Nguyên nhân khiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực sự thu hút nhà đầu tư chiến lược vì DNNN quản lý kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn.
Với mục đích hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong các DN cổ phần hóa, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tiến hành nghiên cứu độc lập về thực trạng, nguyên nhân những bất cập trong việc thu hút cổ đông chiến lược trong quá trình này. Từ đó đề xuất những giải pháp về mặt chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn trong các DNNN.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân khiến cổ phần hóa DNNN chưa thực sự thu hút nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề, lĩnh vực.
Việc xác định DN và giá bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng đúng giá trị thực của DN cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chiến lược e ngại.
Theo các chuyên gia kinh tế, các DNNN kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải, quản lý kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn, cộng thêm thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yếu tố yêu cầu khó khả thi.
Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, một trong những giải pháp đạt mục tiêu và hiệu quả cổ phần hóa, nâng cao chất lượng quản trị DN cổ phần hóa là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, nhất là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế.
“Các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại nguồn tài chính mới mà còn tăng giá trị gia tăng cho DN như công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới, giúp DN tăng trưởng, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, TS Cung nói.
TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị một số giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào cổ phần hóa.
Theo đó, cần có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối. Việc định giá DN cần tiến hành độc lập dựa trên các cơ sở pháp luật hiện hành. Giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của DN. Và các thông tin DN cần công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của DN trước khi tham gia đấu thầu.
http://laodong.vn/tien-te-dau-tu/doanh-nghiep-nha-nuoc-bi-nha-dau-tu-quoc-te-che-vi-no-dong-cao-thieu-nang-luc-chuyen-mon-573055.ldo