Đông Nam Bộ được xác định là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Những năm gần đây, chính quyền các tỉnh, thành trong vùng đều xác định và đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sự đồng bộ và liên kết chặt chẽ, giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng toàn vùng.
Giao thông chưa tương xứng tầm vóc
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tình Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Hiện vùng Đông Nam Bộ đang đóng góp khoảng 34% GDP của cả nước. Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ chủ yếu thông qua 3 phương thức vận tải chính, gồm: Đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Nhưng về đường bộ, toàn vùng hiện chỉ có tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, rút ngắn thời gian đi lại với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn lại, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Nguyên nhân chính do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải Lê Đỗ Mười cho hay, về đường bộ, theo quy hoạch, các tuyến kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng bao gồm 5 trục quốc lộ và đường cao tốc song hành. Thế nhưng, hiện ngoài trục kết nối với các tỉnh phía Bắc là quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc - Nam được đầu tư cơ bản theo quy hoạch thì các trục còn lại chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, còn các dự án đường cao tốc song hành, đường vành đai đều chậm triển khai.
Về đường sắt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn cho biết, tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam qua vùng Đông Nam Bộ đang được khai thác với tốc độ chạy tàu thấp, giao cắt đồng mức nhiều dẫn đến nguy cơ mất an toàn và gây ùn tắc giao thông. Về đường thủy nội địa, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An thông tin, nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền; công tác nạo vét luồng chưa được tiến hành đồng bộ, nên tàu lớn khó qua lại.
Sớm kết nối đồng bộ
Những năm qua, các địa phương trong vùng đã cùng nhau phối hợp và cùng với bộ, ngành liên quan triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, giúp phát triển đồng bộ thời gian tới. Về đường bộ, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc cao tốc Bắc - Nam) dài 99km đi qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai được khởi công cuối tháng 9-2020. Theo kế hoạch tuyến này sẽ thi công hoàn thành cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đánh giá, tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng, không chỉ kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai với Bình Thuận mà còn kết nối cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cả nước.
Đối với tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông - Vận tải - chủ đầu tư) thông tin, dự án mở rộng đường cao tốc, đoạn từ nút giao An Phú (thành phố Hồ Chí Minh) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) dài gần 24km, với 8 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa các vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng bền vững, lâu dài. Đặc biệt, hoàn thiện, kết nối sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc, quốc lộ, giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực.
Tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ được đầu tư xây dựng với chiều dài 50km. Giai đoạn 1, thực hiện giai đoạn 2021-2026 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Cũng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2021, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho hay, đối với tuyến đường Vành đai 2, dự kiến công trình này thông qua chủ trương đầu tư vào đầu năm 2022 và khởi công vào năm 2023. Còn đường Vành đai 3, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị 3 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai có ý kiến, triển khai cụ thể để sớm khép kín tuyến đường trong giai đoạn 2021-2026.
Đối với đường Vành đai 4, tháng 9 vừa qua, Thủ tướng có văn bản đồng ý giao UBND thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai. Song song đó, dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70km, dự kiến mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tỉnh Bình Phước có thẩm quyền thực hiện (hiện Bình Phước đã đề xuất giao về cho tỉnh Bình Dương).
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các tuyến vành đai và cao tốc khi được xây dựng sẽ tăng tính kết nối và đồng bộ về hạ tầng giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Còn anh Tống Nam Sơn (ngụ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Tôi làm dịch vụ vận tải. Nếu các tuyến đường vành đai và các tuyến cao tốc liên vùng được hình thành, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp lưu thông".
Về đường sắt, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Đông Nam Bộ sẽ có 2 tuyến đường sắt mới khổ 1,435m, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh (từ Ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia), chiều dài 128km và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (từ Ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành), chiều dài khoảng 38km, xây dựng thành đường sắt tốc độ cao, hạn chế giao cắt với đường bộ.
Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu, vùng Đông Nam Bộ hiện có 6 tuyến giao thông đường thủy nội địa, trong đó có 1 tuyến vận tải ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến thành phố Hồ Chí Minh và 5 tuyến đường thủy nội địa từ thành phố Hồ Chí Minh đi đến: Vũng Tàu - Thị Vải (dài 73,5km); Bến Súc (dài 90km); Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông dài 143km); Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây dài 143km) và Hiếu Liêm (sông Đồng Nai dài 190km). Các trục này hình thành giúp giảm tải cho đường bộ, phát triển vận tải thủy đồng đều trong vùng, giúp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
MINH TUẤN
Đảng bộ Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ: Đổi mới quyết liệt, không ngừng hoàn thiện |
Đề xuất mở tuyến buýt nối Tân Sơn Nhất với 3 tỉnh Đông Nam Bộ |