150 lính Pháp tại Chad đối mặt với đội quân đông gấp ba lần, nhưng lực lượng này lại biến mất một cách bí ẩn mà không tham chiến.
Đài radar cảnh giới của Pháp đặt tại Chad. Ảnh: War is Boring.
Khi bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở Chad vào giữa tháng 2/1986, quân đội Pháp cho xây dựng một trạm radar ở thị trấn Moussoro, phía bắc thủ đô N\'Djamena. Trạm radar này trở thành mục tiêu tập kích của một đội quân bí ẩn, khiến lính Pháp phải duy trì tình trạng báo động liên tục trước khi biến mất không để lại dấu vết, theo War is Boring.
Đài radar SNERI Centaure tại Moussoro có tầm theo dõi 190 km, do không quân Pháp vận hành. Nhiệm vụ bảo vệ đài radar được giao cho Trung đoàn Lê dương số 2, đơn vị được tăng cường một khẩu đội tên lửa phòng không vác vai Stinger.
"Chúng tôi đều rất bận rộn với những chuyến hàng tiếp tế của vận tải cơ C-160, do chúng cần được dẫn đường để cất hạ cánh an toàn và nhanh chóng. 5 trong 6 máy bay đã hạ cánh, trong khi chiếc cuối cùng nằm tại Bangui do lỗi kỹ thuật. Đây là vận tải cơ mang theo toàn bộ kho vũ khí của trung đoàn", trung sĩ Thierry Bourdil, một trong những người đầu tiên tới Moussoro hôm 10/5/1986, cho biết.
Vài ngày sau, khi chiếc C-160 chở vũ khí vẫn ở Bangui, người vận hành trạm radar phát hiện nhiều mũi hành quân bất thường ở phía đông bắc Moussoro, tất cả đều hướng tới cùng một điểm. Trên lý thuyết, đài radar Centaure có khả năng phát hiện phương tiện trên mặt đất, nhưng phát hiện này vẫn khiến chuyên viên radar tại Moussoro bối rối.
Các tín hiệu trở nên mạnh hơn, đồng thời xuất hiện thêm nhiều mục tiêu khác ở hướng tây bắc. Tổng cộng có 80 mục tiêu xuất hiện trên màn hình radar ở Moussoro. Khi khớp dữ liệu với bản đồ thực tế, kíp radar phát hiện các mục tiêu đều hướng tới thị trấn Salal cách đó 90 km. Đây dường như là địa điểm tập kết, chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.
Khu vực đóng quân của Pháp tại Moussoro. Ảnh: War is Boring.
"Ưu tiên khi đó là bảo vệ khu vực đài radar bằng mọi giá", Bourdil nhớ lại. Lính lê dương Pháp đào hào chiến đấu, chăng dây thép gai và cài mìn. Các khẩu pháo phòng không, kể cả xe phòng không tự hành Gepard, cũng được chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh mục tiêu mặt đất.
Sở chỉ huy tại N\'Djamena không thể triển khai tiêm kích yểm trợ đường không, do máy bay Pháp khi đó không có khả năng vận hành ban đêm. 150 lính Pháp tại Moussoro phải độc lập tác chiến và cầm cự đến sáng nếu xảy ra xung đột. Tới nửa đêm, toàn bộ trung đoàn lê dương Pháp đều trực chiến trong hầm hào và xe chiến đấu.
"Chúng tôi xác định có tổng cộng 80 phương tiện, mỗi chiếc chở được 6 người. Do vậy, lực lượng đối phương ước tính có tới 500 quân, đông gấp ba lần đơn vị bảo vệ đài radar", trung sĩ Bourdil cho biết. Tới 1h sáng, một chuyên viên radar cho biết đoàn xe bắt đầu rời Salal và hướng tới Moussoro. 90 phút sau, lính Pháp bắt đầu thấy đèn pha của đoàn xe từ phía xa.
Đội quân bí ẩn này chia thành hai mũi. Một mũi hướng vào thị trấn Moussoro, mũi còn lại nhắm tới trạm radar. Tuy nhiên, cả đoàn xe này chạy thẳng qua đài radar và hướng về phía tây, hướng tới thủ đô N\'Djamena trước sự ngạc nhiên của trung đoàn lê dương Pháp. Chỉ huy trung đoàn sau đó điều một xe phòng không Gepard đuổi theo để tìm hiểu về đội quân bí ẩn này.
Trận địa phòng không Pháp tại Chad. Ảnh: War is Boring.
Tới 3h30 sáng, lực lượng phòng thủ rời khỏi hầm hào. Nửa tiếng sau, chiếc Gepard trở về trận địa, mang theo tờ giấy ghi biển số, mẫu xe và số người nó chở theo.
Khi trời sáng, một tiêm kích trinh sát Mirage F1CR xuất hiện trên bầu trời Moussoro. Ngay sau đó, máy bay do thám Breguet Atlantic liên hệ qua radio, cho biết không tìm thấy gì quanh thị trấn Salal. Một tuần sau, nhóm bảo vệ đài radar được phổ biến kế hoạch phòng thủ mới, đồng thời nhận đầy đủ vũ khí trên chiếc C-160 cuối cùng.
"Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với đoàn xe đó, do chúng không xuất hiện tại N\'Djamena, cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào trên đường. Dường như chúng tôi đã thấy một đội quân ma", Bourdil hồi tưởng.
Hệ thống địa đạo quân sự kỳ ảo của Triều Tiên - Một Thế Giới. Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, nổi tiếng về khả năng đào-xây cơ sở quân sự ngầm. Triều Tiên ... |
Rộ tin Trung Quốc sắp thay lãnh đạo quân đội Phó chủ tịch Quân ủy trung ương mới nhiều khả năng là Tư lệnh lục quân Lý Tác Thành, người từng tham gia xâm lược ... |