Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) vừa đột xuất kiểm tra 21 cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên để gi ám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh xăng dầu và ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ.

antdvn-do-cay-xang-6160
Đoàn giám sát của Tổng cục QLTT yêu cầu đo bể xăng tại cây xăng thuộc tỉnh Thái Nguyên chiều 3-9

Có tình trạng hết xăng cục bộ

Đoàn công tác của Tổng cục QLTT tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…

Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Tại Hà Nội, đoàn công tác kiểm tra 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Kết quả cho thấy, đa số các cửa hàng đều hoạt động bình thường, nguồn xăng, dầu đủ để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty cổ phần Nam Hồng, tại địa chỉ Km6, đường Bắc Thăng Long Nội Bài- Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội, thương nhân phân phối là Công ty cổ phần vật tư thương mại Vĩnh Phúc đã hết mặt hàng xăng, chỉ còn kinh doanh dầu. Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, cửa hàng này không treo biển hết xăng để thông báo với người dân.

Theo nhân viên cửa hàng thì tình trạng hết xăng mới diễn ra đầu giờ sáng 3-9. Tuy nhiên, tại cây xăng này, đội QLTT địa bàn đã tiến hành lập biên bản ghi nhận tình trạng hết xăng 2 lần vào 2 ngày liên tiếp 1 và 9-9 trước đó.

Do đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Hoàng Ánh Dương yêu cầu cán bộ phụ trách địa bàn phải xác định rõ nguyên nhân vì sao không có hàng để bán.

Tại Vĩnh Phúc, đoàn kiểm tra đến 6 cửa hàng tại huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Đoàn giám sát ghi nhận 3/6 cửa hàng thông báo hết mặt hàng xăng RON 95-III; đây đều là các cửa hàng nhượng quyền thương mại của Petrolimex Hà Nội gồm: Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Vân-Vĩnh Phúc, phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên;

Cửa hàng xăng dầu Hùng Vương, thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hoài Nam, địa chỉ tổ 8, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên; Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hồng Quân, địa chỉ thôn Hưởng Lộc, xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên. Còn các mặt khác vẫn bán bình thường, không hạn chế số lượng bán ra cũng như thời gian bán hàng.

Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 thương nhân phân phối xăng dầu (gồm: Chi nhánh xăng dầu Vĩnh Phúc; Công ty cổ phần Vật tư thương mại Vĩnh Phúc; Công ty TNHH TM Anh Long và Công ty TNHH xăng dầu Vạn Cường) và 81 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với 155 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trong đó 154 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 1 tàu dầu) đang hoạt động trên toàn tỉnh.

Về cơ bản, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Phương cho hay, vài ngày gần đây, trên địa bàn có xuất hiện tình trạng kinh doanh gián đoạn cục bộ, một số cửa hàng hết hàng xăng RON 95-III. Sau khi trao đổi với chi nhánh xăng dầu, lực lượng cũng nắm bắt tình hình, nhắc nhở các cửa hàng sớm điều chỉnh, tránh để tình trạng hết hàng cục bộ kéo dài.

Trong ngày 3-9, các đội quản lý địa bàn đã ghi nhận 3 cửa hàng báo hết xăng. Trong số đó, có cửa hàng trùng với quá trình giám sát của đoàn công tác Tổng cục QLTT. Trường hợp này đã được đoàn kiểm tra tiến hành đo bể vào ngày 2-9 và khẳng định việc hết hàng.

Tại Thái Nguyên, trong ngày 3-9, đoàn đã giám sát tại 10 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên. Tại đây tình hình kinh doanh xăng dầu tương đối ổn định. Nhiều cửa hàng cũng như người tiêu dùng cho biết không gặp khó hoặc gián đoạn trong quá trình mua xăng dầu; Một vài cửa hàng chỉ bán một loại xăng hoặc E5 RON 92 hoặc RON 95-III do “một cột bơm bị hỏng”. Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương đã chỉ đạo Đội QLTT địa bàn nhanh chóng xác minh, làm rõ lý do trên.

Qua làm việc tại các địa phương, Tổng cục QLTT có ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ, tạm thời. Lãnh đạo Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT địa phương xác định rõ việc cùng một thương nhân phân phối mà cửa hàng có hoặc không có hàng, để xử lý nghiêm. Đồng thời, Cục QLTT các tỉnh phải xác thực với các thương nhân nhượng quyền về việc nguồn cung có ổn định hay không?; Không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu mà chỉ bán dầu, hết xăng.

Doanh nghiệp xăng dầu xin tạm nghỉ bán hàng

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu cục bộ xăng dầu là do thiếu nguồn cung, hoặc chỉ được nhập với khối lượng hạn chế.

Ông Chu Quốc Khánh- Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịp nghỉ lễ 2-9, đơn vị đã nhận được công văn báo cáo của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON95-III.

Doanh nghiệp tư nhân Trung Dũng (TP. Thái Nguyên) nêu: Tính đến hết ngày 1-9-2022, Cửa hàng xăng dầu tư nhân Trung Dũng đã hết mặt hàng xăng RON95-III. Doanh nghiệp đã gọi điện lên Công ty Xăng dầu Bắc Thái để xin cấp mặt hàng xăng này, được công ty trả lời hết nguồn. Do vậy, doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON95-III đến khi nào Công ty Xăng dầu Bắc Thái cấp nguồn thì tiếp tục bán.

Công ty TNHH Xăng dầu Quyết Tiến, tổ dân phố Trại, phường Tân Hương, TP. Phổ Yên, ngày 30-8-2022 cũng cho biết, hiện nay, tình hình kinh doanh xăng dầu vô cùng khó khăn về: Nguồn hàng (các đầu mối báo hết nguồn, xuất hàng ra quá nhỏ giọt, tại kho các mặt hàng không đầy đủ);

Chiết khấu: Các kho cho chiết khấu bằng 0 đồng/lít gần như là không xuất hàng ra. Để có hàng cấp cho các đại lý, chúng tôi phải lấy hàng từ những nguồn hàng không có chiết khấu. Như vậy, về đến cửa hàng phải bù hoàn toàn cước vận chuyển cộng thêm chi phí bán hàng.

“Dù đã rất cố gắng để phục vụ nhân dân nhưng với những lý do trên, các đại lý bị lỗ quá nhiều, không thể tiếp tục kinh doanh được nữa, dẫn đến xin tạm nghỉ bán hàng”- đại diện Cục QLTT Thái Nguyên cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch, Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex Bắc Thái, đơn vị vẫn đủ hàng cung cấp cho các đơn vị theo kế hoạch. Nhưng tại một số thời điểm nhất định, do hàng chưa về kịp nên có tình trạng hết hàng tạm thời, nhưng chỉ một vài tiếng sau sẽ có. Những ngày này, nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu tăng khoảng 40%. Vì thế, những cửa hàng, đại lý lấy nhiều hơn so với hạn mức đã ký kết hợp đồng với Công ty sẽ không hoặc chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp nhưng ông Hoàng Ánh Dương cũng nêu vấn đề, một số cây xăng dán “hỏng máy”, “hỏng trụ bán hàng” là bất hợp lý, yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra kỹ việc này, tránh để tình trạng găm hàng, bán hàng cầm chừng, đợi tăng giá mới bán.

Hà Linh / ANTĐ