TP chỉ đạo phải hoàn thành các công trình chống sạt lở trong năm 2018 nhưng nhiều dự án vẫn phải thi công cầm chừng vì các địa phương vẫn chưa giao mặt bằng cho đơn vị thi công

Những ngày qua, công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè,

TP HCM) bị người dân cản trở 2 lần trong quá trình thi công. Điều đáng nói là tại vị trí này, giữa năm 2017 đã cuốn 5 căn nhà xuống sông nên TP liệt vào diện sạt lở cấp bách.

Dự án nào cũng vướng mặt bằng

Ông Trần Minh Cát (ngụ xã Hiệp Phước) cho biết việc làm kè là cần thiết bởi không thì sẽ tiếp tục mất đất. Các hộ dân có nhà thuộc diện di dời khẩn cấp được huyện cấp cho một nền nhà ở khu vực cách đó không xa, đồng thời có tiền hỗ trợ di dời. Mặc dù vậy, vẫn còn 2 hộ chưa giao mặt bằng, trong đó một hộ chưa di dời nhà và một hộ đã di dời nhưng không đồng ý cho đơn vị thi công đóng cừ trên phần đất trước đó họ sử dụng. Nguyên nhân đều do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường.

du an chong sat lo lo tre hen

Dự án Xây kè chống sạt lở bờ tả Rạch Giồng – Sông Kinh Lộ (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) vẫn còn vướng 2 hộ dân

Ông Phạm Văn Lộc, đại diện tư vấn giám sát công trình, cho biết đã nhiều lần vận động chủ nhà nhưng họ không cho thi công trên phần đất đã nói nên tiến độ chỉ mới đạt 75%, đoạn thuộc 2 hộ này dài gần 60 m vẫn phải tiếp tục chờ địa phương giao mặt bằng. Trong những ngày tới, đơn vị thi công sẽ lập biên bản về việc người dân không đồng ý giao mặt bằng để báo cáo chủ đầu tư ngưng thi công.

Đây không phải là công trình chống sạt lở duy nhất ở TP thi công kiểu "da beo" vì mặt bằng. Theo thống kê, toàn TP có 40 vị trí sạt lở thì hầu hết các dự án chống sạt lở các vị trí này vẫn chưa được bàn giao mặt bằng đầy đủ cho các đơn vị thi công hoàn chỉnh và đưa vào khai thác.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cho biết các đơn vị thuộc sở làm chủ đầu tư 24 vị trí, các quận huyện là 14 vị trí, 2 vị trí có nguy cơ sạt lở đang giao đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Địa phương có nhiều vị trí sạt lở nhất là huyện Nhà Bè (16 vị trí), trong đó có 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm. UBND TP đã cho triển khai 17 dự án xây kè với chiều dài 7.441 m để xử lý 16 vị trí này. Trong đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa thực hiện 13 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Nhà Bè 4 dự án. Các quận, huyện cũng có nhiều vị trí sạt lở khác là huyện Cần Giờ, Bình Chánh và quận 2, Thủ Đức.

Nguy cơ chậm trễ

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng nhưng các dự án triển khai chậm, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án bờ kè chống sạt lở, sớm bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công trước ngày 1-1-2018. Sở GTVT làm đầu mối tổng hợp báo cáo của các quận, huyện để báo cáo UBND TP kịp thời tháo dỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Hội đồng Thẩm định giá đất TP sớm xem xét phê duyệt đơn giá T1, T2 đối với các dự án đã được thông qua phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để chính quyền địa phương, chủ đầu tư làm cơ sở vận động người dân giao mặt bằng trước để tổ chức thi công. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính cân đối nguồn vốn bố trí kịp thời để thực hiện các dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở, đặc biệt ưu tiên các dự án tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm

Ông Phạm Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP), cho biết khó khăn lớn nhất của các dự án chống sạt lở là mặt bằng. Trong số 24 dự án do các đơn vị thuộc sở làm chủ đầu tư thì hiện 7 dự án hoàn thành cơ bản hạng mục bờ kè, bảo đảm mục tiêu chống sạt lở. Tuy nhiên, các hạng mục như lót gạch vỉa hè, bồn hoa, tiểu cảnh, lan can vẫn chưa thực hiện được do dân chưa bàn giao đất. Trong quá trình thi công, nhà thầu cũng phải vận động từng hộ để họ cho thi công trước nhưng số hộ đồng ý cũng rất hạn chế. Nếu các dự án được giao mặt bằng trong quý I thì đến cuối năm sẽ bảo đảm khắc phục cơ bản, ngăn không cho sạt lở thêm.

Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho biết đang phối hợp các địa phương rà soát chi tiết từng dự án để đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ động vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công 8 dự án bàn giao mặt bằng chậm nhất trong tháng 2 để kịp hoàn thành trong năm.

Tái định cư cho dân trong năm 2018

Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết 16 vị trí sạt lở trên địa bàn ảnh hưởng đến 274 hộ dân, huyện đã đưa các hộ dân này vào đề án bố trí dân cư phòng tránh thiên tai. Các khu tái định cư đã được ghi vốn đợt 1 để khởi công trong tháng 2. Liên quan đến chính sách di dời tái định cư, huyện đã gửi văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP họp các đơn vị liên quan tháo gỡ một số vướng mắc. Theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ di dời dứt điểm các hộ dân thuộc diện sạt lở vào các khu tái định cư. Trong 16 vị trí, đa số do Khu Quản lý đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, còn huyện có 4 dự án. Việc thi công các dự án bờ kè vẫn thực hiện song song với di dời, bố trí các hộ dân vào nơi an toàn.

du an chong sat lo lo tre hen Sạt lở bờ kè, nguy cơ dân mất đường đi

Bờ kè giáp suối Pa đoạn lưu thông bản Pa, xã Tam Thanh, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) bị nước lũ làm hư ...

du an chong sat lo lo tre hen Bờ kè tiền tỉ chưa nghiệm thu đã hỏng!

Ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết UBND huyện này vừa yêu cầu các ...

/ nld.com.vn