Sau hơn 70 năm tăng trưởng nhanh, nền công nghiệp đầy tự hào của Trung Quốc đang chững lại và được dự báo sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian tới do sức cầu suy yếu, giảm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

 

 

 

Thêm tín hiệu xấu

Theo Bloomberg, một báo cáo của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 27/10 cho thấy, lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc giảm tiếp tục sụt giảm, với mức 5,2% trong tháng 9. Đây là số liệu đáng thất vọng, một tín hiệu xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc và được cho là bởi tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh.

Trước đó, theo Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2019 giảm mạnh hơn dự báo. Kim ngạch xuất khẩu giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tụt giảm 8,5%, cao hơn so với mức giảm tương ứng 3% và 5,2% theo một cuộc thăm dò của Reuters.

Tăng trưởng GDP quý 3/2019 của Trung Quốc cũng không thoát khỏi cảnh “yếu hơn dự báo”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận tăng trưởng 6% so với cùng kỳ và đây là mức yếu nhất trong ít nhất 27 năm rưỡi, thấp hơn mức 6,1% cũng theo thăm dò của Reuters.

Donald Trump tạo mây đen bao phủ, niềm tự hào thập kỷ của Trung Quốc lung lay

Như vậy, so với các quý trước đó, các số liệu kinh tế của Trung Quốc đều đi xuống với tốc độ rất nhanh. Tăng trưởng kinh tế từ mức 6,2% trong quý 2 và 6,8% trong quý 1 xuống còn 6% thời điểm này, đe dọa xa rời mục tiêu 6-6,5% của chính quyền Bắc Kinh.

Tốc độ trượt dốc này, theo một số chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng lớn thế giới, là “rất nghiêm trọng”.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, đây là cú sốc thực sự sau hàng chục năm tăng trưởng liên tục ở mức cao và có lĩnh vực ghi nhận những bước tiến ngoạn mục. 

Liên tục 70 năm qua, ngành công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng với tổng giá trị từ một vài tỷ USD lên tới 4.000-4.500 tỷ USD như hiện tại, tương đương mức tăng trưởng trung bình hàng năm tính lên tới 11% theo giá quy đổi. Khoảng 100 sản phẩm công nghiệp nhẹ của Trung Quốc như xe đạp, pin, đồ dùng gia dụng,... đứng vị trí hàng đầu thế giới sau những thập kỷ phát triển thần kỳ.

Tuy nhiên, những thành quả này đang bị đe dọa bởi sản xuất có dấu hiệu đình trệ, dòng vốn bị rút ra khỏi nhiều lĩnh vực. Một khi lợi nhuận giảm và sức cầu suy yếu như vừa qua, khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp là rất khó.

Theo Bloomberg, nguyên nhân khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm và được dự báo còn diễn biến tiêu cực là do sức cầu suy giảm mạnh cộng với giảm phát. Giá các mặt hàng công nghiệp giảm, trong khi tăng trưởng bán hàng chậm lại.

Lợi nhuận doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc tụt giảm.

Đây là những dấu hiệu khá xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Theo lý thuyết, giảm phát thường xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn. Nó làm tăng giá trị thật của nợ, có thể làm trầm trọng thêm suy thoái và dẫn tới xoắn ốc giảm phát. Lý do chính dẫn tới giảm phát là do tổng cầu giảm.

Trung Quốc mất đà, kinh tế thế giới chậm lại

Hàng loạt tín hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thực sự chậm lại và đánh mất đà tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng này có thể tiếp diễn do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thực sự ngấm hết.

Trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thậm chí chỉ còn 1% trong khoảng 10 năm tới sau 4 thập kỷ phát triển nhanh chóng. Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mới với sự tăng trưởng chậm chạp và không có gì đột phá.

Cụ thể, theo báo cáo "Innovative China", tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống 1,7% vào những năm 2030 trong bối cảnh các động lực tăng trưởng của Trung Quốc dần hết và Bắc Kinh thiếu những chính sách cải cách nhằm giải quyết vấn đề phân bổ tài nguyên của đất nước.

Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng xuất khẩu, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện năng suất với trọng tâm đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với chiến lược “Made in China 2025” nhằm nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những mâu thuẫn với Mỹ, nhất là trong 3 lĩnh vực thương mại, công nghệ và tiền tệ, khiến tham vọng của Bắc Kinh có thể tan vỡ.

Trung Quốc chuẩn bị cho Olympic mùa Đông 2020.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn bị đe dọa bởi nhiều doanh nghiệp nước này đứng trước bờ vực vỡ nợ trái phiếu kỷ lục, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, do làm ăn không hiệu quả. Theo Bloomberg, năm tới, số trái phiếu đáo hạn là 8,6 tỷ USD.

Tăng trưởng đã ở mức thấp kỷ lục còn tổng nợ của Trung Quốc tiếp tục phình to do nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế.

Bloomberg trích dẫn số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy, tổng giá trị nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ của quốc gia tỷ dân đã vượt 300% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 15% tổng số nợ toàn cầu.

Sự chậm lại đáng kể của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại gia tăng khiến chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Nó khiến chiến dịch đẩy mạnh kiểm soát rủi ro tài chính mà ông Tập Cận Bình phát động thất bại.

Nikkei cho hay, một nỗ lực khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là thu hẹp khu vực nhà nước có thể cũng không khả thi khi mà lãnh đạo Trung Quốc vẫn mong muốn thúc đẩy nguồn vốn nhà nước mạnh mẽ hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Nhiều báo cáo đánh giá, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, các nền kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt các thị trường mới nổi, cũng không là ngoại lệ. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu, nhiều nước châu Á và cả Mỹ cũng đang chậm lại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống chỉ còn 3% trong 2019, thấp nhất kể từ 2008 và cao hơn ở mức 3,4% trong 2020.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang trở lại bàn đàm phán với kỳ vọng thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được ký kết trong tháng 11 tới tại Chile. Tuy nhiên, những mẫu thuẫn chính giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết.

Hơn thế, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc cần nhiều thời gian để phục hồi, vực lại đà tăng xuất nhập khẩu, đà tăng giá trị sản xuất công nghiệp cũng như tăng trưởng GDP nói chung. Thỏa thuận giai đoạn 1 sắp tới trên thực tế không làm thay đổi quá nhiều. Nhìn về phía trước, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ảm đạm thêm vài quý nữa, nếu tình hình tốt đẹp.

Nền kinh tế thế giới được cho là đang ở trong giai đoạn nguy hiểm và rất cần một “liều thuốc”. Tuy nhiên, các nước mạnh ai nấy chạy, đua nhau giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và đối mặt với nhiều nguy cơ - khi mà tất cả đều cạn kiệt công cụ điều hành chính sách.

 

M. Hà

 

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6% trong Quý III/2019
Biến đổi kinh tế Trung Quốc 70 năm qua
Vụ trộm trà từng làm chao đảo kinh tế Trung Quốc
Ba mối nguy có thể khiến kinh tế Trung Quốc "lụn bại"
Không nói nói đến tác động của thương chiến, kinh tế Trung Quốc cũng đầy rẫy vấn đề

/ vietnamnet.vn