52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, chuyên gia cho rằng cơ hội hợp tác tuy vô cùng lớn nhưng muốn khai thác hiệu quả không hề đơn giản.

Chuyên gia nhận định các doanh nghiệp Mỹ đang rất muốn tìm hiểu, muốn đầu tư vào Việt Nam và coi Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn để hợp tác kinh doanh.

Cơ hội vô cùng lớn

Trả lời VTC News, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hàng năm, đều có đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tới Việt Nam, nhưng có lẽ, chưa bao giờ quy mô lớn như năm nay. Có tới 52 doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng…đã tới Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam.

“Đây là điềm lành trong thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp Mỹ muốn tìm hiểu, muốn đầu tư và Việt Nam phải có chính sách thông tin để đáp ứng, giúp họ tìm hiểu một cách thuận lợi nhất”, ông Thanh nói.

Đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam: Đón 'đại bàng' cách nào cho hiệu quả? - 1

Kinh tế Việt Nam đang gây được ấn tượng tốt với phái đoàn doanh nghiệp Mỹ. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành cũng lạc quan khi tin rằng, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây đã có những bước phát triển nhanh chóng và có thể tăng gấp 5, gấp 10 lần hiện tại nếu chúng ta có chính sách thích hợp. "Ví dụ như Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư về thể chế chính sách, cơ sở pháp lý, hạ tầng...Đó không phải là công việc trong ngày một, ngày hai mà cần có thời gian”, ông Thành dẫn giải.

Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua, doanh nghiệp Mỹ cũng nằm trong top 10 các nước đến đầu tư tại Việt Nam nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Vì thế, việc phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này là tín hiệu rất tích cực và phù hợp với định hướng phát triển của chúng ta.

Theo ông Thành, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng đang diễn ra thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn và thuận lợi cả về địa chính trị, thể chế chính sách, môi trường đầu tư, do đó đã thu hút các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.

“Tuy nhiên, chúng ta phải hiện thực hóa và cải cách thể chế một cách tích cực hơn nữa, gia tăng sự tương tác, hiểu biết hơn nữa thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những bước tiến tích cực trong việc thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư”, ông Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Khai thác "mỏ vàng" cách nào?

Nêu quan điểm với VTC News, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tuy đang đối diện với cơ hội vô cùng tốt nhưng để khai thác hiệu quả thì không phải chuyện đơn giản và Việt Nam cần sớm chuẩn bị kỹ càng, nếu không thì chuyện tốt có thể vụt khỏi tầm tay.

Ông Doanh hiến kế: “Doanh nghiệp Việt Nam, chính sách của Việt Nam cũng phải tìm hiểu Mỹ nhiều hơn nữa để đáp ứng trúng nhu cầu của họ. Đồng thời chúng ta cũng cần thể hiện rõ vai trò, vị thế cũng như chính sách thu hút đầu tư với Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài khác”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Văn Thanh cho rằng: Doanh nghiệp Mỹ đã thấy trên báo chí, trên thông tin đại chúng chính sách của Việt Nam, nhưng họ cũng cần mắt thấy, tai nghe hướng triển khai cụ thể của chúng ta như thế nào. Và chúng ta phải chủ động thông tin, thể hiện với họ: “Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, cho họ thấy chính sách tích cực của chúng ta trong bối cảnh hội nhập. Cần phải xác định được chúng ta có điều kiện thuận lợi gì để giới thiệu, phải chứng minh được môi trường đầu tư của Việt Nam rất thuận lợi, ổn định và nhiều tiềm năng".

Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam đang có ưu thế về nhân công lao động, thị trường, vấn đề kết nối với thế giới và các Hiệp định thương mại...Bên cạnh đó là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ, sự ổn định về môi trường đầu tư kinh doanh. "Tuy nhiên, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung phải được Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu kỹ để đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp thì phải chú trọng để đảm bảo mọi dự án đạt hiệu quả, gắn với phát triển bền vững, phải chuyển từ số lượng sang chất lượng”, ông Võ Trí Thành nói.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành khuyến cáo: “Muốn lấy được niềm tin của nhà đầu tư ngoại, chúng ta phải tối kỵ việc trễ nải các thủ tục hành chính, hạn chế nhũng nhiễu và theo đúng quy định của họ, ngăn chặn triệt để những tiêu cực có thể xảy ra”.

Việt Nam là điểm đến cho sự phát triển và cơ hội

Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bất ngờ trước sự phát triển của kinh tế Việt Nam. “Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chưa bao giờ bận rộn như thế. Trước đây nhiều công ty chưa tiếp xúc với Việt Nam nhưng bây giờ nhu cầu đó đối với chúng tôi rất cao. Mức tăng trưởng 8% của các bạn được rất nhiều công ty quan tâm...Gần đây, tôi đã có những cuộc trò chuyện mà trước đây tôi không thể tưởng tượng được, đại diện của các nước ASEAN khác nói rằng họ phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam. Vài thập kỷ trước họ không nói vậy, nhưng giờ đây họ đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội.

Một trong những điều chúng tôi cũng có thể thấy được là các chính sách của Việt Nam đã cải thiện và đa dạng hóa”, ông Ted Osius nói.

Theo Chủ tịch USABC, đã có rất nhiều cuộc thảo luận ngay trong ngày đầu tiên về chuỗi cung ứng, về chất bán dẫn, thực phẩm, nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính và ngân hàng, y tế, năng lượng sạch, quốc phòng, hàng không vũ trụ, du lịch và hậu cần.

Ông Osius cũng nhận định đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng và tính đến năm 2022, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

https://vtc.vn/doan-doanh-nghiep-my-den-viet-nam-don-dai-bang-cach-nao-cho-hieu-qua-ar759859.html

PHẠM DUY / VTC News