Dù có quy mô nhỏ, trang bị lạc hậu, quân đội Zimbabwe vẫn đủ sức tiến hành cuộc binh biến có thể tước bỏ quyền lực của Tổng thống Mugabe.
Xe thiết giáp phong tỏa tuyến đường tại thủ đô Harare. Ảnh: AFP. |
Các xe thiết giáp chở quân hôm qua xuất hiện trên nhiều tuyến đường chính ở thủ đô Harare, Zimbabwe và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe tại nhà riêng, gần như đặt dấu chấm hết cho quyền lực của ông này. Đây là lần đầu tiên quân đội Zimbabwe tổ chức binh biến trong hơn 37 năm tồn tại, theo Global Firepower.
Quân đội Zimbabwe gồm hai quân chủng là lục quân và không quân, không sở hữu hải quân do không có lãnh thổ giáp với biển. Lực lượng này được thành lập vào ngày 18/5/1980, sau khi ông Mugabe đắc cử Tổng thống và Zimbabwe tuyên bố độc lập. Tới năm 1994, nước này mới có Bộ Quốc phòng với tên gọi Bộ tư lệnh Các lực lượng phòng thủ Zimbabwe.
Zimbabwe sở hữu lực lượng quân sự tương đối nhỏ. Số liệu thống kê năm 2017 của Global Firepower cho thấy nước này có quân số thường trực khoảng 29.000 người, trong đó gồm 25.000 binh sĩ lục quân và 4.000 người phục vụ trong không quân. Ngoài ra, Zimbabwe còn có 22.000 cảnh sát và lực lượng bán vũ trang đóng vai trò quân dự bị trong thời chiến. Mỗi năm nước này đầu tư khoảng 95 triệu USD cho ngân sách quốc phòng, chiếm 0,66% GDP.
Khí tài mạnh nhất của lục quân Zimbabwe là 72 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó gồm 40 xe T-34 và T-55 có nguồn gốc từ Liên Xô, cùng 32 chiếc Type-59 và Type-69/79 mua từ Trung Quốc. Hỗ trợ cho lực lượng này là 172 xe thiết giáp chở quân các loại. Pháo binh Zimbabwe chỉ sở hữu 26 khẩu pháo kéo và 64 bệ pháo phản lực phóng loạt.
K-8 là máy bay phản lực duy nhất của không quân Zimbabwe. Ảnh: Wikipedia. |
Không quân Zimbabwe hiện nay sở hữu 92 máy bay các loại, chủ yếu là trực thăng và vận tải cơ đa dụng. Lực lượng này chỉ có 10 phản lực cơ hạng nhẹ K-8 mua từ Trung Quốc, đóng vai trò huấn luyện chiến đấu và tấn công mặt đất khi cần thiết. Zimbabwe từng đặt mua loạt tiêm kích MiG-29 trị giá 300 triệu USD từ Liên Xô vào cuối thập niên 1980, nhưng hợp đồng này bị hủy vào năm 1992.
Tới năm 2004, không quân Zimbabwe dự định mua 14 tiêm kích đa năng MiG-29SMT từ Nga, nhưng sau đó lựa chọn mẫu FC-1 của Trung Quốc. Tuy nhiên, tới nay lực lượng này vẫn chưa nhận được chiếc tiêm kích nào.
Quân đội Zimbabwe được coi là lực lượng trung thành với Phó tổng thống
Emmerson Mnangagwa, người vừa bị ông Mugabe cách chức hồi tháng trước. Quyết định sa thải cấp phó của ông Mugabe được coi là "giọt nước tràn ly" thúc đẩy cuộc binh biến của quân đội nước này.
Mugabe: Từ anh hùng giải phóng cho đến sụp đổ \'không thể quay đầu\' Tự mãn về quyền lực vững chắc, Mugabe phá vỡ quan hệ với những người từng là đồng minh để phục vụ tham vọng chính ... |
Tham vọng quyền lực từ sau ngai vàng của \'hoàng hậu Zimbabwe\' Bất chấp tai tiếng tham nhũng, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe không giấu tham vọng trở thành tổng thống Zimbabwe khi tình hình sức ... |
Tổng thống Zimbabwe lần đầu xuất hiện sau chính biến Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe lần đầu xuất hiện sau khi quân đội phong tỏa thủ đô Harare cách đây vài ngày và tuyên bố ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/doi-quan-quan-thuc-tong-thong-cam-quyen-37-nam-cua-zimbabwe-3671331.html