Trong quá trình ký hợp đồng, Bộ GTVT đã không quy định rõ những điều khoản, chế tài đối với nhà đầu tư nên dẫn tới sự nhì nhằng, khó giải quyết.
Ngày 3/4/2019, trao đổi với Đất Việt về việc nhà đầu tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đòi đóng tuyến để dồn lưu lượng xe di chuyển qua QL6, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội cho rằng, trong vấn đề này, lỗi thuộc về cả Bộ GTVT và nhà đầu tư nhưng với trách nhiệm là đơn vị mời thầu và mở thầu thì Bộ GTVT cũng nên nhận trách nhiệm chính về mình.
Theo ông Xuyền, chủ trương BOT được đề ra với mục đích đúng đắn nhưng lại chưa hoàn thiện về mặt pháp lý khiến cho chủ trương này bị méo mó, làm tiền đề để các nhà đầu tư dựa vào đó có những hành động phản cảm, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.
Vị ĐBQH này cho rằng, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT là đơn vị đưa ra các dự án, tiến hành mở thầu và đàm phán với nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT, đáng nhẽ phải quy định rõ nhiều điều khoản liên quan đến kinh phí, quyết toán dự án, phương án thu phí với nhà đầu tư.
Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình muốn đóng tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình để dồn xe đi trên QL6.
Tuy nhiên, các điều khoản này lại không được thể hiện rõ trong hợp đồng nên mới dẫn đến chuyện nhiều nhà đầu tư dựa vào kẽ hở đó để "lách luật", đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu không thỏa đáng.
"Việc không hoàn thiện khung pháp lý dự án BOT đã dẫn đến những hệ quả bức xúc trong dư luận, ký hợp đồng làm dự án xong đi vào thực hiện lại xảy ra những tranh cãi không về mặt pháp lý mà bên nào cũng có lý đúng của mình dẫn đến những lùm xủm, đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào các dự án BOT trên cả nước" - ông Xuyền nói.
Trở lại vấn đề tại BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, ông Xuyền cho rằng, Bộ GTVT cần phải nhanh chóng ngồi lại với nhà đầu tư để đàm phán, đưa ra quan điểm chung để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 3 bên là người dân, nhà đầu tư và nhà nước.
Ông Xuyền đưa ra phương án: "Nếu nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vốn để quyết toán giải phóng mặt bằng thì Bộ GTVT có thể tạm ứng trước, hoặc châm trước cho nhà đầu tư tiến hành thu phí nhưng phải đi kèm với đó là phương án tính lãi số tiền đó như thế nào, trong khoảng thời gian bao lâu thì nhà đầu tư phải trả cả vốn lẫn lãi số tiền đó.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng phải sớm có tham mưu, đề xuất tới các đơn vị liên quan để hoàn thiện luật đầu tư BOT, từ đó mới có cơ sở để tiếp tục làm thêm các dự án tiếp theo mà không bị méo mó như trong thời gian qua".
Ngoài ra, việc thẩm định năng lực của nhà đầu tư của Bộ GTVT cũng không được làm hết trách nhiệm, dẫn đến tình trạng "tay không bắt giặc" tại nhiều dự án.
Như với chủ đầu tư dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, trước đó đã đặt trạm thu phí tại QL6 (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) để hoàn vốn cho toàn dự án từ năm 2015.
Đến năm 2018, trạm này thu phí vượt 70 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu nhưng nhà đầu tư không góp đủ vốn để làm tuyến đường mới Hòa Lạc - Hòa Bình, khiến thành phần của dự án chậm tiến độ.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT phải buộc ra "tối hậu thư", yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình chậm nhất vào cuối tháng 8/2018.
Mặc dù vậy, khi hoàn thiện dự án, nhà đầu tư vẫn thiếu 7,8 tỷ đồng chuyển cho UBND tỉnh Hòa Bình để thanh toán số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa thể đặt trạm thu phí trên tuyến đường này.
Trước đó, khi nói về việc đòi đóng tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình của nhà đầu tư, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đây là hệ lụy của việc Bộ trưởng Bộ GTVT không giữ đúng lời hứa.
"Muốn làm đường BOT thì từ A đến B phải có 2 tuyến đường, trong đó một tuyến đường không thu phí còn một tuyến đường có tổ chức thu phí để cho người dân có quyền lựa chọn. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GTVT hứa trước nhân dân sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, từ Hà Nội đi Hòa Bình hiện nay có 2 tuyến đường chính, cả hai tuyến đường này đều đã được Bộ GTVT có chủ chương giao chủ đầu tư đặt trạm thu phí đồng thời trên cả 2 tuyến đường này.
Điều đó đã vô tình tạo nên tuyến đường độc đạo, người dân không có sự lựa chọn, đi đường nào cũng bị thu phí. Và khi chủ đầu tư thấy tuyến đường chưa đủ điều kiện thu phí thì sẽ tiến hành đóng tuyến, không cho xe lưu thông để dồn lưu lượng xe về tuyến đang được thu phí" - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Trạm thu phí BOT Bến Thủy: Thiếu dữ liệu 906 ngày Tại 2 trạm thu phí BOT Bến Thủy thiếu dữ liệu tổng cộng 906 ngày, tiền chênh trong thời gian kiểm tra là 30 triệu ... |
Vì sao chủ đầu tư đòi đóng BOT Hòa Lạc-Hòa Bình? Bộ GTVT không giữ lời hứa dẫn đến hệ quả các trạm BOT đặt trên các tuyến đường độc đạo khiến chủ đầu tư cứ ... |