Dự án xây đập lớn nhất trên sông Mekong do Trung Quốc hỗ trợ Campuchia tiến hành sẽ tiêu diệt các loài thuỷ hải sản đang nuôi sống hàng triệu người.
Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo do Viện Di sản Thiên nhiên (NHI), trụ sở tại Mỹ, đăng tải trên website mình.
Theo báo cáo, dự án đập Sambor sẽ mang lại lợi ích lớn về điện cho Campuchia nhưng cũng góp phần phá huỷ môi trường sống của các loài thủy sản ở sông Mekong.
Đập Sambor được Công ty Lưới điện Nam Trung Quốc thiết kế, trong đó có một hồ chứa rộng 620 km vuông. Khi hoàn thành, đây sẽ là con đập lớn nhất từng được xây dựng trên sông Mekong, vượt qua đập Xayaburi ở Lào vốn bị các nhà môi trường phản đối trong nhiều năm qua.
Các chuyên gia NHI khuyến nghị với chính phủ Campuchia rằng họ nên hoãn dự án để nghiên cứu các giải pháp thay thế tốt hơn như sử dụng năng lượng mặt trời để hỗ trợ các đập thủy điện hiện có.
Người dân sống ở ngôi làng Kbal Chroy - Campuchia trên một nhánh sông Mekong. Ảnh: AP
NHI cảnh báo đập Sambor sẽ trở thành rào cản ngăn chặn sự di chuyển của cá từ hồ Tonle Sap ở Campuchia, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu, nơi đất nông nghiệp đồng bằng bị phá hủy do xâm nhập mặn từ nước biển.
Thêm vào đó, khoảng 80 con cá heo Irrawaddy có nguy cơ tuyệt chủng ở sông Mekong có thể bị chết vì các khu vực chúng sử dụng để trú ẩn vào mùa khô sẽ bị lấp đầy bởi trầm tích do đập Sambor làm tích tụ lại.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng 7 con đập mà Trung Quốc xây dựng tại thượng nguồn sông Mekong đã khiến cho các nước Đông Nam Á đau đầu vì chúng làm giảm lượng trầm tích chảy xuống hạ lưu.
Các đập của Trung Quốc cũng bị đổ lỗi cho việc làm trầm trọng thêm nạn hạn hán ở Đông Nam Á hồi năm 2016. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực vẫn đang thúc đẩy kế hoạch cho các công ty Trung Quốc xây dựng một loạt con đập khác trên sông Mekong nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Phạm Nghĩa (Theo AP)
Giá đắt phải trả cho đập Trung Quốc trên dòng Mekong Hàng chục dự án đập thủy điện của Trung Quốc đang đe dọa ngành nông nghiệp và nghề cá của người dân Đông Nam Á ... |
Hợp tác Mekong, dè chừng "ông lớn" Với việc Tổ chức Lan Thương Mekong do Trung Quốc thành lập thông qua "Kế hoạch hành động 2018-2022", viễn cảnh về môi trường hợp ... |
Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong Việc Bắc Kinh đầu tư cho các dự án thủy điện trên sông Mekong được nhiều nước nghèo ở Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng ... |