CEO Grab Việt Nam nói họ và tài xế "ngồi chung một con thuyền" nhưng phải tuân thủ Nghị định 126 nên chưa thể thay đổi tỷ lệ khấu trừ 27,27%.
Sáng 10/12, ban giám đốc Grab đã đối thoại trực tuyến với tài xế về việc thực hiện Nghị định 126. Mở đầu buổi đối thoại, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam chia sẻ tất cả các bên đang ở "trạng thái rất đáng tiếc".
Giải thích thêm, bà nói 2020 là năm cực kỳ khó khăn với thiên tai, dịch bệnh. Tài xế những ngày qua phải bỏ công việc để bày tỏ ý kiến. Còn bản thân Grab cũng rất tiếc khi đang bước vào mùa cuối năm, đáng lẽ dành thời gian để xây dựng thị trường, hy vọng phục hồi kinh tế thì phải theo đuổi Nghị định 126. Theo bà Vân, Grab đang làm đủ mọi cách để giải quyết êm thấm việc này sau khi các tài xế phản đối vì bị giảm thu nhập.
"Grab và các đối tác tài xế ngồi chung một con thuyền. Khi tài xế có cuốc xe thì Grab mới có doanh thu. Grab không có hôm nay nếu không có sự đồng hành không biết mệt mỏi từ phía đối tác tài xế", bà Vân khẳng định.
Các tài xế GrabBike đối thoại trực tuyến với ban giám đốc Grab sáng 10/12. Ảnh: Anh Tú |
Tại cuộc đối thoại, tài xế GrabBike Trần Đức Ân kiến nghị Grab phải bóc tách phương án tính thuế VAT, không được cộng dồn lên mức khấu trừ hơn 27,2%. "Chúng tôi chỉ có thể giúp Grab thu hộ 10% VAT từ khách hàng, phần đó không ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi muốn giữ chi phí sử dụng ứng dụng không đổi 20%", anh này nói.
Một tài xế khác cũng đề xuất Grab tách rõ trên ứng dụng bao nhiêu là thuế VAT và phí sử dụng ứng dụng cũng như chi tiết về thu nhập tài xế.
Còn tài xế Lê Thành Nam kể, anh cảm nhận sau ngày 5/12 thu nhập nhận về giảm rõ rệt. Theo anh, Grab đang cố tính thuế và lái theo cách hiểu của mình chứ không hề thấu hiểu cho tài xế.
Sau hơn 2 giờ đối thoại, Grab khẳng định vẫn tiếp tục tuân thủ Nghị định 126, bởi hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Bà Hải Vân cho biết, Grab sẽ hoàn trả VAT cho tài xế nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chính thức, điều chỉnh hợp lý hơn. Còn hiện tại, Grab vẫn giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ hơn 27,2% (áp dụng từ 5/12) với tài xế GrabBike trên mỗi chuyến xe.
Ngoài ra, đại diện Grab cũng nhìn nhận Nghị định 126 đang còn một số vấn đề chưa phù hợp, bất cập ảnh hưởng tới thu nhập của tài xế. Hiện tại, văn bản pháp lý này đang áp cách thực hiện từ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang mô hình Grab. Từ ngày đầu tiên nghị định được soạn thảo, tháng 5, Grab đã gửi góp ý cho dự thảo đến Tổng cục Thuế và Văn phòng Chính phủ, đề nghị những phương án phù hợp hơn với mô hình kinh doanh nhưng Grab cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chiều nay Grab tiếp tục đối thoại với tài xế tại TP HCM và Đà Nẵng. Chiều 9/12, Grab đã cùng làm việc với cơ quan thuế nhưng hai bên chưa đạt đồng thuận.
Các tài xế Grab trao đổi về kết quả cuộc đối thoại trưa 10/12. Ảnh: Anh Tú. |
Gần 12h30 trưa nay, 10 tài xế tham gia đối thoại đã xuống trước khu vực văn phòng Grab truyền đạt lại kết quả buổi gặp cho hàng trăm tài xế GrabBike khác. Phần lớn đều cho biết cảm thấy không thoả đáng với kết quả buổi gặp hôm nay khi Grab vẫn giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ mới.
Theo tính toán của VnExpress, với việc tăng 5% giá cước, tăng mức khấu trừ với tài xế lên 27,27% để thực hiện Nghị định 126, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu được 1-3,7 lần so với trước nhưng phần chênh lệch này được Grab đẩy sang khách hàng và tài xế. Khách hàng sẽ phải trả cước nhiều hơn trong khi thu nhập tài xế nhận về sẽ giảm 1,5-4,5%.
Anh Tú
Ai thiệt, ai lợi khi Grab tăng giá cước? Grab nói tăng giá cước để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi tăng nghĩa vụ thuế VAT nhưng thực tế họ đang đẩy ... |
Grab đẩy thuế sang cho người lao động là "bất công" Luật sư Trương Anh Tú cho biết, bản chất Grab là người sử dụng lao động, nên họ phải có trách nhiệm nộp thuế, nếu ... |