Ngâm mình dưới dòng nước lạnh từ sáng sớm, những người ngư dân làng Chuồn cần mẫn mưu sinh với công việc đi tủ đánh bắt cá thệ. Công việc độc đáo này đã gắn bó với dân làng suốt bao đời qua.
Làng Chuồn là cách gọi tiếng Nôm của làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm. Làng cách TP. Huế khoảng 10km theo hướng Đông, nằm gần với phá Tam Giang.
Du khách gần xa lâu nay biết đến làng Chuồn với nhiều món ẩm thực độc đáo như rượu gạo, bánh tét, bánh xèo cá kình,.. Những sản vật tự nhiên của làng quê như cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu, cá thệ,.. được chính người dân của làng Chuồn đánh bắt trên phá Tam Giang. Thế nhưng ít ai biết được, để đánh bắt được những sản vật này người dân đã sử dụng một phương pháp rất độc đáo mà không nơi nào có được.
Khi nhiều người còn chìm trong giấc ngủ, ngư dân làng Chuồn đã tất bật chuẩn bị “đi tủ”. Ảnh: Thế Trung |
Độc đáo nghề đi tủ
4 giờ sáng, khi nhiều người vẫn đang còn say trong giấc ngủ ngon thì những ngư dân làng Chuồn đã tất bật với việc sửa soạn thuyền, lưới, chuẩn bị cho công việc mưu sinh của mình: đi tủ.
Đi tủ là cách gọi quen thuộc của người dân làng Chuồn về một phương pháp đánh bắt cá truyền thống của cha ông xưa mà nay nó đã trở thành cái nghề rất riêng nuôi sống nhiều gia đình.
Nói về công việc đi tủ, theo hai ngư dân Trần Văn Khuê và Hồ Đắc Côi (sống tại làng Chuồn), đây là công việc khá vất vả bởi suốt ngày phải lênh đênh trên con phá, ngâm mình dưới dòng nước nên không phải ai cũng gắn bó được. Cũng vì sợ chúng tôi vất vả mà phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, hai ngư dân này mới đồng ý cho theo chân để khám phá nghề độc đáo này.
Những chia sẻ về nghể đi tủ của ngư dân làng Chuồn khiến đoạn đường trở nên ngắn lại. Ảnh: Thế Trung |
Theo anh Trần Văn Khuê, đi tủ là một hình thức đánh bắt cá của người dân làng Chuồn rất khác so với những địa phương khác. Gọi là nghề đi tủ bởi dụng cụ mà ngư dân nơi đây dùng để đánh bắt cá là một tấm lưới có hình chữ nhật, khi được giăng ra trông nó như một cái tủ mà chúng ta thường làm vật dụng để đựng đồ.
Với những đặc điểm riêng của mình, đi tủ chủ yếu là để đánh bắt cá thệ, một loài cá có kích thước không lớn nhưng lại có nhiều giá trị về mặt ẩm thực. Đây là một trong nhiều sản vật trên vùng đầm phá Tam Giang ngày xưa được dùng để tiến vua.
Theo hai ngư dân làng Chuồn, để ra giữa phá Tam Giang đi tủ “săn” cá thệ, người dân nơi đây không sử dụng ghe hay thuyền như những vùng khác mà dùng một phương tiện có cái tên rất lạ là “tòng”.
Tòng là phương tiện được đóng từ những tấm gỗ lớn mà ngư dân mua lại từ những chiếc \'\'nốt\'\' đã qua sử dụng của người dân vạn đò. Trước đây họ từng dùng những chiếc nốt này để làm nơi cư trú trên đầm phá Tam Giang.
Nghề đi tủ phần lớn thời gian phải ngâm mình trong nước nên người ngư dân không chỉ khéo léo mà cần có nền tảng sức khỏe. Ảnh: Thế Trung |
Bước chân lên tòng, anh Khuê không quên nhắc chúng tôi cẩn thận bị trượt ngã bởi những lớp rêu xanh phủ kín trên bề mặt. Khi đã ổn định chỗ ngồi, chiếc tòng bắt đầu nổ máy rẽ từng con sóng đưa chúng tôi tiến ra giữa phá.
Mặt nước trong xanh cùng cơn gió nhẹ trong buổi bình minh mang theo cái mùi mặn mòi đặc biệt của phá Tam Giang khiến những người có mặt thêm phần hứng khởi.
