Ngày 30/3/2023 đã đi vào lịch sử nước Mỹ với việc lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị truy tố, không những vậy, ông còn là nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính giới Mỹ. Mặc dù vụ án phức tạp và khó có thể chắc chắn về việc kết tội, bản thân cáo trạng đối với ông Donald Trump đã gây chấn động.
Trong hơn 2 thế kỷ, các tổng thống - ngay cả những người sa lầy trong bê bối - đã được tuyên bố miễn truy tố khi còn đương chức và thậm chí sau đó… cho đến tận bây giờ.
“Cuộc săn phù thủy”
Hôm 30/3, Đại bồi thẩm đoàn của bang New York đã thông qua quyết định truy tố cựu Tổng thống Donald Trump theo đề nghị của Chánh biện lý quận Manhattan Alvin Bragg, liên quan những cáo buộc gian lận kinh doanh, trong đó vụ việc được truyền thông nhắc đến nhiều là vụ chi tiền bất hợp pháp để “bịt miệng” diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trước khi ông đắc cử tổng thống hồi năm 2016.
Chiều 5/4 (giờ địa phương), ông Trump đã có mặt tại Tòa án quận Manhattan, bắt đầu cuộc đấu tranh pháp lý quyết liệt để bác bỏ cáo trạng. Tờ “The Guardian” cho biết luật của bang New York xếp các tội danh này vào cấp E, cấp thấp nhất trong các trọng tội tại bang. Ngoài vụ án đang diễn ra, ông Trump còn đối mặt ít nhất 3 vụ điều tra khác, bao gồm cáo buộc cố lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang Georgia, can thiệp vào tiến trình chuyển giao quyền lực và lưu trữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Trong cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc phiên tòa truy tố, công tố viên Bragg cho biết ông Trump bị cáo buộc tổng cộng 34 tội danh, cố tình làm sai lệch hồ sơ kinh doanh ở New York để che giấu những hành vi phạm pháp, vi phạm quy định bầu cử khi tìm cách ngăn chặn việc xuất bản thông tin tiêu cực về ông trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Nhiều năm qua, công tố viên Bragg đã điều tra việc ông Trump dính líu tới vụ trả cho bà Daniels 130.000 USD để bà không tố cáo mối quan hệ bất chính với ông hồi năm 2006, mặc dù ông Trump phủ nhận mối quan hệ “ngoài luồng” này. Việc trả tiền để bà Daniels giữ im lặng không phải là điều bất hợp pháp. Tuy nhiên, công ty của ông Trump bị cáo buộc ghi khoản tiền này trong sổ sách là chi phí pháp lý. Các công tố viên cáo buộc đây là hành vi tương đương với làm giả hồ sơ kinh doanh, một hành động bị xem là phi pháp và thậm chí là tội hình sự ở New York.
Ngoài ra, điều này cũng có thể bị coi là vi phạm luật bầu cử, vì cố tình che giấu các khoản chi cá nhân, bắt nguồn từ việc muốn giữ bí mật các bê bối đời tư. Trong khi đó, cựu tổng thống khẳng định không làm gì sai trái, gọi vụ truy tố này là “cuộc săn phù thủy”, vụ “bức hại chính trị và can thiệp bầu cử ở mức độ cao nhất trong lịch sử”. Joe Tacopina, luật sư của ông Trump, thông báo thân chủ của mình sẽ đấu tranh pháp lý quyết liệt để bác bỏ cáo trạng.
“Lăng kính đảng phái” trong vụ truy tố
Ngay sau khi có thông tin về việc ông Trump bị truy tố, nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đứng đầu là nghị sĩ Jim Jordan bang Ohio (Chủ tịch Ủy ban), đã gửi thư đến chánh biện lý Bragg để gây áp lực. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tố cáo ông Bragg - cựu Phó Tổng Chưởng lý bang New York là “kẻ lạm dụng quyền lực, sử dụng hệ thống pháp lý thiêng liêng” của nước Mỹ để chống lại ông Trump.
Đáng chú ý là, một trong những “thành tích” của ông Bragg trong thời gian lãnh đạo Cơ quan công tố Manhattan là đã buộc Trump Organization, doanh nghiệp gia đình của tỷ phú Trump, phải nộp phạt 1,6 triệu USD tiền trốn thuế. Allen Weisselberg, cựu Giám đốc tài chính của Trump Organization đã chấp nhận hợp tác với cơ quan tư pháp, nộp phạt 2 triệu USD và chịu án 5 tháng tù. Cựu Tổng thống Trump đả kích công tố viên quận Manhattan là “nỗi nhục nhã”. Đáp lại, ông Bragg - thành viên đảng Dân chủ - phủ nhận việc trả thù chính trị nhằm vào ông Trump.
