Theo luật sư, cơ quan điều tra cần làm rõ việc đốt pháo trong đám cưới ở Sóc Sơn (Hà Nội) có đồng phạm hay có tổ chức hay không.
Ngày 4/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Khang (SN 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Tại cơ quan công an, Khang khai nhận là người trực tiếp mua 3 bánh pháo với giá 4,5 triệu đồng của một người lạ trên mạng xã hội, đem về đốt trong và sau đám cưới vào ngày 1/3 tại xã Phù Lỗ.
Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, pháo nổ được xác định là hàng cấm: cấm sản xuất, cấm vận chuyển, cấm tàng trữ, cấm buôn bán.
Bởi vậy những người có hành vi trên sẽ được xác định là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.
Người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng từng bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn); Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này, Trần Văn Khang khai nhận mua pháo của người lạ mặt trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ người lạ mặt đó là ai để xử lý hành vi mua bán trái phép số pháo trên.
“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi mua bán trái phép số lượng pháo nêu trên. Nếu có căn cứ xác định pháo có số lượng từ 10kg trở lên thì sẽ xử lý hình sự người mua bán về tội mua bán hàng cấm”, luật sư Cường nhận định.
Khi cơ quan chức năng xác định rõ được người mua bán trái phép số pháo trên thì người này sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội mua bán hàng cấm.
Trong vụ án này, Trần Văn Khang được xác định là người đốt pháo thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường, thách thức pháp luật thì có thể xem xét xử lý hình sự như bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác định phạm tội trong trường hợp có tổ chức, gây cản trở giao thông… thì có thể nhận mức án 2-7 năm tù.
“Người đốt pháo nơi công cộng sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu mức độ nghiêm trọng thì sẽ xử lý hình sự, nếu hậu quả được xác định chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này”, luật sư cho hay.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ xác định vai trò của chủ nhà trong vụ việc này. Nếu chủ nhà có bàn bạc, thống nhất với người đốt pháo là sẽ mang pháo ra nơi công cộng đốt gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì chủ nhà cũng sẽ được xác định là đồng phạm trong vụ việc này.
“Thông thường, người tổ chức đám cưới sẽ quyết định phương thức, nghi thức, thời gian, địa điểm và các vấn đề khác có liên quan. Bởi vậy, nếu một người mang pháo ra đốt giữa đám cưới mà không được sự đồng ý của người đứng ra tổ chức đám cưới, chủ nhà thì điều đó là hiếm khi xảy ra”, luật sư Cường nói.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đồng phạm (quay phim, chụp hình, đưa bật lửa….) hoặc có tổ chức để xử lý nghiêm những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho hay, trong vụ án này, rất có khả năng, những người đốt pháo có liên quan đến những người tổ chức đám cưới.
“Theo đó, quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hay không sự liên quan này để xác định có đồng phạm hoặc có tổ chức. Trong trường hợp nếu những người đốt pháo thực hiện hành vi một cách độc lập thì họ phải tự chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hưng cho hay.
Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, quy định các loại pháo sau đây được phép sử dụng, bao gồm: - Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng cho phép. - Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa. - Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự. - Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ. Như vậy, ngoài các loại pháo theo quy định nêu trên thì tất cả những hành vi quản lý, sử dụng pháo khác đều là vi phạm quy định pháp luật. Về hành vi sử dụng pháo không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 1.000.000đ – 2.000.000đ. Theo đó, người trực tiếp có hành vi sử dụng pháo sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định này. Trường hợp đốt pháo nổ nơi công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn và hội, xã hậu quả làm chết người, thương tích, thiệt hại về tài sản hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đốt pháo nổ nơi công cộng sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Trường hợp hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì hành vi đốt pháo nổ nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. |
Huy động lực lượng ngăn chặn gây rối, đốt pháo trận Việt Nam vs Malaysia |
Việt Nam vs Malaysia: VFF lắp camera an ninh ngăn CĐV đốt pháo sáng |
Thông tin mới nhất vụ đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy |