưa đạt là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Thời điểm kết thúc của phạm tội chưa đạt là thời điểm hành vi phạm tội phải dừng lại khi nó chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Bao gồm một trong các trường hợp sau: Can phạm đã thực hiện hành vi đi liền trước hành vi khách quan; can phạm chưa thực hiện hết các hành vi khách quan đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức mà có nhiều hành vi khách quan (ví dụ tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản can phạm mới thực hiện được hành vi bắt cóc con tin); can phạm đã thực hiện hết hành vi khách quan nhưng hậu quả chưa xảy ra với cấu thành tội phạm vật chất (ví dụ tội trộm cắp tài sản nhưng chưa lấy được tài sản).

Thứ hai, về tâm lý: Việc can phạm phải dừng lại ở thời điểm trên là do các nguyên nhân khách quan. Các nguyên nhân ấy có thể là do: Nạn nhân tránh được, hoặc bị người khác ngăn chặn, hoặc không có đối tượng tác động, hoặc công cụ, phương tiện vô hiệu như đạn không nổ, thuốc độc không có giá trị sử dụng.

Căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm hình sự trong phạm tội chưa đạt được quy định như sau:

- Điều 18, Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.

- Khoản 2, Điều 52, Bộ luật Hình sự quy định giống như giai đoạn chuẩn bị tội phạm. Đó là: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng”.

- Khoản 3, Điều 52, Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Căn cứ vào thái độ, tâm lý của người phạm tội đối với việc chưa đạt, phân ra 2 loại phạm tội như sau: Thứ nhất, phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi). Thứ hai, phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành: Là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi).

Từ những phân tích đã đưa ra, ta thấy hành vi của Trương Anh H. đã thỏa mãn các dấu hiệu thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, đó là:

Thứ nhất: Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trong tình huống này, H. đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan, cụ thể là đổ xăng quanh nhà anh Phạm Văn T. để chuẩn bị đốt nhà anh T.

Thứ hai: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng (về mặt pháp lý), nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Những trường hợp hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây:

- Chủ thể chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới chỉ thực hiện được “hành vi đi liền trước”.

- Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm.

- Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết.

- Hậu quả thiệt hại tuy đã xảy ra nhưng không có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan mà chủ thể đã thực hiện.

Theo nội dung vụ việc thì thấy, H. đã thực hiện được hành vi khách quan là đổ xăng quanh nhà anh T. nhưng chưa thực hiện hết: Chưa kịp châm lửa đốt thì đã bị dân phòng phát hiện và bắt giữ.

Thứ ba: Người phạm tội không thực hiện được tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do: Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được; Người khác đã ngăn chặn được; Có những trở ngại khác.

Đối chiếu với vụ việc thì thấy, H. không thực hiện được tội phạm đến cùng là do nguyên nhân ngoài ý muốn: bị dân phòng phát hiện và bắt giữ chứ bản thân H. vẫn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng để đạt được mục đích của mình.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy hành vi của H, chưa thực hiện hết và hậu quả chưa xảy ra nên có thể khẳng định giai đoạn phạm tội của H. là giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Đối với Hoàng Quốc Q., trong trường hợp phạm tội này, H. và Q. là đồng phạm. Khoản 1, Điều 20, Bộ luật Hình sự quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm”. Q. là người đã thuê H. đốt nhà, là người vạch sẵn kế hoạch, là người xác định thời gian, địa điểm để H. thực hiện tội phạm, H. chỉ làm theo yêu cầu của Q., như vậy Q. đóng vai trò là người tổ chức thực hiện tội phạm. Về lý trí, Q. nhận thức được hành vi của mình và H. là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả xảy ra, Q. cũng mong muốn H. thực hiện tội phạm. Về ý chí, Q. mong muốn hậu quả xảy ra vì động cơ trả thù của mình. Hành vi của Q. là lỗi cố ý trực tiếp. Bởi vậy, Q. cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

(http://anninhthudo.vn/phap-luat/do-xang-nhung-chua-kip-dot-nha-co-pham-toi-khong/740808.antd)

Báo điện tử An ninh Thủ đô