Bất chấp bị truy tố, cựu tổng thống tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2024. Ông Trump hiện được coi là ứng cử viên hàng đầu và nhiều tiềm năng giành tấm vé chính thức của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm sau. Luật pháp Mỹ không ngăn cản một ứng cử viên bị kết tội vận động tranh cử hay thậm chí là giữ chức vụ tổng thống. Hãng tin AFP bình luận: “Bản cáo trạng lịch sử của Donald Trump đã củng cố thêm nhận thức về sự chia rẽ đảng phái hằn sâu trong lòng nước Mỹ, với cựu tổng thống là trung tâm của cơn bão”. Các thành viên đảng Cộng hòa hàng đầu trong Quốc hội nhanh chóng tập hợp ủng hộ ông Trump trong khi các thành viên đảng Dân chủ hoan nghênh cáo trạng, cho rằng điều này thể hiện rằng “không ai được đứng trên luật pháp”.
Nhà nghiên cứu chính trị Wendy Schiller, Đại học Brown, nói: “Công chúng ngày nay nhìn hầu hết mọi thứ qua lăng kính đảng phái”. Chuyên gia Robert Talisse của Đại học Vanderbilt nhìn nhận đó là một nhận thức ám ảnh chính giới và nói thêm rằng hơn cả một cáo trạng, đó là một “món quà dành cho các nhà quản lý chiến dịch và chiến lược gia ở cả hai đảng, là cơ hội khơi dậy sự phẫn nộ”.
Một số nhân vật hàng đầu của đảng Cộng hòa, bao gồm cả cựu Tổng thống Trump, đã phát động các chiến dịch gây quỹ để chống lại cái mà họ gọi là “cuộc đàn áp chính trị”. Qua các dòng tweet, các cuộc phỏng vấn và tuyên bố, các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump chỉ trích cáo trạng là “một sự lăng nhục tuyệt đối”.
Cảm giác về một nước Mỹ bị chia rẽ đã vượt ra ngoài phạm vi chính trị.
Tất nhiên, một số chuyên gia cảnh báo không nên phóng đại mức độ nghiêm trọng của sự chia rẽ chính trị ngày nay. Một nhân vật đang tránh thổi bùng thêm ngọn lửa này chính là ông Joe Biden. Tổng thống đương nhiệm vẫn chưa chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử năm 2024, song hiểu rõ mọi phát ngôn của ông đều có thể kích động ứng cử viên đảng Cộng hòa phàn nàn về một hệ thống tư pháp bị “vũ khí hóa” vì mục đích chính trị. Một số thành viên đảng Dân chủ cũng kiên quyết giữ im lặng, không bình luận về bản cáo trạng của ông Trump.
Sự kiện của nước Mỹ
Việc cựu Tổng thống Donald Trump đã bị Đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan truy tố có ý nghĩa gì đối với nền dân chủ của nước Mỹ? Và, hành động này có củng cố nền dân chủ bằng cách cho thấy rằng không có cá nhân nào đứng trên luật pháp? Hay nó làm suy yếu nền dân chủ khi tạo ra một tiền lệ nguy hiểm mới cho sự trả đũa chính trị?
Một tiền lệ mới đã được thiết lập. Liệu nó có chia rẽ nước Mỹ, như một số người lo ngại, khi đưa một cựu tổng thống ra xét xử sau vụ Watergate? Báo The New York Times của Mỹ ngày 5/7 cho rằng: “Ngay cả Donald Trump cũng phải chịu trách nhiệm”. Tờ báo nhận xét: Quyết định truy tố một cựu tổng thống là một nhiệm vụ trọng đại, đặc biệt trong bối cảnh những rạn nứt quốc gia sâu sắc mà ông Trump chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm khi chiến dịch tranh cử năm 2024 đang đến gần. Nhưng, cái giá phải trả cho việc không truy tố một nhà lãnh đạo có thể đã phạm những tội ác sẽ còn cao hơn. Tuy nhiên, cũng tờ New York Times đã đăng bài của cựu công tố viên liên bang Ankush Khardori cảnh báo “việc truy tố ông Trump đã tạo tiền lệ nguy hiểm”.
Tuy nhiên, theo tác giả, ít nhất có một điều rõ ràng: Alvin Bragg có thể là công tố viên địa phương đầu tiên làm như vậy, nhưng nhiều khả năng ông ấy sẽ không phải là người cuối cùng. Các công tố viên địa phương giờ đây sẽ được tự do điều tra hình sự và truy tố các tổng thống sau khi họ rời nhiệm sở. Các thành viên đảng Dân chủ hoan nghênh các cáo buộc chống ông Trump có thể cảm thấy khác nếu một thành viên trong đảng, thậm chí có thể là Tổng thống Biden, thấy mình là nạn nhân của một nỗ lực tương tự của bất kỳ ai trong số hàng nghìn công tố viên được bầu vào văn phòng địa phương, mong muốn tạo dựng tên tuổi bằng cách truy tố một cựu Tổng thống Mỹ.
