Nền kinh tế Việt Nam nhỏ lẻ, không theo quy tắc nào, nhất là DNNN thường dựa dẫm vào lợi ích nhóm, bề nổi để ăn ngay.
Khi chỉ ra những thách thức mà nhà đầu tư nước ngoài thường gặp phải khi đánh giá đầu tư vào doanh nghiệp Việt, một chuyên gia quốc tế đã chỉ ra một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, đó là đầu tư tràn lan.
Theo đó, khi nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào một công ty Việt Nam và nhận thấy một công ty cơ khí cũng mua cổ phần, đầu tư địa ốc, ngân hàng bán lẻ… Điều đó làm cho nhà đầu tư tiềm năng rất rối.
Chia sẻ với nhận định này của chuyên gia quốc tế, PGS.TS Lê Cao Đoàn, từng làm việc tại Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam dường như không có sự chuyên nghiệp, không tập trung vào một hoạt động cụ thể nào. Câu hỏi đặt ra là tại sao nền kinh tế Việt Nam lại như thế? Loại doanh nghiệp nào hay rơi vào tình trạng này?
Việc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tiến hành thâu tóm Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), và sau đó thông qua công ty này sở hữu 65% Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan. Ảnh: Tuổi trẻ |
Vị chuyên gia tự lý giải: doanh nghiệp là một hình thức kinh tế tiến hành hoạt động kinh doanh của nền kinh tế thị trường nhằm thu lợi nhuận, làm cho doanh thu tăng lên nhưng chi phí sản xuất giảm hoặc không tăng.
Để làm được như thế phụ thuộc vào nhiều yếu tố: năng lực kinh doanh của doanh nghiệp thế nào? Nền kinh tế đạt đến trình độ nào, chuyên môn hóa ra sao? Lợi ích của sự chuyên môn hóa đó là gì?
"Đó là những thứ mang tính quy luật nhưng Việt Nam chưa phát triển được đến trình độ như thế.
Việc doanh nghiệp Việt đầu tư tràn lan có thể coi là một hoạt động rất "năng động" và có tính chất chộp giật. Họ muốn ăn ngay, đạt hiệu quả ngay lập tức mà không cần biết kết quả sau này thế nào. Đó là minh chứng của một nền kinh tế chưa phát triển bởi nếu phát triển thì doanh nghiệp phải làm cho hoạt động đầu tư có nền tảng vững chắc, không dễ gì di chuyển được đầu tư như thế.
Nền kinh tế Việt Nam nhỏ lẻ, không có quy tắc nào, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Để được gọi là doanh nghiệp thì phải đầu tư vào một lĩnh vực nhất định nhằm đạt được lợi nhuận một cách lâu dài. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước dựa dẫm vào những lợi ích nhóm, bề nổi để ăn ngay và điều đó rất nguy hiểm", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
Ông khẳng định, ở Việt Nam có những hình thái kinh tế rất căn bản để phát triển nhưng lại chưa có điều kiện để phát triển. Nói cách khác, nền kinh tế phải đạt đến trình độ nào đó thì mới có điều kiện phát triển. Bởi thế, cho đến nay doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước vẫn làm ăn theo kiểu chộp giật, hớt váng như đề cập ở trên để kiếm lời.
"Kinh tế Việt Nam còn lâu mới đạt được trình độ như quốc tế. Doanh nghiệp không đầu tư căn bản nên vốn tín dụng của Việt Nam huy động được đôi khi không nhằm vào kinh doanh thực sự, không vào các tài sản để phát triển kinh tế mà chỉ nhằm vào những cái bề nổi, đi gặt hái những cái lợi trước mắt.
Điều này lại rất hợp với DNNN. Lẽ ra nền kinh tế phải vạn đại, lâu dài thì đằng này nó trở thành một sòng bạc mà những người vào đây chuyên đi vặt", PGS.TS Lê Cao Đoàn ví von.
Điều nguy hiểm mà PGS.TS Lê Cao Đoàn lo ngại nhất, đó chính là những nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, trình độ cao, thay vì giúp Việt Nam cải tổ nền kinh tế theo mô hình của họ thì đằng này, họ lại chấp nhận nó và làm cho nó trở nên thê thảm hơn.
"Ban đầu, khi họ sang Việt Nam, có thể họ thấy rất khó chịu với cung cách làm ăn của Việt Nam nhưng về sau, họ nắm được cách chơi và a dua, thuận theo cách chơi ấy. Nhà đầu tư tư bản chỉ xem trọng cái gì có lợi thì mang vốn đến đầu tư. Như vậy, không thể cải tổ được nền kinh tế Việt Nam, không thể tạo ra được nền kinh tế chuyên nghiệp, có năng suất cao, hiệu quả lớn vì nó không tạo ra được các xương cốt để làm cho mình mạnh mẽ lên.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn.
Cổ phần hóa là phải tiêu diệt kinh tế nhà nước, đằng này cổ phần hóa có chẳng chỉ là những biến tướng để kinh tế nhà nước được tồn tại, kéo dài lê thê. Một nền kinh tế thị trường thực sự không thể được tạo thành khi vẫn còn nhùng nhằng như thế. Muốn thay đổi chỉ có cách phá tan những cản trở ấy", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Từ những phân tích ở trên, PGS.TS Lê Cao Đoàn tỏ ra không mấy lạc quan vào việc cơ quan quản lý có thể xử lý thấu đáo vấn đề này.
"Quản lý phải dựa trên quy luật và pháp luật. Nếu người kinh doanh là chủ doanh nghiệp thực sự thì sẽ khác. Còn ở đây, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước không phải chủ thực sự thì họ sẽ không tạo dựng ra cái lâu dài, mà chỉ là người gặt hái mà thôi.
Chừng nào pháp luật còn chưa phù hợp, còn chưa tuân theo quy luật thì Việt Nam vẫn không thể quản lý được tình trạng trên, càng không giảm thiểu được nó", ông lưu ý.
Hãng phim quốc gia, số phận chờ kế hay! Chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng thường trực Huỳnh Vĩnh ... |
Bộ Văn hóa chấn chỉnh việc ông Thủy Nguyên gọi Quốc Tuấn là Chí Phèo Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL, những lời nói của ông Nguyễn Thủy Nguyên về nghệ sĩ hãng phim là không ... |
Đại gia Thủy Nguyên: \'Tôi nói Quốc Tuấn là Chí Phèo đúng lúc nhạy cảm\' "Tôi biết phát ngôn của mình không hợp lý, nhất là ở thời điểm đang nhạy cảm về câu chuyện bố con Quốc Tuấn", chủ ... |
(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-dau-tu-tran-lan-vi-muon-an-xoi-3345579/)