Đồng USD dao động nhẹ sát đáy 3,5 năm trong sáng thứ Năm (3/7) khi mà các nhà đầu tư đang bị giằng xé giữa sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với nỗi lo về triển vọng kinh tế Mỹ sau báo cáo việc làm không mấy khả quan của khu vực tư nhân.

 
Đồng USD dao động sát đáy 3,5 năm sau báo cáo việc làm khu vực tư nhân tại Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư đã chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social: “Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng mình vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Tô Lâm”.

Theo các nhà phân tích, thông tin này làm dấy lên kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác trong thời gian tới, nhất là khi thời hạn áp thuế quan 9/7 đang tới gần, từ đó giúp kinh tế toàn cầu tránh được một cuộc chiến thương mại.

“Thỏa thuận thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được công bố rõ ràng đã làm giảm bớt một phần của câu đố bất ổn xung quanh thương mại, không chỉ vì tác động trực tiếp mà còn có thể là một chỉ báo cho thấy sẽ còn nhiều điều nữa sẽ diễn ra trong tuần tới hoặc lâu hơn, tất cả đều sẽ giúp làm giảm bớt nguồn bất ổn chính trị trong ba tháng qua”, Jim Baird - Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors ở Southfield, Michigan cho biết.

Tuy nhiên sự lạc quan của các nhà đầu tư đã bị che mờ phần nào trước báo cáo việc làm không mấy khả quan của khu vực tư nhân tại Mỹ. Cụ thể, Báo cáo việc làm quốc gia của ADP cho thấy, bảng lương của khu vực tư nhân đã giảm 33.000 việc làm vào tháng trước sau khi tăng 29.000 việc làm vào tháng 5 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 95.000 việc làm mà các nhà kinh tế dự kiến.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn tỏ ra lo ngại về dự luật thuế và chi tiêu khổng lồ của Trump - dự kiến ​​sẽ tăng thêm 3,3 nghìn tỷ đô la vào nợ quốc gia khi nó được Quốc hội thông qua.

Hệ quả là đồng USD chỉ giao động nhẹ trong sáng thứ Năm sau khi đã phục hồi trở lại vào cuối ngày thứ Tư. Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt vẫn đang xoay quanh mức 96,7, cách không xa so với mức đáy 3,5 năm thiết lập trong ngày thứ Ba là 96,373.

So với đồng tiền chung châu Âu, hiện đồng bạc xanh đang được giao dịch ở mức 1,1796 USD/EUR, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 là 1,1829 USD/EUR thiết lập trong phiên ngày thứ Ba.

Đồng bạc xanh cũng giảm nhẹ so với đồng franc Thụy Sĩ xuống mức 0,7912. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, có thời điểm đồng bạc xanh đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015 so với đồng nội tệ của Thụy Sĩ.

Đồng tiền dự trữ số một thế giới không có nhiều thay đổi so với yên Nhật trong sáng nay, hiện đang được giao dịch ở mức 143,68 JPY/USD.

Trong khi đó, đồng bảng Anh vẫn tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh trong ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Anh. Hiện đồng bảng Anh đang được giao dịch ở mức 1,3635 USD/GBP.

Theo các nhà phân tích, hiện các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm tháng 6 sẽ được Bộ Lao động Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy bảng lương tư nhân đã giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 6.

“Báo cáo của ADP chắc chắn đã làm tăng rủi ro cho bảng lương phi nông nghiệp ngày hôm nay”, Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Saxo ở Singapore cho biết. “Những gì trước đây có thể được hiểu là ‘tin xấu là tin tốt’ (dữ liệu yếu hơn thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất) giờ đây có thể chỉ được coi là tin xấu, đặc biệt là nếu lo ngại về suy thoái kinh tế xuất hiện”.

Trên thực tế, Báo cáo này đã thúc đẩy các nhà giao dịch thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Theo công cụ FedWatch của CME, hiện các nhà giao dịch đang định giá 25% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7, tăng so với mức 20% một ngày trước đó.

Về lý thuyết, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD mất đi một động lực.

https://thoibaonganhang.vn/dong-usd-dao-dong-sat-day-35-nam-sau-bao-cao-viec-lam-khu-vuc-tu-nhan-tai-my-166751.html

Hà Vy / Theo Thời báo Ngân hàng