Ngâm mình “săn” sản vật tiến vua
Những chia sẻ thú vị của hai ngư dân giàu kinh nghiệm làng Chuồn khiến chuyến đi hơn một giờ đồng hồ lênh đênh trên mặt nước dường như ngắn lại. Chả mấy chốc, chiếc tòng nhỏ bé đã đưa chúng tôi đến với Đông Am, một địa điểm đánh bắt thủy hải sản nằm ngay giữa phá Tam Giang.
Anh Khuê cho hay: “Tuy phải mất nhiều thời gian đi xa nhưng bù lại ở đây có thể bắt được nhiều cá và cá cũng to hơn. Có câu thơ đã trở thành kinh nghiệm của những ngư dân làng Chuồn: “Đông Am cá tủ ầm ầm, rổ năm rổ bảy âm thầm mang theo” đó là ý nói ngư dân khi về đến đây để giăng tủ chắc chắn sẽ đánh bắt được nhiều cá”.
Cá thệ, sản vật tiến vua được người dân đánh bắt bằng nghề đi tủ. Ảnh: Thế Trung |
Theo những ngư dân làng Chuồn, cá thệ là loài cá sống và di chuyển ở tầng đáy, chúng đặc biệt nhạy cảm với các loại âm thanh, tiếng động. Khi có tiếng động, chúng bơi thụt lùi, rồi ẩn nấp trong các đám rong rêu. Có lẽ dựa vào đặc điểm đó mà nghề đi tủ sinh ra chỉ để đánh bắt mỗi loài cá này.
Không để chúng tôi phải đợi lâu, anh Khuê và anh Côi nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Để giăng tủ, hai ngư dân với thân hình rám đen vạm vỡ phải vất vả lặn sâu xuống dưới nước. Khi tủ đã đặt xong, họ khéo léo điều khiển chiếc tòng chạy theo hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây. Sợi dây thừng được thả sát xuống tầng đáy cứ thế dần thu hẹp lại.
Việc kéo dây được tiến hành một cách cẩn thận, chậm rãi để đảm bảo rằng sợi dây luôn sát mặt đất. Cá thệ khi nghe thấy tiếng động từ sợi dây, theo phản xạ bơi thụt lùi để lẩn trốn rồi vướng vào những tủ lưới đã được đặt sẵn. Đến đây, những ngư dân đã có thể thu lưới, thu hoạch thành quả của mình.
Được biết, một mẻ giăng tủ như thế kéo dài khoảng 20 phút. Mỗi ngày, ngư dân giăng tủ từ 15-18 mẻ, tùy theo sức của mỗi người. Công việc phải ngâm mình trong nước thường xuyên nên đòi hỏi người ngư dân không chỉ khéo léo, cần cù mà còn phải có nền tảng sức khỏe. Thế mới biết để “săn” được sản vật giữa phá Tam Giang cũng lắm gian nan vất vả.
Sau ngày dài vất vả, người ngư dân mang thành quả trở về. Ảnh: Thế Trung |
“Theo thời gian, diện tích của những bãi nước trống ngày càng thu hẹp dần, thay vào đó là những hệ thống nò sáo dày đặc. Để có thể sống bằng nghề này thì chúng tôi phải đi xa hơn. Được mùa cá thì kiếm được từ 500 - 700 ngàn/ngày, còn những lúc “tủ hèn” (giăng tủ mà bắt được ít cá) thì chỉ đủ bù tiền xăng dầu”, anh Hồ Đắc Côi chia sẻ.
Khi mặt trời dần ngả về Tây, những người ngư dân cũng dần thấm mệt bắt đầu thu gom tủ cùng các vật dụng để kịp quay trở về. Một ngày vất vả trên sông nước thành quả thu về là những mẻ cá thệ tươi rói chờ cập bờ. Đây sẽ là mặt hàng đặc biệt được nhiều người đón đợi trong buổi chợ sớm vào ngày hôm sau.
Nghề đi tủ đánh bắt cá thệ vất vả, tuy chỉ diễn ra vài tháng trong năm nhưng lại giúp cho nhiều gia đình có thu nhập, trang trải cuộc sống. Quan trọng hơn, trải qua bao thế hệ, dù cuộc sống vất vả thì nghề vẫn được người dân làng Chuồn gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa. Đó cũng là một cách mà người dân nơi này vừa mưu sinh vừa bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trên đầm phá Tam Giang.
(http://toquoc.vn/Thoi_su/doc-nhat-vo-nhi-nghe-di-tu-san-san-vat-tien-vua-251693.html)