Không có máy móc, không được làm bằng một thứ kim loại nào nhưng sau hơn 100 năm, chiếc đồng hồ vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Chúng tôi muốn nói đến đồng hồ đá, hay còn gọi là đồng hồ Thái Dương tại Phường 3 TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Không có máy móc, không được làm bằng một thứ kim loại nào nhưng sau hơn 100 năm, chiếc đồng hồ Thái Dương ở Phường 3, TP. Bạc Liêu vẫn còn lưu lại đến ngày nay.
Chiếc đồng hồ kỳ dị
Không phải người dân Bạc Liêu nào cũng biết về chiếc đồng hồ này.
Mặt tiền di tích đồng hồ Thái Dương. |
Chiếc đồng hồ đá nằm trên con đường vắng vẻ, ẩn mình ở khuôn viên nhỏ hẹp. Bên ngoài, tấm biển với dòng chữ bằng đồng thật to nhưng cũng không thu hút được du khách.
Phía sau chiếc đồng hồ, một tấm biển ghi lại nguồn gốc và tác giả của nó.
Nguyên thủy, chiều cao của đồng hồ tính từ nền đất đến đỉnh là khoảng 1 m, ngang hơn 1,2 m. Nhưng hiện nay chiều cao của chiếc đồng hồ chỉ còn khoảng 60 cm do địa phương nâng nền đất, lót gạch để tạo mỹ quan cho khu di tích.
Chiếc đồng hồ bao gồm một trụ hình chữ nhật ở giữa nhô ra và hai bên hai mảng hình vuông màu nâu sậm, trên đó mỗi bên kẻ 6 chữ số La Mã từ 1-6 và từ 7-12. Kết cấu của đồng hồ chỉ toàn gạch và xi măng.
Hộp kính bao bọc đồng hồ không còn. Bên trong rác hoa ngập đầy. |
Buổi sáng, khi mặt trời ló dạng sẽ chiếu thẳng vào đồng hồ. Nhờ vào trụ hình chữ nhật ở giữa nhô ra tạo thành một vệt đen hiện trên mảng hình vuông kế bên. Vệt đen dừng ở vị trí nào là số giờ của thời điểm đó.
Như vậy, chiếc đồng hồ đá này chỉ có thể sử dụng vào những lúc trời quang mây tạnh, mặt trời tỏa sáng. Ban đêm hoặc thời tiết xấu không thể xem được. Sai số của đồng hồ đá so với các loại đồng hồ hiện nay chỉ khoảng 5 phút.
Nhiều vết bong tróc hiện rõ trên mặt đồng hồ. |
Đồng hồ đá hay đồng hồ Thái Dương được xây dựng vào năm 1913 và trở thành chiếc đồng hồ xem giờ bằng ánh nắng mặt trời duy nhất còn sót lại ở VN. Trước đây đồng hồ nằm trong dinh tỉnh trưởng. Qua nhiều đổi thay, hiện nay đồng hồ nằm cạnh hàng rào quán cà phê đối diện Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, gần tòa nhà 18 tầng cao nhất TP. Bạc Liêu.
Đồng hồ đá là một di tích lịch sử - văn hóa rất độc đáo. Việc phải bảo tồn, giữ gìn công trình cho các thế hệ sau tham quan, nghiên cứu là điều rất cần thiết. Thế nhưng sau khi đi tham quan thực tế trở về, xem lại các tư liệu cũ chúng tôi mới giật mình.
Dường như công trình đã bị bỏ hoang phế. Theo hình ảnh có từ năm 2014, mặt đồng hồ còn nguyên vẹn chữ số, không một chút bong tróc. Toàn đồng hồ được bao bọc bởi những lớp kính. Nhưng hiện tại, lớp kính đã không còn và bong tróc đã xuất hiện.
Tác giả chiếc đồng hồ đá, kỹ sư đầu tiên của Việt Nam
Người làm ra chiếc đồng hồ này là kỹ sư Lưu Văn Lang. Ông sinh năm 1880 tại Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Thuở nhỏ nhà nghèo, ông theo học chữ Nho cho đến 10 tuổi chuyển sang tiếng Pháp và Quốc ngữ.
Bảng công nhận di tích cấp tỉnh. |
Là một đứa trẻ có tư chất thông minh, chăm chỉ, ông nhanh chóng trở thành một học sinh xuất sắc và giành được suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn.
Năm 17 tuổi, ông thi đậu Tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc. Ông tiếp tục nhận được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris. Ngôi trường này là nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ trở thành kỹ sư người VN đầu tiên.
Trở về nước, ông được nhà cầm quyền Pháp trọng dụng.
Ông được cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam. Xong tuyến đường sắt năm 1909 Pháp đưa ông về làm việc trong sở công chánh Đông Dương.
Thời gian này ông thường xuống Bạc Liêu để theo dõi các công trình xây dựng. Ông được sự kính nể không chỉ của người dân và quan lại Nam bộ mà cả các kỹ sư Pháp.
Toàn cảnh khu di tích. |
Có nhiều giai thoại về ông nhưng có lẽ câu chuyện về chiếc cầu Sập ở Bạc Liêu là chuyện lý thú nhất. Cầu này có tên là cầu Dần Xây nằm ở ranh TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi do người Pháp xây dựng. Một lần ngang qua cầu, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi nói thẳng với những người Pháp đang xây dựng ở đó: 'Một tháng nữa cầu sẽ sập'.
Những kỹ sư Pháp làm việc tại cầu tỏ ra rất tức giận trước nhận xét của ông. Thế nhưng, họ không ngờ đúng 1 tháng sau cầu sập.
Lúc bấy giờ người Pháp mới tâm phục khẩu phục ông. Cũng chính vì thế, mặc dù có tên là cầu Dần Xây nhưng người dân vẫn quen gọi là cầu Sập.
Việc này tới tai viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời bấy giờ khiến ông ta hết sức kính phục và đối đãi với kỹ sư Lang rất hậu hỉ. Cảm ân tình đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng một chiếc đồng hồ mặt trời ngay trong dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu.
Trao đổi với bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Thông tin Văn hóa Thể thao & Du lịch Bạc Liêu về tình trạng xuống cấp của di tích, bà cho biết: 'Hiện nay di tích mới được sửa sang phần bên ngoài. Riêng phần đồng hồ phải nhờ đến những người có chuyên môn mới khắc phục được. Hiện chúng tôi đang tiến hành hoàn chỉnh công trình'.
Trần Chánh Nghĩa
Thế Giới Di Động thắng lớn nhờ đồng hồ, xoong chảo Kinh doanh đồng hồ và dụng cụ nhà bếp từ đầu năm, nhưng Thế Giới Di Động đã ghi nhận doanh thu vài nghìn tỷ ... |
Hoa hậu Phan Hoàng Thu khoe body "đồng hồ cát" ở tuổi 30 Sau vài năm "ở ẩn" sinh con, Phan Hoàng Thu trở lại showbiz Việt với hình ảnh 1 Hoa hậu nóng bỏng và khẳng định ... |
Nghi vấn chủ đầu tư chung cư New Horizon City lắp đồng hồ đo nước giả Cư dân chung cư New Horizon City tố chủ đầu tư lắp đồng hồ giả khiến tiền nước tăng vọt do đồng hồ sai số |