Tâm lý thắt chặt chi tiêu tiếp tục bao trùm thị trường hàng hóa Tết năm nay. Doanh nghiệp sản xuất, các hộ kinh doanh và siêu thị đều dè dặt nhập hàng, khác hẳn với mọi năm.

Thận trọng trước phản ứng thị trường

Vừa trở về từ hội chợ được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai hỗ trợ kết nối cung cầu tại tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương (Lào Cai) chia sẻ: "Nếu mọi năm có bao nhiêu đặc sản miền Bắc cũng đều hết hàng thì năm nay, doanh thu không đủ tiền cho nhân viên sinh hoạt trong 3 ngày diễn ra hội chợ".

Bà Hương cho biết, hằng năm tầm đầu tháng 10, hợp tác xã đã huy động cả chục nhân công làm hàng Tết. Số lượng năm sau đều cao hơn cùng kỳ, nhưng năm nay câu chuyện lại rất khác.

Như mặt hàng đắt khách nhất là thịt trâu gác bếp, hằng năm từ tháng 10 đến Tết Nguyên đán, mỗi tháng trung bình cơ sở của bà tiêu thụ khoảng 600kg. Năm nay, sản lượng giảm xuống còn 200kg. Lượng hàng bán từ đầu năm đến nay cũng giảm hơn 50%.

Doanh nghiệp dè dặt với hàng Tết - Ảnh 1.

Siêu thị Big C làm mới không gian trưng bày, chuẩn bị cho mua sắm cuối năm

Tâm lý thận trọng với hàng Tết cũng xuất hiện ở các doanh nghiệp, siêu thị lớn. Đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến… Tổng giá trị hàng hóa dự trữ đạt hơn 540 tỷ đồng, giảm so với mức tăng trưởng dự trữ khoảng 5 - 10% mỗi năm.

Tương tự, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày. "Mùa Tết trước, chúng tôi tăng 20% lượng trứng nhưng năm nay phải cân nhắc kỹ để giảm 20%", lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho biết, sức tiêu thụ trứng trong 10 tháng qua giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Qua phân tích thị trường, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam nhận định, người dân sẽ không chi tiền ồ ạt 3 - 4 tuần trước Tết như khi chưa xảy ra dịch Covid-19: "Sẽ không còn cảnh đi siêu thị và chất đầy giỏ hàng, khách hàng sẽ cân nhắc mua từ từ, mua vừa phải, thiếu gì thì mua đó.

Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam rất lạc quan nhưng gần đây tâm trạng chung là chi tiêu dè sẻn hơn. Ngay cả các hộ gia đình dù không bị giảm thu nhập cũng cắt giảm chi tiêu".

Đồng loạt "kìm" giá bán

Trước bối cảnh trên, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng Công ty Acecook Việt Nam chưa tăng giá, thậm chí còn giảm thêm 5%. Đây là chiến lược của công ty, khi dự báo dịp Tết năm nay, khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm.

Tìm cách hạ giá sản phẩm cũng là xu hướng chung của hầu hết các doanh nghiệp trong dịp Tết năm nay. Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An cho hay, ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10 - 20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và 30% một số nhóm hàng cho khách mua sắm Tết muộn.

Giữ giá để giữ khách dịp Tết cũng là cách mà Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo sẽ áp dụng. Theo đại diện doanh nghiệp, kinh nghiệm để thu hút khách hàng hiện nay là hàng hóa phải có chất lượng tốt, bao phủ thị trường, giá phải chăng.

Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước dự báo khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, siêu thị tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu, mức giá bán ra luôn ổn định, nhiều mặt hàng liên kết giảm giá sâu từ 30 - 50%.

Doanh nghiệp dè dặt với hàng Tết - Ảnh 2.

Doanh nghiệp sản xuất, các hộ kinh doanh và siêu thị đều dè dặt nhập hàng

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, siêu thị cố gắng giữ giá, kể cả những mặt hàng thời gian qua biến động mạnh như gạo. Đồng thời, siêu thị tiếp tục tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ nay tới Tết.

Nhận định thị trường có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp từ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng.

"Để đối phó với những thay đổi, doanh nghiệp cần chú ý tới chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống dịch vụ để người tiêu dùng thêm hài lòng. 

Doanh nghiệp phải có sự thích ứng với những thay đổi, đó là điều quan trọng nhất hiện nay", bà Hạnh nói và lưu ý việc kích cầu tiêu dùng nội địa. Sức mua quyết định tỷ lệ lớn trong tăng trưởng kinh tế của cả doanh nghiệp và đất nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ, suốt thời gian qua, sở thường xuyên tổ chức ký kết, hợp tác với nhiều tỉnh, thành để đưa nông sản an toàn tiêu thụ tại TP.HCM, trong đó, chú trọng đến việc đàm phán bình ổn giá.

Trong quý III, sở đã tham mưu UBND TP.HCM tổ chức tháng khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với trên 7.000 chương trình giảm giá sâu, có mặt hàng giảm giá 80 - 100%. Chương trình sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Tại Hà Nội, để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ tổ chức các điểm bán hàng với giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Bộ Công thương đánh giá, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, năm nay, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.

https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-de-dat-voi-hang-tet-192231114153012665.htm

Hồng Hạnh / Giao thông