Mượn nước đẩy thuyền
Ngày hầu tòa đầy kịch tính của ông Trump đã gây xôn xao khắp thế giới. Hình ảnh của cựu tổng thống bên trong và ngoài tòa án đã xuất hiện trên trang nhất hầu hết các tờ báo ở Anh, với những tiêu đề mang tính chơi chữ như “Donald trước vành móng ngựa” (Donald (in the) Dock) hay “Trump trong mắt bão” (Trump in the eye of the storm - Stormy cũng là tên của diễn viên phim người lớn mà ông Trump đã trả tiền “bịt miệng”). Trong khi đó, tờ O Globo của Brazil đã đăng bài viết có tiêu đề “Trump biến tòa án thành phòng bỏ phiếu sau khi bị truy tố hình sự”. Theo tác giả, các cố vấn của ông Trump coi vụ việc và sự quan tâm của giới truyền thông như “một chiến dịch quảng cáo sinh lợi” và “thúc đẩy việc gây quỹ trực tuyến”. Ông Trump đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2024.
Báo Le Monde cũng nhấn mạnh điều mà họ gọi là “lợi ích chính trị” của vụ truy tố. Bài xã luận đăng trên nhật báo Pháp cuối tuần trước bình luận: “Bằng cách lặp lại tuyên bố là nạn nhân của một cuộc săn phù thủy và một âm mưu của nhà nước ngầm, ông Trump đang buộc phe của ông ấy đứng về phía mình”. Tác giả cho rằng đảng Cộng hòa đã không rút ra được bài học 2 năm sau khi những người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol và rằng những người ủng hộ cựu tổng thống “bị nhốt trong chiếc lồng sùng bái cá nhân”. “Kết quả là một nền tư pháp suy yếu và một nền dân chủ đang chịu áp lực ngày càng lớn”. Nhật báo Tagesspiegel của Đức chạy tít “Không có gì ngoài sự thật?” phản ánh “thành tích” của ông Trump về những tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu lầm, trong khi tờ Der Spiegel cũng của Đức đăng bài viết của cây bút bình luận Roland Nelles với tiêu đề “Ông ấy đã nhận kết cục xứng đáng”.
Sau khi hầu tòa, ông Trump trở về dinh thự ở Florida, nơi ông có bài phát biểu đầy thách thức, công kích những người chỉ trích, đối thủ và hệ thống tư pháp. Tờ La Stampa của Italy bình luận: “Donald Trump chắc chắn đã lột bỏ mặt nạ”: Trong khi một số người mong đợi ông lùi lại một bước, bài phát biểu “tấn công toàn diện” này đã chứng minh điều ngược lại. Tuy nhiên, nhật báo Izvestia của Nga trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi bản cáo trạng của ông Trump là “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do”. Tại Trung Quốc, một số tài khoản mạng xã hội Weibo thậm chí coi vụ việc là sự khởi đầu của một cuộc “nội chiến” ở Mỹ, gọi đây là một phần của “cuộc đàn áp chính trị” do đảng Dân chủ phát động nhằm vào ông Trump.
Một số chuyên gia chính trị dự đoán rằng bản cáo trạng của ông Trump có thể giúp ích cho ông về mặt chính trị, ít nhất là trong ngắn hạn. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết số tiền gây quỹ đã tăng mạnh kể từ khi đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu truy tố cựu tổng thống vào tuần trước. Và, các đối thủ tiềm năng tranh ghế tổng thống với ông trong đảng Cộng hòa không có nhiều lựa chọn ngoài việc chỉ trích công tố viên Bragg.
Còn nhiều tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, trong khi bằng chứng trong quá khứ cho thấy càng cực đoan bao nhiêu, ông Trump lại càng được lòng cử tri cấp cơ sở bấy nhiêu. Nhưng, quá khứ cũng có những bài học chính trị tiêu cực đối với cựu tổng thống. Chủ nghĩa cực đoan mà ông thể hiện trong bài phát biểu trên truyền hình vào khung giờ vàng tối 4/4 chính xác là thương hiệu của chủ nghĩa cấp tiến đã góp phần dẫn đến kết quả đáng thất vọng cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020 và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
https://antg.cand.com.vn/hau-truong/donald-trump-trong-mat-bao-i689500/